Biển Đông trên bàn hội nghị ASEAN

Thứ năm, 13/11/2014 09:16

(Cadn.com.vn) - Vấn đề biển Đông tiếp tục chi phối bàn Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 25, vốn khai mạc hôm 12-11 (kéo dài đến ngày 13-11) tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar.

Sau tâm điểm Bắc Kinh với Hội nghị APEC, giới chính trị thế giới lại dồn chú ý về Naypyidaw – nơi các nhà lãnh đạo ASEAN bàn giải pháp đối phó với các thách thức lớn như sự trỗi dậy nguy hiểm của nhóm IS, dịch bệnh chết người Ebola và đặc biệt vấn đề biển Đông.

ASEAN 25 là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu thời kỳ cải cách thành công của Myanmar khi nước này lần đầu tiên đăng cai hội nghị lớn như thế này. Tuy nhiên, hiện có nhiều chỉ trích cho rằng, cải cách của Myanmar đang đi chệch hướng. Quân đội vẫn nắm giữ quyền lực chính trị đáng kể, tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt xung đột với đồng bào dân tộc thiểu số bị đình trệ, và việc bức hại người Hồi giáo Rohingya thiểu số đang khiến nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở bang Rakhine.

Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ bàn cách giải quyết những vấn đề này trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thein Sein tại Diễn đàn Khu vực Đông Á (EAS).

Các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện tình đoàn kết tại hội nghị hôm 12-11. Ảnh: AP

Tìm kiếm cam kết chắc chắn cho biển Đông

Nhiều hy vọng đặt vào hội nghị lần này, với niềm tin các bên sẽ đạt tiến bộ trong tranh chấp lãnh hải kéo dài và gây tranh cãi: thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) – vốn được coi là chìa khóa quan trọng nhất giải quyết mâu thuẫn.

Tại các cuộc họp kín ở thủ đô Naypyidaw, các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố sẽ hối thúc Trung Quốc có cách tiếp cận bớt hiếu chiến hơn đối với những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên biển Đông. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, hiện người ta ngày càng quan ngại về sự leo thang trong các tranh chấp, ngay cả khi các bên tuyên bố chủ quyền đang phối hợp để thiết lập COC. Hồi tháng 8, tại Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), các nước ASEAN cũng kêu gọi “sớm hoàn tất COC”.

Trên thực tế, tranh chấp ở biển Đông đang ngày càng nổi sóng do những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ và vô lý của Trung Quốc, một phần những gì mà Nhà Trắng xem là “các kiểu hành xử leo thang” - ám chỉ việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5, cũng như việc Bắc Kinh tăng cường tuần tra và hiện diện quanh quần đảo tranh chấp với Philippines.         

Nói về vấn đề biển Đông tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở biển Đông (DOC)...; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Tầm nhìn ASEAN

Ngoài bài toán biển Đông, việc tiến đến thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 cũng như kế hoạch tăng cường các thể chế ASEAN, cũng được ưu tiên thảo luận.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, các nước thành viên đang ở giai đoạn cuối cùng nhằm biến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành hiện thực, với 80% các biện pháp hội nhập đã hoàn tất. Ông kêu gọi các nước thành viên tăng gấp đôi nỗ lực của họ để hoàn thành các mục tiêu còn lại. Nhà lãnh đạo Singapore cũng hoan nghênh những tiến bộ trong việc đạt tiến triển trong các vấn đề trung tâm của Tầm nhìn ASEAN với việc thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Cấp cao để xác định lộ trình cho tương lai. Cuối cùng, theo ông, một ASEAN đoàn kết, vững mạnh về kinh tế có thể giúp thu hút đầu tư tốt hơn, tạo việc làm, giải quyết các thách thức khu vực và tạo nền tảng hiệu quả để đóng vai trò lớn hơn.

Hội nghị cuối cùng thông qua Tuyên bố Naypyidaw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với các thành tố chính, làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN 2016-2025.

Khả Anh

Trung-Mỹ xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới

Trung-Mỹ ngày 12-11 nhấn mạnh cam kết xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Tân Hoa Xã, cam kết đưa ra sau cuộc hội đàm chính thức song phương giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tại cuộc hội đàm, cả hai nhất trí về các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo đó Bắc Kinh dự kiến lượng khí thải cao nhất vào “khoảng năm 2030”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc - nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới - tự đặt ra thời hạn cho mục tiêu ngừng tăng thêm lượng khí thải.