Biên giới khó, có “Nhà Công an”

Thứ năm, 29/06/2023 09:53
Để lắp ghép những ngôi nhà trên núi cao, cán bộ chiến sỹ Công an cùng lực lượng tình nguyện và người dân phải gùi cát, sỏi, vật liệu băng rừng, leo núi. Song với phương châm “nhanh một giờ là bà con có nhà sớm một giờ”, cứ thế, hàng nghìn “nhà Công an” được dựng lên ở vùng biên giới...
Công an huyện Kỳ Sơn huy động tổng lực phối hợp với các lực lượng khác làm nhà cho người dân.
Thượng tướng Lương Tam Quang (thứ 2 từ phải sang) - Thứ trưởng Bộ Công an trong Lễ bàn giao nhà mẫu và kinh phí xây dựng nhà cho người nghèo ở huyện Tương Dương.

Sắc xanh ở vùng biên

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 15.300 hộ nghèo, hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Hưởng ứng Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025, thực hiện Đề án xây dựng xã biên giới sạch về ma túy của Công an tỉnh Nghệ An, Bộ Công an đã quyết định hỗ trợ xây dựng 1.420 nhà ở cho các hộ nghèo tại 27 xã biên giới thuộc 6 huyện. Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã vận động hỗ trợ xây dựng 400 căn nhà. Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức vận động, hỗ trợ xây dựng 1.000 ngôi nhà tình nghĩa tại 3 huyện biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong.

Tại huyện biên giới Kỳ Sơn, Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng 1.087 căn nhà. Trong đó, đợt 1 có 500 nhà ở thuộc 9 xã nội địa, đợt 2 gồm 587 nhà thuộc xã biên giới. Mỗi căn có diện tích xây dựng là 46,5m2 với tổng kinh phí 50 triệu đồng/ nhà, riêng phần móng 3-5 triệu đồng từ nguồn vận động của địa phương.

Xe máy chở vật liệu lên làm nhà cho gia đình anh Lo Văn Quy.

Những ngày này, không khó để bắt gặp những hình ảnh quen thuộc ấm áp tình quân dân nơi vùng cao biên giới Nghệ An. Xen lẫn vào những màu áo của bộ đội, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ… là hình ảnh sắc phục Công an bên những ngôi nhà mới đang dần hiện hữu. Mỗi người một việc, người cầm cuốc, người cầm xẻng, người gùi cát, gùi sỏi, ximăng và bốc dỡ sắt thép. Không khí rất khẩn trương.

Thượng úy Đặng Thái Lương - Đội trưởng thuộc Công an huyện Kỳ Sơn chia sẻ, phải gùi xi-măng, cát, sỏi lên núi nhưng mỗi ngày, đơn vị đặt mục tiêu phải hoàn thiện 3 móng nhà. Khi mỗi móng nhà hoàn thành là lúc cảm giác mọi mệt mỏi đều tan biến. Cứ thế, Công an huyện Kỳ Sơn đang gấp rút phối hợp cùng chính quyền, người dân hoàn thành nốt những nền móng cuối cùng để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành 2.420 căn nhà trước ngày 19-8.

Theo Thượng tá Tô Văn HậuTrưởng Công an huyện Kỳ Sơn, để hoàn thành khối lượng công việc “đồ sộ” trên, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo về tận các xã, các bản, từng hộ để triển khai. Bên cạnh đó, với phương châm “nhanh một giờ, bà con có nhà sớm một giờ”, hàng trăm lượt chiến sỹ đã được huy động để giúp dân vận chuyển vật liệu, trực tiếp thi công, đào đất, xây móng...

Trong lễ trao tặng nhà mẫu và kinh phí hỗ trợ tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định, giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững và là một chủ trương lớn, chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống, bản chất tốt đẹp của dân tộc ta. Với truyền thống đó, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Công an luôn tập trung hướng tới công tác chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo, người gặp khó khăn trên địa bàn cả nước…

Ngoài tỉnh Nghệ An, đến nay, Bộ Công an đã hỗ trợ xây dựng hơn 10.000 căn nhà, cùng nhiều điểm trường bán trú trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình...

Công an huyện Kỳ Sơn huy động tổng lực phối hợp với các lực lượng khác làm nhà cho người dân.

Niềm vui bên ngôi nhà mới

Nhà anh Lô Văn Quy (bản Nhãn Cù, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) nằm cheo leo giữa lưng núi. Nhưng từ sáng sớm, hàng trăm người đã tụ họp, í ới gọi nhau đến dỡ bỏ nhà cũ, vận chuyển vật liệu dựng nhà mới. Từng đoàn người, xe máy nối dài trên đỉnh núi cheo leo. Điểm tập kết cát sỏi cách nhà chừng 500m, dốc nên phải huy động sức người tạo thành lối mòn quanh co. Những bao cát, sỏi nhỏ nặng 20-30kg được các thanh niên trong bản vận chuyển bằng xe máy. Phụ nữ thì dùng gùi, từ 5-10kg. “Có nhà Công an rồi, chỉ lo làm ăn, nuôi vợ, con thôi”, anh Quy phấn khởi.

Bà Lô Thị Thanh ở bản Nhãn Lỳ, xã Tà Cạ còn vui hơn. Căn nhà cũ làm bằng gỗ tạp chỉ rộng hơn 10m2 đã được tháo dỡ, nhường chỗ cho căn nhà mới tương lai. Gia đình bà là một trong 48 hộ được Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ dựng nhà mới. “Sống gần 60 tuổi rồi, giờ có nhà mới, tôi vui lắm, là niềm an ủi lớn trong tuổi già”, bà Thanh vui mà rớm nước mắt.

Xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn là xã nghèo, chủ yếu dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống, chủ yếu sản xuất nương rẫy. Do địa hình toàn đồi núi nên việc xây dựng nền nhà gặp nhiều khó khăn, vất vả, bởi hầu hết nhà nào cũng nằm cheo leo trên núi. Vì vậy, ngay từ đầu chính quyền xã đã quán triệt “bản nào huy động lực lượng bản đó, trong điều kiện quá khó khăn thì sẽ huy động thêm lực lượng cán bộ công chức xã cùng tham gia”. Nhờ vậy, các nền nhà đều sớm hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ lắp ghép.

Ông Vừ Bá Chả - Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết, đây là chủ trương rất đúng đắn, đề án thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với các gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại địa phương. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020- 2025, xã phấn đấu về đích nông thôn mới, trong đó có yêu cầu về nhà 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng), đây là tiêu chí rất khó. Nhờ có chương trình này mà các hộ nghèo được làm lại nhà nếu không sẽ không thể hoàn thành.

HÓA DƯƠNG