Biển Quy Nhơn: Tản mạn chuyện cá và người

Thứ tư, 21/07/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Tình cờ, cùng chung trên một chuyến xe từ Đà Nẵng đến công tác tại TP Quy Nhơn để dự một Hội nghị phát hành báo chí, chẳng liên quan gì đến cá, thế nhưng, hầu như câu chuyện trên suốt thời gian hơn nửa ngày đường của chúng tôi cứ quanh quẩn về... cá (!). Tất nhiên, cụ thể là cá mập – một vấn đề rất thời sự của vùng biển Bình Định từ suốt giữa năm 2009 đến nay. Và cho rằng đến Quy Nhơn, lần này phải gắng tìm cho được cái món cá mập đặc sản… xơi thử.

Đoàn công tác được bố trí thu xếp nơi ăn nghỉ tại một khách sạn ven biển TP Quy Nhơn. Ai nấy đều hồ hởi kéo nhau ra biển dạo chơi. Bởi đặc điểm nơi đây, dù thích hay không, thì biển vẫn phơi bày cái dáng vẻ quyến rũ mời gọi của nó ngay phía trước cánh cửa phố thị.

Biển Quy Nhơn - dấu ấn nên thơ

Sở hữu bãi biển trải dài hơn 42km dọc theo con đường Quy Nhơn – Sông Cầu, Quy Nhơn vốn là một trong những thành phố biển nổi tiếng của miền Trung, với nhiều thắng cảnh thiên nhiên phong phú, đa dạng như bãi Bàng, bãi Dài, bãi Dại, bãi Xếp… Cách trung tâm thành phố chừng vài cây số, thắng cảnh biển Ghềnh Ráng- Tiên Sa với bãi Quy Hòa, bãi Hoàng Hậu và con đường dốc đá dẫn đến ngôi mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng là nơi những người yêu thơ nhạc khắc đậm dấu ấn: “Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm ôm trăng vỡ…”. 

Chính vì vậy, nhiều năm qua biển Quy Nhơn là một trong những yếu tố quan trọng đã góp phần phát triển ngành Du lịch Bình Định. Số lượng khách du lịch đến Bình Định luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; năm 2009 đón được 776 ngàn lượt khách; ước năm 2010 sẽ đón được 1 triệu lượt khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch toàn tỉnh năm 2010 ước đạt 260 tỷ đồng. Đến nay đã có hơn 100 khách sạn với tổng số 2.329 phòng, trong đó có 1.447 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế.

Chuyện cá

Thế nhưng, một sự cố bất ngờ: kể từ khi cá mập tấn công người trên vùng biển Quy Nhơn xảy ra từ giữa năm 2009 đến nay, đã làm cho nhiều người hoang mang, du khách hạn chế tắm biển. Có thể nhắc lại những trường hợp điển hình trong số hơn 10 người đi tắm biển bị cá mập tấn công tại biển Quy Nhơn trong thời gian qua như sau: Ngày 19-5-2009, liên tiếp hai vụ cá mập tấn công người diễn ra, được xem là lần đầu tiên, có hiện trường rất gần bờ. Nạn nhân là bà Trương Thị Tánh (60 tuổi, trú P. Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) và bà Nguyễn Thị Thu Thảo (58 tuổi, P. Nguyễn Văn Cừ)  với nhiều vết thương khá nghiêm trọng, những dấu răng tạo thành một “hình họa” kỳ dị có đường kính tới 20cm.

Đầu tháng 1-2010 lại thêm hàng loạt người tắm biển Quy Nhơn bị cá dữ bất ngờ tấn công, bị thương phải nhập viện điều trị đó là ông Nguyễn Minh Tuân và Mang Đức Hạnh (đều là giảng viên khoa Lý luận chính trị của ĐạI học Quy Nhơn). Theo Viện Hải dương học Nha Trang: Qua quá trình xác định vết thương của các nạn nhân bị cá cắn trong khi tắm biển, kết luận đều do một loài cá gây ra.

Phân tích răng của chúng thì loại cá này thuộc liên bộ cá nhám. Trong khi đó, một số ngư dân địa phương cho hay loài cá này tương đối phổ biến tại vùng biển Quy Nhơn, cũng là đối tượng khai thác của một số ngư dân làm nghề câu thẻo. “Cá nhám là tên gọi khác của loài cá mập, chúng tôi đi biển cả đời người và thấy chúng nhiều lần. Những người bị chúng cắn gần bờ có thể là do chúng đang quá nhỏ chứ nếu va phải loài mẹ của nó thì rất nguy hiểm”.

Bãi biển Quy Nhơn (ảnh chụp chiều 7-7-2010). 

Được biết, trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ thực hiện dự án đột xuất trong năm 2010 là: “Nghiên cứu cơ sở khoa học hiện tượng cá tấn công người tắm biển tại vùng biển Quy Nhơn và các giải pháp phòng tránh”. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã giao TP Quy Nhơn từ ngày 1-7, phải di chuyển tàu thuyền, thu dọn lồng bè nuôi cá ra khỏi bãi tắm để tránh dẫn dụ cá mập vào bờ. Bởi giải pháp hữu hiệu nhất là di chuyển các bè cá nuôi ra khỏi vùng bãi tắm. Cá mập không còn nguồn thực phẩm sẽ bỏ đi nơi khác.

Chuyện người

Tuy nhiên, bên cạnh việc cá tấn công người, thì việc người tấn công cá đáp trả tại biển Quy Nhơn cũng đã diễn ra không ít. Thậm chí, tại đây đã có phong trào săn bắt cá mập để lãnh thưởng, và  đã có 3 con cá mập bị bắt tại vùng biển này và khu vực giáp ranh, trong đó có con nặng hơn 1 tấn.

Mới nhất, ngay khi đoàn công tác chúng tôi vừa đến, vào khoảng 11 giờ ngày 8-7, người dân xã bán đảo Nhơn Hải, TP Quy Nhơn lại  phát hiện một con cá lạ đang mắc kẹt ở rạng đá cách bờ khoảng 3m. Con cá dài gần 5,5m, chu vi vòng bụng gần 4m, đường cung ngàm 1m, ước trọng lượng nặng hơn 1,5 tấn. Tuy nhiên, con cá đã nhanh chóng bị “xẻ thịt” trước khi các nhà chuyên môn lên tiếng: “Đây là cá nhám voi- một loại cá không hề nguy hiểm, có gene quý hiếm, đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam”.  

Phần kết

Vậy thì người sợ cá mập hay cá mập phải sợ người? Nhiều người khẳng định: con người mới chính là kẻ thù đáng sợ nhất của cá mập. Bởi vì, hằng năm, con người săn và giết chết khoảng 25 triệu con cá mập trên tất cả các đại dương. Peter Benchley, tác giả của cuốn Hàm cá mập (mà sau đó được đạo diễn Steven Spielberg chuyển thành phim), nay đã trở thành nhà bảo tồn đại dương và thay đổi cái nhìn về cá mập.

“Ngày nay tôi không thể viết Hàm cá mập như hồi đó được nữa. Lúc ấy tôi tin rằng cá mập coi con người như là mục tiêu săn mồi. Bây giờ thì chúng ta biết rằng chỉ trừ trường hợp cực kỳ hiếm, còn lại các vụ tấn công đều là do cá mập nhầm lẫn”.

Trần Trung Sáng