"Biệt đội 4.0"

Thứ bảy, 04/05/2019 10:48

Đội CSCNC CA tỉnh Quảng Nam ngày mới thành lập.

Những năm gần đây, các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao để hoạt động ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Để đấu tranh với loại tội phạm được ví như "Ninja công nghệ" này, tháng 4-2018 CA tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CSCNC) thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS). Xác định là lực lượng trực tiếp đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm sử dụng CNC để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tập thể Đội CSCNC đã nỗ lực khắc phục khó khăn về con người cũng như trang thiết bị phục vụ công tác; chủ động tìm tòi học hỏi để trang bị kiến thức về khoa học, công nghệ và kỹ thuật nghiệp vụ, từ đó tiếp cận, theo dõi, điều tra đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm sử dụng CNC.

Âm thầm, lặng lẽ với công việc theo dõi hoạt động của tội phạm luôn giấu mặt và tinh vi, cán bộ chiến sĩ của Đội CSCNC ngày đêm miệt mài đấu trí với hoạt động của các đối tượng. Theo thống kê, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, Đội CSCNC đã khám phá 12 vụ án với hơn 100 bị can liên quan, một con số đáng ghi nhận ở một đơn vị non trẻ.  Đầu tiên phải kể đến việc ghi dấu ấn khi Đội CSCNC lập chiến công triệt xóa đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng internet với số tiền hơn 600 tỷ đồng, bắt giữ Hoàng Quốc Việt (37 tuổi, trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Quảng Nam) kết nối với nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự ở địa phương và các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu và TPHCM để tổ chức cho hàng trăm người đánh bạc, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" và cưỡng đoạt tài sản.

Tiếp đến, Đội CSCNC đã tích cực điều tra phá án, làm rõ nhóm 6 đối tượng người Đài Loan cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam sử dụng mạng internet tìm kiếm thông tin các cá nhân người Việt Nam, sau đó gọi điện thoại cho nạn nhân mạo danh là cán bộ cơ quan thực thi pháp luật, đề nghị nạn nhân giữ bí mật và yêu cầu gửi tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra để phục vụ công tác điều tra, qua đó đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Đội CSCNC CA tỉnh Quảng Nam đấu tranh với đối tượng trong đường dây lừa đảo quốc tế.

Mới đây nhất, CA tỉnh Quảng Nam tiếp nhận đơn của công dân tố cáo Hồ Thị Anh Thư (1985, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt số tiền 148,3 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận đơn, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CA tỉnh, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh và xác định được Hồ Thị Anh Thư là đầu mối nhận tiền lừa đảo để chuyển cho đối tượng người nước ngoài và hưởng hoa hồng trên số tiền đã chuyển.  Qua thông tin khai thác được, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam khẩn trương triển khai các tổ công tác, chủ công là Đội CSCNC phối hợp với CATP HCM tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ thêm 3 đối tượng liên quan, gồm: Đỗ Viết Đại (chủ một tiệm vàng tại TP HCM), Ngô Thị Phương Trang (1964, trú tỉnh An Giang) và Trần Phương Toàn (1993, trú TP HCM) có hành vi nhận, chuyển tiền lừa đảo, tiền chi hoa hồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Mở rộng điều tra, tổ công tác đã xác định được đối tượng người nước ngoài chủ chốt trong đường dây hoạt động lừa đảo là Ezechiedo (1977, Quốc tịch Nigieria, tạm trú tại Q.12, TPHCM). Khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng này, CQĐT đã thu giữ nhiều giấy chuyển tiền từ Việt Nam về Nigieria với số tiền trên 100 tỷ đồng, 7 sim điện thoại trong nước và quốc tế, 5 thẻ rút tiền, 1 máy tính xách tay và số tiền 1.603 USD. Theo đó, CQĐT CA tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 bị can (gồm: Ezechiedo, Đỗ Viết Đại, Ngô Thị Phương Trang, Trần Phương Toàn, Hồ Thị Anh Thư) và đề nghị phong tỏa các tài khoản của Đỗ Viết Đại (số tiền 46 tỷ đồng), Hồ Thị Anh Thư (số tiền 590 triệu đồng) để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới…

Nói về những dấu ấn mà Đội CSCNC đã đạt được, Thượng tá Phạm Viết Tiến- Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam nhận định: "Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao mặc dù quân số còn khá mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, trong khi đó, hoạt động của tội phạm trên lĩnh vực này rất tinh vi với sự hỗ trợ của công nghệ cao, do đó yêu cầu công tác đặt ra cho Đội khá nặng. Tuy nhiên, với sự cố gắng của từng cán bộ chiến sĩ vừa làm, vừa tìm tòi, khai thác, đấu tranh, các đồng chí làm việc không kể ngày đêm, ngày nghỉ, nhiều vụ án phải chạy đua với thời gian. Chính những nỗ lực trên đã bước đầu đem lại những thành tích đáng ghi nhận".

B.B-X.M