Biểu tình lan rộng ở Iran

Thứ tư, 03/01/2018 08:12

Cho đến nay, làn sóng biểu tình tồi tệ nhất trong thập kỷ qua ở Iran đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng khi những người biểu tình có vũ trang cố kiểm soát các đồn cảnh sát và căn cứ quân sự.

Cảnh sát Iran buộc phải bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình bạo loạn ở Tehran. Ảnh: AFP

Làn sóng biểu tình bạo loạn lớn nhất trong thập kỷ qua ở Iran bước sang ngày thứ 6 liên tiếp, và càng xung đột mạnh mẽ hơn nữa, bất chấp những nỗ lực dẹp yên của chính quyền quốc gia Hồi giáo này.

9 người nữa đã thiệt mạng vào đêm 1-1 trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, AFP dẫn nguồn tin từ chính quyền Iran cho biết. Trong đó, 6 người biểu tình có vũ trang đã thiệt mạng khi họ được cho là cố kiểm soát các đồn cảnh sát và căn cứ quân sự. Lần đụng độ mới nhất này xảy ra ở khu vực trung tâm Isfahan, nâng số người thiệt mạng do biểu tình ở Iran lên ít nhất là 22 người.

Có bàn tay của Mỹ, Israel?

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn đang nỗ lực dẹp yên làn sóng biểu tình bạo lực đang bùng nổ trên khắp đất nước, vụ việc đánh dấu thách thức lớn nhất nhằm vào chính quyền Tehran kể từ cuộc biểu tình năm 2009. 

“Quốc gia vĩ đại chúng ta chứng kiến một số sự cố tương tự trong quá khứ và đã giải quyết chúng một cách thoải mái. Đây không phải là điều gì quá to lớn”, ông Rouhani nói trong cuộc họp với các thành viên Nội các Iran hôm 1-1. Tổng thống Rouhani kêu gọi người dân bình tĩnh và cam kết thúc đẩy các nỗ lực giải quyết những vấn đề về kinh tế còn tồn tại, vấn nạn thất nghiệp, lạm phát cũng như ô nhiễm không khí. Tổng thống Rouhani cũng tố cáo Mỹ, Israel cùng Saudi Arabia can thiệp vào các cuộc biểu tình tại Iran nhằm gây bất ổn nước này. 

Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đều bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, ông Trump đã có tuyên bố như “đổ thêm dầu” vào “chảo lửa” Iran khi khẳng định, “đã đến lúc thay đổi” ở Iran vì người dân nước này đang “đói” tự do. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump khẳng định: “Iran đang thất bại ở mọi cấp độ, bất chấp thỏa thuận tồi tệ mà họ đạt được với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama” - ám chỉ thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và 6 cường quốc hồi năm 2015.

Hơn 500 người biểu tình bị bắt giữ

Hàng chục ngàn người Iran biểu tình trên khắp cả nước từ hôm 28-12. Đây cũng là những cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất kể từ khi tình trạng bất ổn vào năm 2009, sau khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi.

Tổng thống Rouhani lên nắm quyền ở Iran vào năm 2013 với lời hứa sửa chữa nền kinh tế và giảm căng thẳng xã hội, nhưng chi phí sinh hoạt cao và tỷ lệ thất nghiệp 12% khiến người dân tức giận. Những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với khoảng 40% không có việc làm. Điểm khác biệt quan trọng giữa những cuộc biểu tình lần này với phong trào phản kháng quy mô lớn năm 2009, đó là trong biểu tình năm 2009 bắt đầu từ những cáo buộc về việc sắp xếp bầu cử trong khi biểu tình lần này là hoàn toàn tự phát do ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn và tình trạng tham nhũng. Nhưng vấn đề đáng lo ngại hơn là sau đó, họ bắt đầu “chính trị hóa” vấn đề khi kêu gọi lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei từ chức.

Bất chấp nỗ lực của Tổng thống Rouhani, làn sóng biểu tình tiếp tục bị đẩy lên cao trào trong ngày 2-1. Chính phủ buộc phải triển khai lực lượng cảnh sát và an ninh dày đặc trên đường phố. Các đơn vị đặc nhiệm chống bạo loạn của Iran kiểm soát tình hình ở những nơi diễn ra biểu tình, như tại các quảng trường Azadi, Enghelab và Ferdowsi ở Tehran. Cho đến nay, hơn 500 người biểu tình đã bị bắt giữ.

KHẢ ANH