“Bình minh” - bài thơ dành cho tháng 7

Thứ ba, 12/07/2016 09:49

Người đàn bà vào nghĩa trang liệt sĩ

Đến bên phần mộ đứa em mình

Gặp bó hoa của người gác cổng

Ngỡ ngàng như trước một bình minh.

 Là một tác phẩm trữ tình ngắn gọn, bài thơ Bình minh của Trần Đình Thọ (Hội Nhà văn Kiên Giang) hàm súc về nội dung nghệ thuật, tiết tấu, thanh điệu và ý nghĩa xã hội trong không gian và thời gian nhất định thể hiện một cảm xúc có thể gây tiếng vang tương ứng trong tâm hồn con người. Âm vang ấy là sự cộng hưởng giữa tình yêu và nỗi nhớ của người chị gái dành riêng người em ruột thịt của mình với lòng biết ơn của người đang sống đối với người mãi mãi yên nghỉ trong niềm ngưỡng vọng ngời sáng trên dòng chữ Tổ quốc ghi công.

Người đàn bà vào nghĩa trang liệt sĩ/ Đến bên phần mộ đứa em mình,- không gian nghệ thuật đã được Trần Đình Thọ phác họa bằng câu thơ thoạt nghe tưởng như chỉ là kết quả của sự quan sát dửng dưng, bình thường rất dễ đem lại trong người đọc cảm giác đau buồn, ý nghĩ bi thương. Người phụ nữ đến thăm em ở nghĩa trang liệt sĩ hoàn toàn không phải là một việc làm ngẫu nhiên. Nhưng một khi đã bước vào thơ, việc làm của tình yêu thương ấy khẳng định mình đã trở thành chất liệu nghệ thuật và là cảm hứng sáng tác của Trần Đình Thọ. Với người đọc, bước chân của người phụ nữ là nhân vật thứ nhất của bài thơ Bình minh gợi sự liên tưởng nhạy bén và xúc động tới những cuộc chia ly màu đỏ giữa những người con của đất nước đẹp hơn hoa hồng, mạnh hơn đạn bom và sắt thép đã hiến cuộc đời mình là nên những chiến công vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Đó là những người con gái, con trai can trường và anh dũng như Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... mà dẫu cho tính ngắn gọn của bài thơ Bình minh không hề nhắc tới, nhưng tư tưởng và tình cảm được dồn nén trong đó vẫn dẫn dắt người cảm thụ đi vào sự sống dâng tặng giản dị và cái chết đã hóa thành bất tử của các chị, các anh.

Đã có một sự phù hợp đến kỳ lạ giữa nhân vật trữ tình với hiện thực được khắc họa vào thơ khi Trần Đình Thọ thong thả viết: Gặp bó hoa của người gác cổng/ Ngỡ ngàng như trước một bình minh. Nỗi ngạc nhiên do bài thơ Bình minh đem lại trong sự cảm nhận của người đọc tập trung ở câu thơ đầy tính bất ngờ này. Độc giả đang ở trong tâm trạng chuẩn bị tiếp nhận một biểu hiện tình cảm cụ thể hơn nữa của người phụ nữ trước người em đã cùng đồng đội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thì bỗng gặp bó hoa của người gác cổng. Chi tiết này tạo ấn tượng rất mạnh và bài thơ Bình minh của Trần Đình Thọ chuyển thành một bức tranh hoàn thiện của hành động đền ơn đáp nghĩa của con người trong đời sống hôm qua và hôm nay. Qua sự khúc xạ chủ quan của nhà thơ Trần Đình Thọ, bó hoa của người gác cổng nghĩa trang liệt sĩ là kết quả trực tiếp của nhận thức chân xác của những người còn sống, đang sống sau chiến tranh về ý nghĩa của sự hy sinh cao cả vì dân tộc, vì non sông của những chiến sĩ quân giải phóng trong các cuộc trường chinh cứu nước. Giá trị nghệ thuật, hiệu ứng thẩm mỹ của câu thơ là tư tưởng và tình cảm của người đương thời đối với những con người lấy tình yêu Tổ quốc của mình làm vũ khí đánh đuổi quân thù và đã ngả xuống trên đất Mẹ trước giờ phút đồng bào, đồng chí ca khúc khải hoàn. Đó là lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, sự thể hiện cảm động của ý thức uống nước nhớ nguồn trong đời sống xã hội đã và đang vượt lên những nỗi đau, những mất mát khó bù đắp do chiến tranh gây ra để dựng xây cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp. Chính sắc thái nghĩa này làm người đọc nhớ câu thơ hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực, soi cho tôi, ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài (Khoảng trời-hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ). Và cũng trên bó hoa của người gác cổng, độc giả chiêm nghiệm được tính nhân hậu của cuộc sống, tìm thấy trong sự tưởng nhớ, lòng tri ân của người đang sống vẻ đẹp của người đã hy sinh cho độc lập, hòa bình, tự do và thống nhất của con Lạc cháu Hồng.

Cảm xúc chiếm lĩnh trọn vẹn bài thơ Bình minh là sự ghi nhớ, tình cảm biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hòa nhập vào nhà thơ Trần Đình Thọ và có ý nghĩa xã hội rộng rãi, sâu sắc. Bình minh là cảm xúc riêng tư của trái tim thi sĩ Trần Đình Thọ và đồng thời là của những người đang sống đời thái bình, tự do khi nghiêng mình trước các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, bó hoa trên phần mộ liệt sĩ xuất hiện trong bài thơ tự mình đã là một hình tượng nghệ thuật đẹp một cách giản dị của nhận thức và hành động đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ mà con người Việt Nam từ thời đại Hồ Chí Minh vun đắp trong hơn 60 năm qua. Cùng với người phụ nữ trong bài thơ, độc giả bước qua sự ngỡ ngàng khi hiểu, sự hy sinh của những con người xả thân vì nước đã làm nên sự hồi sinh của dân tộc, mở ra ngày mới tươi sáng trên dải đất hình chữ S trăm mến ngàn yêu. Cũng như bình minh ngày mỗi ngày lại mọc, mỗi một giọt máu đào, mỗi một phần xương thịt, mỗi một cuộc đời của các thế hệ với truyền thống yêu nước bốn ngàn năm giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc và thời đại (Tổng Bí thư Lê Duẩn) hòa vào những tấc đất quê hương trong những trận đánh quyết liệt với quân thù sống mãi trong tâm thức chan chứa yêu thương và quý trọng của nhân dân mình.

Nguyễn Bội Nhiên