Bộ Công an công bố cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ "Dữ liệu với cuộc sống"
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục CSQLHCVTTXH, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, với việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, căn cước công dân điện tử, định danh và xác thực điện tử, cũng như triển khai có hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tiến trình Chuyển đổi số ở Việt Nam đang được đẩy nhanh và hướng tới các hoạt động thực chất, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, xã hội.
Nguồn tài nguyên về dữ liệu là tài nguyên vô hạn, càng khai thác càng tạo ra giá trị mới. Với mong muốn thu hút nguồn lực từ cộng đồng tài năng trẻ đồng hành cùng Bộ Công an, Chính phủ trong phát huy tính sáng tạo để nhanh chóng hình thành các ý tưởng và sản phẩm công nghệ thông tin thiết thực phục vụ tiến trình Chuyển đổi số, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Điện tử VNExpress và các đơn vị tài trợ tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “Dữ liệu với cuộc sống” phục vụ xây dựng chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
Cuộc thi nhằm cổ vũ các ý tưởng sáng tạo khai thác dữ liệu một cách hiệu quả để hình thành các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thiết thực phục vụ ba trụ cột:Chính phủ số - các giải pháp thúc đẩy dịch vụ công hiệu quả; Xã hội số - các giải pháp thúc đẩy các dịch vụ an sinh xã hội; Kinh tế số - các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Cuộc thi nhằm tìm ra các ý tưởng, sản phẩm để ươm tạo thành các sản phẩm hoàn thiện, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startup/spinoff); Hình thành hệ sinh thái thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, chia sẻ ý tưởng và giải pháp khai thác dữ liệu thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia.
Đối tượng dự thi gồm: Công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước hoặc nước ngoài; người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Ban Tổ chức đưa ra một số gợi ý sản phẩm (các nhóm có thể đề xuất các bài toán khác phù hợp với chủ đề cuộc thi) như: Phát hiện hành vi lừa đảo, gian lận nhân thân; Đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay an sinh xã hội; Đánh giá thực trạng thị trường lao động và dự báo nhu cầu việc làm tại một khu vực; Đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong một lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế;Đánh giá tình hình an ninh, trật tự và an sinh xã hội của một khu vực; Xây dựng bản đồ tiêm chủng, phục vụ phòng chống dịch bệnh; Giải pháp thúc đẩy sự hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; Giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý dịch vụ công cho cơ quan nhà nước và cán bộ thực thi nhiệm vụ; Phát hiện, phân loại, theo vết và ước lượng mật độ các phương tiện giao thông; Phát hiện sự cố giao thông bất thường; Dự đoán hành trình và hành vi lái xe; Giải pháp phần cứng kỹ thuật: thiết bị, máy móc.
Hình thức: nộp bài dự thi trực tuyến từ ngày 7/8/2023 đến trước ngày 15-9-2023. Vòng Chung kết và Trao giải dự kiến trong hai ngày liên tục (16 đến 17-11-2023). Ban Tổ chức sẽ trao một Giải Nhất (hai trăm triệu đồng); một Giải Nhì (một trăm triệu đồng); một Giải Ba (năm mươi triệu đồng) và hai Giải khuyến khích (mỗi giải hai mươi triệu đồng).
Nhân dịp này, Bộ Công an tổ chức Hội thảo Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay.Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, cho ý kiến, từ đó đề ra các giải pháp để công dân tiếp cận nhanh với nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
XUÂN TÙNG