Bộ Công an đã cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân

Thứ ba, 07/11/2023 16:12
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chưa cao, người dân sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho người khác.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 7/11, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, hiện nay tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân như số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân... của người dân đang rất phổ biến. Vậy Bộ Công an có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng.

“Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay cũng chưa cao, người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho người khác.

Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định số 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đặc biệt, xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong Luật và Nghị định này.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp các thông tin nếu không được pháp luật quy định ban hành…

Cũng đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, người dân di dân tự phát tại Tây Nguyên là người có nguồn gốc người Việt Nam chưa được xác định quốc tịch Việt Nam đang sinh sống tại đất rừng tự nhiên hơn 20 năm. Đến nay, những người này không có giấy tờ về đất đai, giấy tờ tuỳ thân.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an giải quyết căn cơ về vấn đề pháp lý nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên trong thời gian tới nhằm bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở tại các tỉnh miền núi ngày càng tốt hơn.

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay Bộ Công an đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trên toàn quốc, đặc biệt là xác định hộ khẩu cùng một số hoạt động để tiếp tục cấp cho công dân các giấy tờ, đặc biệt là căn cước.

Bộ trưởng cho biết thêm, trường hợp con lai, người không có quốc tịch hoặc người từ trước đến giờ chưa có một loại giấy tờ gì thì cần phải có cơ sở xác định để đánh giá.

Đối với những công dân chưa có chỗ ở hợp pháp, ví dụ ở Tây Nguyên, tình hình dân cư di cư vào Tây Nguyên rất lớn, mà vấn đề đất đai ở Tây Nguyên lại phức tạp… Nếu chưa xác định được vị trí, chỗ ở hợp pháp của người dân thì theo quy định của pháp luật chưa có hộ khẩu.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, để giải quyết các vấn đề trên, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, các ngành, để cùng xác định được vấn đề chỗ ở, giải quyết được vấn đề căn cơ về đất đai.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho biết thời gian qua, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá rất cao vai trò của ngành Công an trong việc điều tra tội phạm tham nhũng. Vậy giải pháp của Bộ trưởng trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới là như thế nào để đảm bảo các tiêu chí: Không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội và khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương cũng như của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực"?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đấu tranh phòng chống tham nhũng là công tác rất trọng tâm của lực lượng Công an triển khai trong thời gian qua. Bộ Công an đã gương mẫu, đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện trên các phương diện. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành Công an đẩy mạnh, tích cực, Ban Chỉ đạo Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá đây là điểm sáng trong hoạt động phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tập trung phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức cán bộ. Cùng với đó, Bộ đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp. Việc cải cách thủ tục hành chính giúp giảm hẳn tham nhũng vặt, giải quyết được vấn đề cử tri đang rất bức xúc.

Thực tế, việc điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền đã được thực hiện tốt, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước. Những kết quả trên đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Theo CAO