Bộ Giáo dục sẽ có chỉ đạo kịp thời về thời gian thi THPT Quốc gia 2020
Tại hội nghị trực tuyến "Tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020" do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 13-2 ở 7 điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Tây Nguyên và Cần Thơ dưới sự chủ trì của Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT và các cơ sở đào tạo hệ đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đóng góp nhiều ý kiến xác đáng quanh dự thảo về công tác tuyển sinh 2020. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bộ sớm công bố thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020 để các trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo và phối hợp cùng các sở tổ chức kỳ thi được tốt hơn.
Các đại biểu tại điểm cầu Đà Nẵng góp ý kiến về công tác tuyển sinh năm 2020. Ảnh: K.Y |
Nhiều điểm thay đổi
Trên cơ sở phân tích các kết quả đạt được cùng những hạn chế trong công tác tuyển sinh năm 2019, tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GD ĐH Bộ GD- trình bày một số vấn đề dự kiến sẽ thay đổi trong công tác tuyển sinh năm 2020.
Cụ thể, đối với "Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh" dự kiến sẽ có một số thay đổi sau: Thực hiện Luật GD, năm nay sẽ không xác định chỉ tiêu trình độ Trung cấp, Cao đẳng đối với các ngành đào tạo giáo viên (GV), trừ Giáo dục mầm non. Đối với các ngành đào tạo trình độ ĐH mới được mở ngành trong năm, tuyển sinh được xác định chỉ tiêu năm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới. Điểm mới nữa, sẽ bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực Du lịch/ CNTT tại các trường có khóa tuyển sinh ĐH thứ 2 trở đi. Ngoài ra, tổng số GV thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng GV cơ hữu của trường đó.
Đối với Quy chế tuyển sinh 2020, dự thảo cũng có một số thay đổi như sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành GD Mầm non để dễ tra cứu, áp dụng phụ lục. Quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.
Về kinh phí tuyển sinh, thực hiện Luật giá, Luật phí, lệ phí, Luật GD ÐH đã được sửa đổi..., việc quy định mức giá dịch vụ tuyển sinh thuộc trách nhiệm các cơ sở GD-ĐH.
Cần cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường đào tạo ngành sư phạm
Tại điểm cầu Đà Nẵng, các đại biểu đến từ 24 đơn vị gồm 5 Sở GD-ĐT và 19 trường ĐH, CĐ trong, ngoài ĐH Đà Nẵng cơ bản thống nhất kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, và vấn đề lệ phí tuyển sinh năm nay giữ ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, để công tác tuyển sinh 2020 được thực hiện tốt hơn, các đại biểu ở điểm cầu Đà Nẵng đóng góp thêm một số ý kiến quan tâm.
Đơn cử, đại diện trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng đề nghị bộ cần cân nhắc kỹ về chỉ tiêu tuyển sinh của các trường có đào tạo ngành sư phạm, nhất là nên bổ sung chỉ tiêu đối với những trường có uy tín và có khả năng tuyển sinh tốt. Đại diện Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn cho rằng cần có chủ trương cho mở một số ngành mới nhằm đáp ứng với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Hà Thanh Quốc- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam- có ý kiến, cần có phối kết hợp hài hòa giữa các trường ĐH và Sở GD-ĐT để công tác dạy nghề đạt hiệu quả hơn.
Trước ảnh hưởng do đại dịch Covid -19 gây ra ảnh hưởng đến thời gian dạy-học của toàn ngành trên cả nước, đại diện Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đề nghị bộ cần sớm thông báo kế hoạch lịch thi THPT quốc gia, tuyển sinh để các trường chủ động lên kế hoạch đào tạo và làm tốt công tác phối hợp với các sở nhằm tổ chức kỳ thi này. Bên cạnh đó, đại diện Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cũng đề nghị cần có phần mềm quản lý giảng viên, giáo viên và nên phân bổ số lượng cán bộ của các trường ĐH, CĐ tham gia trong công tác thi THPT Quốc gia là 60% cán bộ, giảng viên cơ hữu/trường.
Các trường cần chủ động trong công tác tuyển sinh
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các ý kiến đóng góp của các đại biểu góp phần hoàn thiện dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020.
Bộ trưởng đề nghị, đối với công tác chuẩn bị mùa tuyển sinh năm nay, các sở chỉ đạo cho các trường, GV tập trung dạy và ôn tập theo quy định của bộ. Đề thi năm nay về cơ bản không thay đổi. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh các trường cần hướng dẫn HS tránh học lệch, học tủ; trong đó, lưu ý, điểm tổng kết THPT phải đảm bảo khách quan, đảm bảo trung thực và chất lượng vì đây là cơ sở để cho các trường tuyển sinh với phương thức xét tuyển học bạ.
Về ý kiến sớm công bố lịch thi THPT quốc gia 2020 để các trường chủ động, bộ trưởng cho biết sẽ có chỉ đạo kịp thời. Đối với các kiến nghị về cho mở ngành đào tạo mới, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần hết sức chú ý đến điều kiện về chất lượng, theo đó, tất cả các thông tin liên quan tuyển sinh phải chính xác, trung thực để thí sinh tham khảo. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường ĐH, CĐ vì thế không được "đá bóng" sang cho bộ.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự vào cuộc của toàn ngành trên cả nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt ghi nhận, biểu dương những trường có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Ông cũng nhấn mạnh, đối với những nơi nào an toàn, được sự khuyến cáo của cơ quan chức năng thì nên tính toán để tổ chức hoạt động dạy- học trở lại.
PHAN THỦY