Bộ Nội vụ chưa đề nghị sáp nhập tỉnh, thành phố

Thứ ba, 20/07/2021 10:55

Bộ Nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Vì đây là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng tại buổi họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 19-7.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tại cuộc họp báo sáng 19-7.

Đang nghiên cứu

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Bộ Nội vụ đang tập trung nghiên cứu để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí và phân loại đơn vị hành chính và tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này cần phải lấy ý kiến rộng rãi, qua nhiều vòng.

Đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung này mới chỉ là bước đầu, còn một số nội dung tiếp tục phải thực hiện, ngoài 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số, còn một số vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế... Do vậy, vấn đề này rất cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như ý kiến của người dân để tổng hợp đầy đủ thông tin làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trên cơ sở tiêu chuẩn của đơn vị hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc khóa XV thông qua, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2026 kết hợp với tiếp tục sắp xếp thôn, tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về việc "tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp"; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, chuẩn bị xây dựng đề án thực hiện thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

"Như vậy, việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý, nhất là sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 vì đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia (hiện nay quy hoạch này chưa được cấp có thẩm quyền ban hành) và điều kiện thực tiễn của từng địa phương bảo đảm phù hợp với diện tích tự nhiên, quy mô dân số, vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thông và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế..., trên tinh thần phải bảo đảm mục tiêu ổn định và phát triển. Vì vậy, cần phải có đủ thời gian để khảo sát, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện đề án rất toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng, cụ thể và hợp lý", Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng nhấn mạnh, "khi nghiên cứu, xây dựng đề án xong, được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh vào thời điểm thích hợp, không ấn định thời gian nào". Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Báo cáo tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14; báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí và phân loại đơn vị hành chính. Nhìn chung việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa qua là rất tốt, hiệu quả, đạt được các mục tiêu đặt ra, đúng với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tại sao có thông tin nhập tỉnh, TP?

Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết trong giai đoạn 2022-2025, bộ chỉ cố gắng hoàn thiện khung thể chế để thực hiện sáp nhập các tỉnh, trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Việc tổ chức sáp nhập các tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Về lộ trình cụ thể, tháng 8-2021, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa đổi nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính (ĐVHC), phân loại ĐVHC và việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Tiếp đó, tháng 9-2021, căn cứ các tiêu chuẩn ĐVHC theo nghị quyết sửa đổi để xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thực hiện thí điểm sáp nhập một số tỉnh trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng xem xét. Dự kiến, trong quý IV-2021, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương xem xét thông qua đề án.

Theo nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với tỉnh miền núi, vùng cao quy mô dân số đạt chuẩn 900.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên. Đối với các tỉnh còn lại phải đạt chuẩn quy mô dân số 1,4 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên. Đối với các thành phố trực thuộc trung ương quy mô dân số đạt chuẩn là 1,5 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên đạt 1.500km2 trở lên. Hiện Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi nghị quyết 1211 theo hướng tỉnh miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn 150% trở lên (12.000km2 trở lên) so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% (700.000 người trở lên) so với quy định để phù hợp với đặc thù của các tỉnh miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.

Xét theo tiêu chuẩn trên, 10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên, có thể bị sáp nhập gồm tỉnh Bắc Ninh 822,7km2; tỉnh Hà Nam 860,5km2, tỉnh Hưng Yên 926km2, tỉnh Vĩnh Phúc 1.238,6km2, TP Đà Nẵng 1.285,4km2, tỉnh Ninh Bình 1.378,1km2, TP Cần Thơ 1.409km2, tỉnh Vĩnh Long 1.475km2, tỉnh Thái Bình 1.570,5km2, tỉnh Nam Định 1.652km2. Tương tự, 10 tỉnh, thành phố có dân số thấp nhất cả nước (số liệu 2019), không đạt tiêu chuẩn có thể thuộc diện sáp nhập gồm: tỉnh Bắc Kạn 313.905 người, tỉnh Lai Châu 460.196 người, tỉnh Cao Bằng 530.341 người, tỉnh Kon Tum 540.438 người, tỉnh Ninh Thuận 590.467 người, tỉnh Điện Biên 598.856 người, tỉnh Đắk Nông 622.168 người, tỉnh Quảng Trị 632.375 người, tỉnh Lào Cai 730.420 người, tỉnh Hậu Giang 733.017 người.

QUỲNH NHƯ – TTTXVN