Bộ Nội vụ nên tham khảo Đà Nẵng

Thứ hai, 23/09/2013 23:23

(Cadn.com.vn) - Chẳng biết nên mừng hay lo, đó là tâm trạng của những người dân đang đóng thuế để nuôi đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) khi nghe Bộ trưởng Nội vụ đưa ra con số (tại phiên thảo luận của UBTVQH ngày 20-9) do các địa phương báo cáo chỉ có 1% công chức yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu quả thực chỉ có 1% trong số 525.481 CBCC  và 1.700.000 viên chức (VC) của cả nước yếu kém như báo cáo của các địa phương thì quả là tin vui cho những người dân đóng thuế nuôi đội ngũ CBCC. Nói nôm na là bỏ tiền đóng thuế cũng đáng đồng tiền bát gạo vì tiền của mình đang nuôi những người thực sự có làm việc và làm việc hiệu quả phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Thế nhưng thực tế đang hiển hiện từng ngày, từng giờ đâu phải vậy, có không ít những CBCC “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. 8 giờ vàng ngọc ở công sở được sử dụng cho việc đọc báo mạng, chơi game, một phần thời gian bị đánh cắp cho những công việc, sinh hoạt cá nhân khác.

Sự cồng kềnh của bộ máy khiến nhiều vị đại biểu QH đã nhận định có 30% công chức loại này cũng được mà cắt bỏ đi thì hoạt động của bộ máy vẫn không ảnh hưởng gì. Người dân chính là người phải oằn lưng đóng thuế nuôi bộ phận 30% công chức dư thừa, không cần thiết này. Câu hỏi đặt ra tại sao không cắt bỏ, tinh giản được 30% công chức yếu kém này cho bộ máy gọn hơn, đỡ lãng phí tiền thuế của dân hơn? Câu trả lời là không thể xác định được những ai nằm trong số 30% này.

Quy định về đánh giá, xếp loại công chức hằng năm hiện đang áp dụng quá chung chung về tiêu chí đánh giá. Cộng với tâm lý nể nang dĩ hòa vi quý “anh bầu tôi, tôi bầu anh, tất cả đều tốt”, hơn nữa ai cũng mong 100% công chức cơ quan mình đều hoàn thành nhiệm vụ trở lên để lãnh đạo không bị đánh giá yếu kém trong quản lý. Vì vậy rất khó để chỉ ra được công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù Luật Công chức có quy định buộc thôi việc đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp nhưng đây là điều khoản khó khả thi, và bộ máy tiếp tục ngày một phình to nhanh chóng. Năm 2009 cả nước có 1,2 triệu VC và 404.800 CBCC đến hết năm 2012 con số này là 1,7 triệu VC và 525.481 CBCC. Người dân là đối tượng trực tiếp gánh chịu hậu quả của bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả này.

Không thể bó tay trước bộ phận 30% công chức yếu kém, cách làm của Đà Nẵng có thể là một kinh nghiệm rất hay  cho cả nước để phân loại, chỉ ra được những ai thuộc 30% công chức yếu kém kia. Từ năm 2012 Đà Nẵng đã tiến hành đổi mới đánh giá, xếp loại CBCC với bộ tiêu chí đánh giá có thể lượng hóa được khối lượng công việc, thời gian giải quyết, chất lượng, hiệu quả công việc của công chức.

Phương pháp đánh giá 360 độ với nhiều chiều (tự đánh giá, cấp trên đánh giá cấp dưới, đồng nghiệp đánh giá lẫn nhau) để cho ra một kết quả chính xác, khách quan, sai số nhỏ nhất, đặc biệt là tránh cảm tính ghét thì đánh giá thấp, thương thì bỏ qua cả khuyết điểm.

Mô hình này thậm chí cho phép cấp dưới cũng được đánh giá chấm điểm cấp trên thông qua phần mềm chấm điểm mà cấp trên không thể biết ai trong cơ quan cho mình bao nhiêu điểm. Công chức được đánh giá hằng tháng chứ không đợi đến cuối năm và kết quả đánh giá, xếp loại cuối năm là kết quả của 12 tháng làm việc. Trên cơ sở kết quả làm việc của 12 tháng, phần mềm máy tính sẽ tự động xếp loại công chức chứ không phải là thủ trưởng cơ quan nữa.

Nên chăng Bộ Nội vụ cần nghiên cứu kinh nghiệm của Đà Nẵng để có một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sát thực, chính xác, khách quan hơn. Làm được như thế dân sẽ mừng vì tiền thuế của mình được sử dụng hiệu quả cho những con người làm việc thật sự hiệu quả.

Mai Trường Lê