Bộ phim tài liệu "Sóng cửa Hàn": Một góc nhìn khác về vua Tự Đức
Mới đây, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Hùng- Giám đốc Sở VH và TT thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu bộ phim tài liệu "Sóng cửa Hàn". Bộ phim chính luận về cuộc chiến của quân, dân Việt Nam đánh trả quân xâm lược Pháp vào năm 1858, được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá cao. Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đạo diễn Huỳnh Hùng về bộ phim này.
P.V: Chúc mừng ông đã hoàn thành bộ phim tài liệu "Sóng cửa Hàn". Động lực nào thúc đẩy ông thực hiện bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử này?
Đạo diễn Huỳnh Hùng: 2018 là năm đánh dấu kỷ niệm 160 năm ngày thực dân Pháp đưa quân tấn công xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng, vào ngày 1-9-1858. Năm 2018, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm dấu mốc này như hội thảo, kỷ niệm 160 năm liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, trùng tu những di tích gắn liền với cuộc chiến này. Trong đó, bộ phim "Sóng cửa Hàn", trên hết muốn đưa ra góc nhìn khách quan về các nhân vật, đặc biệt là vua Tự Đức trong cuộc chiến. Tôi làm bộ phim này một phần vì đam mê nghề nghiệp, phần vì đề tài rất thú vị. Trong quá trình thực hiện, may mắn tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều cộng sự và nhà nghiên cứu, nhờ vậy sau hơn một năm triển khai, bộ phim đã hoàn thành.
P.V: Sự kiện thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng vào năm 1858 đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu và nhiều bộ phim tài liệu khác. Vậy điều gì thôi thúc ông thực hiện bộ phim và có những điểm mới nào được đề cập trong bộ phim này?.
Đạo diễn Huỳnh Hùng: Cảm hứng để tôi làm bộ phim này là lòng dũng cảm, gương hy sinh của người dân Đà Nẵng, cùng nhân dân cả nước, đồng lòng đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Ngoài ra, tôi muốn có một cái nhìn khách quan hơn về vai trò của vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn trong cuộc chiến năm 1858. Lâu nay sách sử và nhiều người có những nhận xét đánh giá, tôi cho là thiếu công bằng, chưa thật sự khách quan về vai trò của nhà Nguyễn nói chung và vua Tự Đức nói riêng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm tại Đà Nẵng. Nhiều người nói triều đình nhà Nguyễn bán nước, vua Tự Đức nhu nhược, sợ dân hơn sợ giặc, nhận xét như vậy là thiếu công bằng. Bởi trận chiến diễn ra 18 tháng ròng rã tại Đà Nẵng, cuối cùng thực dân Pháp không thắng được bằng giải pháp quân sự, phải rút vào đánh Gia Định sau đó ra đánh ở Hà Nội và không bao giờ trở lại Đà Nẵng bằng giải pháp quân sự. Trong cuộc chiến 1858, lâu nay thường nói là quân dân ta hy sinh thôi, điều đó đúng nhưng chưa đủ, phải có người chỉ huy cuộc chiến và đọc lịch sử cho ta thấy vua Tự Đức đã điều binh, khiển tướng, đưa đến đây những vũ khí tốt nhất của triều Nguyễn lúc đó để chống giặc, ngay tướng Nguyễn Tri Phương cũng được vua Tự Đức điều vào chiến trường Đà Nẵng. Vua Tự Đức cũng có nhiều chỉ dụ như "ai có công sẽ được thưởng, ai thấy giặc mà chạy thì xử phạt, có khi là chém trước tâu sau".
Chính vua Tự Đức cũng đã chỉ đạo quy tập hài cốt tử sĩ trong chiến đấu với liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào hai nghĩa trủng Phước Ninh, Khuê Trung, là 2 nghĩa trang đầu tiên trên cả nước. Những nhà nghiên cứu lịch sử mà chúng tôi phỏng vấn trong bộ phim cũng đã chia sẻ quan điểm, cần đánh giá lại vai trò của vua Tự Đức trong cuộc chiến năm 1858. Bởi tại chiến trường Đà Nẵng, vị vua này đã thể hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, góp công lớn vào trận thắng liên quân Pháp - Tây Ban Nha, đánh bại ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của giặc, mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là trận thắng quan trọng, mang tầm chiến lược trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Qua bộ phim này tôi mong rằng Hội đồng đặt tên đường thành phố sẽ ghi nhận và đặt tên đường Tự Đức ở Đà Nẵng. Điều thứ hai tôi muốn đề cập trong bộ phim là nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha ở bán đảo Sơn Trà. Đây là nghĩa địa độc đáo, hiếm hoi ở Việt Nam. Lâu nay có quan điểm khác nhau về việc nên hay không phải thờ cúng, chăm sóc mộ của những tên giặc xâm lược. Theo tôi cần phải xem lại, bởi đây là chứng minh có quân Pháp tử trận tại Đà Nẵng, là bằng chứng giá trị. Có câu sống là thù, chết là bạn, nhân sinh quan của người Việt mình là vậy, dù anh ở phương trời nào, màu da nào nhưng anh đã chết ở đây là được bảo vệ, người dân nhang khói. Vì vậy chúng ta cần giữ gìn và tôn tạo di tích này, để du khách khi đến đây sẽ thấy rằng Việt Nam là một dân tộc nhân văn và cũng để giữ lại một di tích cho các thế hệ mai sau biết rõ về trận chiến chống giặc ngoại xâm của Việt Nam vào năm 1858.
Đoàn làm phim tài liệu "Sóng cửa Hàn" trong một lần quay ở Huế. |
P.V: Ông kỳ vọng gì về bộ phim này?
Đạo diễn Huỳnh Hùng: Để hoàn thành bộ phim, chúng tôi đã đến rất nhiều nơi, về những địa điểm ghi dấu trận chiến năm 1858. Tuy nhiên, hình ảnh, tư liệu về sự kiện không nhiều nên chúng tôi kể câu chuyện lịch sử này bằng nhiều cách, như lời bình, phỏng vấn nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, dùng đồ họa vi tính để minh họa về những trận đánh trên cửa Hàn và sử dụng hình ảnh của vở tuồng "Bi kịch của một vị vua thi sĩ" của đoàn ca kịch Huế (tác giả Nguyễn Phước Hải Trung), trong đó thể hiện nỗi niềm của vua Tự Đức trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Trong buổi ra mắt đầu tiên, bộ phim đã được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, vì vậy sắp đến chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh bộ phim để chiếu trong các hội nghị, hội thảo, phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử để giới thiệu về một chương lịch sử oai hùng của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Anh Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, sau khi xem phim cũng đã nói với tôi rằng, đề nghị được đưa bộ phim chiếu cho học sinh xem trong những giờ ngoại khóa. Bộ phim được các nhà nghiên cứu quan tâm như vậy, tôi rất vui, bởi đoàn làm phim chúng tôi đã góp một tiếng nói không chỉ kỷ niệm 160 năm cuộc chiến chống thực dân Pháp tại cửa Hàn, mà còn giúp mọi người có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về công lao của vua Tự Đức.
Hoàng Anh
(thực hiện)