Bỏ phố về quê làm giàu
Trong khi nhiều thanh niên rời quê để tìm kiếm cơ hội việc làm mới, thì anh Võ Xuân Quân (38 tuổi, xã Đại Phong, H. Đại Lộc, Quảng Nam) lại “lội ngược dòng” khi bỏ phố về quê để khởi nghiệp từ những đôi đũa bằng gỗ dừa, giúp cuộc sống của mình rẽ sang một trang mới.
Xưởng sản xuất đũa dừa của anh Võ Xuân Quân. |
Những ngày đầu tháng 7, được sự giới thiệu của bạn bè, tôi tìm đến tham quan mô hình xưởng sản xuất đũa của anh Võ Xuân Quân, không khí sản xuất của xưởng khá nhộn nhịp. Tuy khá bận rộn với công việc nhưng anh vẫn niềm nở đón tiếp, trò chuyện cùng chúng tôi.
Hồi tưởng lại chuyện quá khứ, anh Quân cho biết, lúc 6 tuổi anh và lũ bạn đi chơi trên cánh đồng ở quê, bỗng một quả lựu đạn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ làm anh và một số người bị thương. Vụ tai nạn đã khiến anh bị đứt 7 đoạn ruột, thủng phổi, vỡ xương mặt và xương sọ... Sau hơn nhiều tháng điều trị ở nhiều bệnh viện, anh ra viện về nhà nhưng sức khỏe và trí nhớ giảm sút nên đến hết lớp 9 phải nghỉ học.
Năm 2006, anh Quân vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh và làm công nhân sản xuất đũa gỗ mỹ nghệ cho một doanh nghiệp. Sau 2 năm thạo nghề và kiếm được ít vốn, anh trở về lập gia đình và ấp ủ ước mơ thành lập cơ sở sản xuất đũa bằng gỗ dừa. Ban đầu anh vay Liên minh hợp tác xã 300 triệu đồng, sau đó vay thêm của Hội Phụ nữ xã và Hội Nông dân 70 triệu đồng để đầu tư mở xưởng sản xuất của mình. Sau nhiều năm hoạt động, nhận thấy cơ sở của mình quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ hẹp, tháng 3-2020 anh Quân quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng, nâng quy mô sản xuất. Sau đó được Phòng Kinh tế hạ tầng H. Đại Lộc cấp phép thành lập Hợp tác xã Sản xuất - thương mại đũa gỗ mỹ nghệ Nam Dương, có địa chỉ tại thôn Mỹ Hảo.
Sau bao nỗ lực, những đôi đũa dừa thành phẩm có chất lượng tốt đã cho ra thị trường và được đón nhận, số đơn đặt hàng tăng dần, anh Quân nảy ra ý định làm thêm những máy móc phục vụ cho các công đoạn sản xuất đũa của mình. Dựa vào sự hiểu biết của bản thân, tìm tòi học hỏi trên các trang mạng, anh Quân đã mày mò và chế tạo các máy rọc đũa, chuốt đũa, se đũa, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất đũa tại cơ sở.
Chia sẻ về quy trình làm ra sản phẩm đũa dừa, anh Quân cho biết, để chế biến gỗ dừa thành những đôi đũa phải qua rất nhiều công đoạn. Ban đầu, từng khúc gỗ được đưa vào máy cắt để bỏ những phần dư thừa, lấy từng khúc gỗ dài vừa tầm một chiếc đũa sau đó đem khúc gỗ ra xẻ thành từng phách, rồi cắt ra cho đúng kích cỡ quy định của một chiếc đũa. Khi đã có kích cỡ rồi thì đưa vào máy để tuốt nhằm gọt bỏ đi các lớp vỏ xù xì bên ngoài. Sau đó, những chiếc đũa được bó thành từng bó lớn, xử lý vệ sinh, đóng gói rồi bán ra thị trường.
Mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất được 10.000 đôi đũa thường (20.000 đồng/chục) và 4.000 đôi đũa cao cấp (22.000 đồng/chục), doanh thu bình quân 400 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm làm hoàn toàn tự nhiên không phẩm màu, không hóa chất độc hại, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiêu thụ rộng rãi trên phạm vi cả nước, thị phần chính là TP Hồ Chí Minh. “Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã gặp không ít khó khăn, thất bại. Nhưng tôi không bỏ cuộc, không nản chí. Thời gian sắp tới tôi sẽ đầu tư và mở rộng xưởng sản xuất của mình để nâng cao thu nhập, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở thôn, xóm”, anh Quân nói.
THÙY DƯƠNG