Bộ tem gỗ đầu tiên về “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam”
(Cadn.com.vn) - Trong hàng ngàn hiện vật lịch sử có mặt tại Bảo tàng tỉnh Đắc Lắc, du khách đến đây vô cùng thú vị khi chứng kiến bộ tem khắc họa hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trên nền gỗ bạch tùng và gỗ dừa. Thế nhưng, mấy ai biết để có được “đứa con tinh thần” ấy, nghệ nhân Võ Văn Hải đã trải qua không ít gian nan và cả sự thất bại.
ông Hải bên bức tranh “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” trưng bày tại Bảo tàng Đắc Lắc. |
Nói về cơ duyên với “đứa con tinh thần” của mình, ông Võ Văn Hải (1955, quê Tiền Giang, trú Đắc Lắc) cho hay, hơn 10 năm là thành viên Hội VHNT tỉnh Đắc Lắc, phụ trách mảng văn nghệ dân gian, hễ nghe nơi đâu lưu giữ những hiện vật về văn hóa dân gian ông lại khăn gói lên đường đi tìm hiểu. Dựa trên bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” do Bộ Bưu chính–Viễn thông phát hành ngày 30-8-2005, nghệ nhân Võ Văn Hải đã mô phỏng để xây dựng nên bộ tem trên nền gỗ, mặt tem được khắc bằng bút lửa– một nghề thủ công mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Đến tháng 6-2013, khi tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn tất, ông Hải chính thức bắt tay vào việc khắc họa từng mẫu tem trên nền gỗ. Loại gỗ được ông lựa chọn để phục vụ cho việc khắc họa bộ tem là gỗ bạch tùng và gỗ dừa. Giải thích nguyên nhân của việc lựa chọn 2 loại gỗ này, ông Hải cho biết: “Sở dĩ tôi chọn gỗ bạch tùng vì đây là loại gỗ đặc trưng của Đắc Lắc. Hơn thế, dù đi bất cứ nơi đâu tôi cũng luôn hướng về quê hương–nơi chôn rau cắt rốn của mình. Do vậy, tôi chọn gỗ dừa–loại gỗ mang hồn quê hương Nam Bộ”.
Với hai loại gỗ này, ông Hải dùng bút lửa để vẽ bộ tem. Tuy nhiên, những thao tác thực hiện không dễ dàng. Ông càng rối rắm trong việc thể hiện tình đoàn kết khăng khít của 54 dân tộc thông qua từng mẫu tem. Cứ thế, đã có không ít lần ông Hải phải ngậm ngùi chứng kiến bao nhiêu công sức, thời gian được đáp lại bằng những mẫu tem hư hỏng.
Ông Hải tâm sự: “Việc sử dụng bút lửa để khắc họa bộ tem rất khó, yêu cầu người nghệ nhân có kỹ thuật điêu luyện, cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ. Nếu dùng bút lửa quá tay thì tem sẽ cháy đen, còn nhẹ tay quá thì tác phẩm sẽ không hiển thị được những chi tiết sắc nét”. Tuy nhiên, với niềm yêu thích và đam mê nghệ thuật, nghệ nhân Hải không cho phép mình từ bỏ giấc mơ dù chỉ là trong ý nghĩ. Sau hơn 3 tháng với nhiều lần thất bại, ông Hải đã biến những nguyên liệu thô sơ thành một tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo mang tên “Bộ tem 54 dân tộc Việt Nam”. Bộ tem 54 dân tộc được ông Hải xếp theo bảng chữ cái tên các dân tộc. Mỗi mẫu tem được ông khắc họa đều mang một ý nghĩa sâu sắc và hình thức mới lạ. Theo đó, mỗi mẫu tem là hình ảnh trọn vẹn một đôi nam nữ ở độ tuổi trung niên, với hình ảnh đặc trưng tà áo dài truyền thống, những chiếc cồng chiêng, căn nhà Rông... Khung tem được ông thiết kế bằng đường răng hoa thị tinh xảo, tỉ mỉ. Với màu sắc hài hòa, cùng những đường nét được khắc họa bằng bút lửa, nghệ nhân Hải đã vẽ lên một bức tranh cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam sống động. Bộ tem không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn ẩn chứa mối tình anh em khăng khít của 54 dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ những nét độc đáo có một không hai này, bộ tem đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “Bộ tem bằng gỗ đầu tiên về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam” năm 2013.
Không chỉ bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, ông Hải còn được nhiều người biết đến qua một số tác phẩm đặc sắc. Năm 2011, ông cho ra đời cuốn sách bìa bằng nụ cây cà-phê lớn nhất Việt Nam. Cũng trong năm này, tác phẩm viên đá “kỳ thạch vị ngoạn ảnh” ra đời. Cuốn sách gỗ Anh hùng dân tộc Trương Định bằng 3 ngôn ngữ Việt–Anh–Pháp năm 2013. Tương tự, cuốn sách gỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bằng 3 ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp lớn nhất Việt Nam được ông thai nghén thời gian dài và cho ra đời năm 2014. Tuy nhiên, ông không coi đây là thành tích vẻ vang mà xem đó là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam trong quá trình đưa vẻ đẹp văn hóa dân tộc đến với bạn bè thế giới.
Thơ Trịnh