KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Cơ quan chủ trì phòng, chống ma túy là cơ quan Công an

Thứ bảy, 14/11/2020 08:08

* BIỂU QUYẾT 4 LUẬT VÀ 2 NGHỊ QUYẾT

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình tại hội trường.

Ngày 13-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục Kỳ họp thứ 10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); biểu quyết các Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trình QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Thảo luận về nội dung Luật, các ĐB tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống ma túy và cho rằng, nội dung sửa đổi đã thể hiện được đúng quan điểm trong chiến lược phòng, chống ma túy mà nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang thực hiện, đó là phòng, chống ma túy dựa trên 3 trụ cột: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Các ĐB cũng thống nhất với quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho Công an xã trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy bởi đây là lực lượng nòng cốt ở cấp cơ sở, là lực lượng gần nhân dân, khả năng tiếp cận, bám sát địa bàn, quản lý giáo dục, tuyên truyền và phòng, chống ma túy sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn...

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã quan tâm thảo luận, đóng góp các ý kiến sâu sắc, đa dạng, phong phú, tâm huyết. Trong đó nhiều nội dung lớn, như cấu tạo thêm một chương hay những chính sách, từ ngữ, chi tiết rất cụ thể đối với những vấn đề được nêu trong dự thảo luật. "Đây là những ý kiến rất trách nhiệm, đáng quý, cơ quan soạn thảo trân trọng lắng nghe và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật này trình ra Quốc hội", Bộ trưởng khẳng định.

Về ý kiến ĐB cho rằng, trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nội dung phòng quá ít, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khi xây dựng luật này quan điểm chung của Ban soạn thảo là đưa những nội dung phòng rất lớn, các điều khoản đều bao quát việc đó, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cũng tính đến phòng ngừa tội phạm.

"Đấu tranh không chỉ là bắt giữ mà phải làm sao ngăn chặn, giảm được tội phạm, giảm nguồn cung ma túy, tức tính đến yếu tố phòng ngừa là quan trọng. Tiếp đó giảm nguồn cầu, trong đó có những vấn đề về người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy. Tổng thể chung các chương đều thể hiện việc đó, nhưng những góp ý của ĐBQH Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung", Bộ trưởng lý giải.

Trọng tâm của dự án luật này là con người, trong đó mà ĐB quan tâm nhiều là người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy thì Bộ trưởng giải thích, dự án luật đã đặt ra từng bước khác nhau. "Người sử dụng trái phép chất ma túy chưa xử lý hành chính, chủ yếu là vận động, giáo dục, mức độ quản lý nhẹ nhất. Người nghiện ma túy thì bắt đầu có các biện pháp, chế tài xử lý hành chính. Còn tội phạm thì rõ ràng xử lý hình sự theo pháp luật", Bộ trưởng thông tin.

Về ý kiến nhiều ĐB quan tâm cơ quan chủ trì, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, Bộ trưởng cho hay, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy rất nhiều, thực tế chúng ta huy động cả hệ thống chính trị, cả xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm trong công tác này. Chuyên trách không phải chỉ là Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, mà còn nhiều cơ quan: LĐ- TB và XH, GD- ĐT, Y tế, Tòa án, Viện kiểm sát, UBND các cấp...

"Chúng tôi sẽ làm rõ, giao trách nhiệm rạch ròi cho các cơ quan chuyên trách, nhưng cơ quan chủ trì ở đây là cơ quan Công an. Điều này sẽ phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật CAND", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Viện dẫn Luật CAND quy định "CAND là lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật", đồng thời Chỉ thị số 36 ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng xác định rõ "lực lượng CAND là nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy", Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, điều này đảm bảo đúng nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, còn rất nhiều lực lượng cùng tham gia phối hợp.

Cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND, được điều tra tất cả các tội phạm về ma túy. Trong khi đó, BĐBP và Hải quan, Cảnh sát biển chỉ được tiến hành điều tra ban đầu một số tội phạm về ma túy. Ngoài ra, cơ quan chủ trì còn làm nhiệm vụ tổng kết, điều phối, hợp tác quốc tế, tổng kết, xây dựng bổ sung pháp luật, thống kê số liệu dùng chung...

Thực tế kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho thấy, các cơ quan chuyên trách trong CAND đã trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ, còn các cơ quan khác tham gia chỉ tỷ lệ nhỏ. Số liệu thống kê về số vụ và số đối tượng trong 3 năm 2017 - 2019 cho thấy, có 69.712 vụ, 107.427 đối tượng tội phạm về ma túy thì lực lượng CAND xử lý 66.825 vụ (chiếm 95,8%), 103.460 đối tượng, chiếm 96,2%; Hải Quan 251 vụ (chiếm 0,36%) và 256 người, chiếm 0,25%; Cảnh sát biển 334 vụ (chiếm 0,47%), 608 người, chiếm 0,56%; Biên phòng hơn 2.302 vụ (chiếm 3,3%); 3.156 người, chiếm 2,93%.

Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn, thời gian tới các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự thảo Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các cơ quan liên quan tiếp thu. Về quản lý các cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công an không ngại vấn đề đó. "Nếu luật cho phép, Bộ Công an sẵn sàng nhận và có những biện pháp ngăn ngừa tội phạm hiệu quả", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Q.H