Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục rà soát để điều chỉnh phương thức thi năm 2017
(Cadn.com.vn) - Chiều 4-9, Bộ GD&ĐT họp báo khai giảng năm học mới 2016-2017. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi, giải đáp nhiều băn khoăn của dư luận liên quan đến đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017; vấn đề sửa đổi Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học; vấn đề mô hình trường học mới VNEN...
Tiếp tục hoàn thiện phương án thi Trung học phổ thông quốc gia
Liên quan đến phương án tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hiện nay, Bộ đã có tổ công tác gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm rà soát một cách kỹ lưỡng phương án thi năm 2016, lắng nghe ý kiến của dư luận và lấy ý kiến của các trường đại học, cao đẳng. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ sớm công bố chính thức phương án tổ chức thi năm 2017. Tuy nhiên, có thể khẳng định, phương án thi năm 2017 không phải là phương án đổi mới hoàn toàn mà tiếp tục thực hiện và hoàn thiện phương án thi của năm 2016.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì họp báo. |
Bộ trưởng cho rằng, về cơ bản, phương án tổ chức thi năm 2016 tương đối thành công và được dư luận đồng tình, mặc dù còn chưa được hoàn thiện. Một số điểm còn bất cập của kỳ thi năm nay sẽ được xem xét, sửa đổi để đạt kết quả tốt hơn. Ví dụ về tổ chức thi, năm 2016 có 2 cụm thi là cụm do địa phương chủ trì và cụm do các trường đại học chủ trì, điều này khiến dư luận băn khoăn về sự công bằng giữa các cụm thi, cũng như gây lãng phí và gánh nặng cho các trường. Do đó, dự kiến năm 2017 sẽ chỉ tổ chức một cụm thi, giao cho địa phương chủ trì, sẽ gọn nhẹ hơn.
Về đề thi, năm 2016 được đánh giá tương đối tốt, tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn là thí sinh có thể học lệch, học tủ. Vì vậy, năm sau, Bộ dự kiến sẽ áp dụng công nghệ thông tin và mở rộng cách ra đề toàn diện hơn. Đề thi được ra theo dạng các bài trắc nghiệm khách quan, có thể theo các tổ hợp môn khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, với lượng kiến thức bao quát hơn. Mỗi thí sinh làm một mã đề riêng, bài thi được chấm bằng máy, sẽ khắc phục được gian lận trong thi cử.
Liên quan đến công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Bộ sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đại học, cao đẳng để từ đó, kiểm tra, giám sát chỉ tiêu do các trường đăng ký có phù hợp với năng lực thực tế hay không. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin trong dự báo ngành nghề. Ví dụ có nhiều ngành đào tạo truyền thống của nhà trường, nhưng hiện nay, thị trường lao động không cần thì nhà trường nên điều chỉnh. Những việc làm này sẽ giúp các trường xác định chỉ tiêu đối với từng ngành nghề đào tạo, từ đó có phương án tuyển sinh tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ có giải pháp hỗ trợ các trường lọc ảo, để tránh bất cập như năm 2016.
Khắc phục bất cập của Thông tư 30
Đối với Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Về cơ bản, tinh thần của Thông tư 30 là tốt, làm thay đổi căn bản phương thức đánh giá nhằm khích lệ, động viên trẻ. Qua thực tiễn triển khai, Thông tư 30 cũng có nhiều ưu điểm. Do đó, Bộ sẽ rút kinh nghiệm và tính toán sao cho phù hợp với từng lộ trình, có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, con người. Có thể sử dụng công nghệ thông tin để giảm tải việc ghi chép cho giáo viên.
Với đánh giá học sinh, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay thầy cô cũng chưa biết cách thức cụ thể để đánh giá sự tiến bộ của học sinh, cũng như phụ huynh cũng không biết làm thế nào để xác định sự tiến bộ của con em mình. Vì vậy, Thông tư 30 có thể sửa đổi cách thức đáng giá học sinh bằng mức lượng hóa theo A, B, C. Ví dụ: Mức A, học sinh nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức B, học sinh nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức C: học sinh chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục... Qua các mức đánh giá này, phụ huynh sẽ thấy được sự tiến bộ của trẻ.
Đối với mô hình trường học mới VNEN, Bộ trưởng chia sẻ, đây là một mô hình mới, cần có sự đổi mới phù hợp. Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn và tổ chức. Mức độ nhân rộng mô hình này sẽ ít đi, phổ biến dần dần, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo. Vấn đề trước đây, nhiều nơi áp dụng máy móc nên có sự hiểu nhầm về mô hình này trong thời gian qua.
Bước sang năm học mới 2016 – 2017, ngành giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Thu Thủy – TTXVN