Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Chúng tôi đã tính toán hết!

Thứ sáu, 05/06/2015 08:58

(Cadn.com.vn) - Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trao đổi với báo giới về dự án sân bay Long Thành.

P.V: Khi tính toán việc xây dựng sân bay Long Thành thì có tính đến việc phát triển kinh tế cho các vùng lân cận không, thưa Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cái này được tính toán từ năm 1997 cơ mà. Từ năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phê duyệt quy hoạch cảng hàng không, sân bay của cả nước thì có cả cảng hàng không quốc tế Long Thành. Và khi phê duyệt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đề cập tới. Và khi phê duyệt phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM cũng có cảng hàng không quốc tế Long Thành. Làm là phải có tính toán chứ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Lê Hoàng Sa

P.V: Nghĩa là cũng đã tính toán tới cả việc kết nối giao thông cho cả khu vực phía Nam tới sân bay Long Thành cả rồi?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bây giờ coi như là đã có hết rồi. TPHCM - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa và Vũng Tàu, Bến Lức- Long Thành này... một loạt các dự án kết nối đã làm rồi. Bây giờ đường sắt đô thị đang làm đến rồi. Rồi cả Cái Mép - Thị Vải và một cảng biển gắn vào. Phải tính hết chứ. Trong tờ trình của Chính phủ đều luôn luôn nói là rà soát lại hướng tính tỉ trọng là 90 và 10 hoặc là 80 và 20. Có nghĩa là Long Thành sẽ chiếm 90% quốc tế và 10% nội địa và phương án là 80% quốc tế, 20% nội địa, Tân Sơn Nhất cũng vậy. Căn cứ vào điều kiện thực tế thì người ta sẽ điều hành làm sao cho phù hợp để khai thác cảng Tân Sơn Nhất và Long Thành cho hiệu quả.

P.V: Đầu tư cho sân bay Long Thành thì có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác không? Vì cảng hàng không mình cũng thấy cần; đường sắt cũng thấy cần; đường cao tốc, đường bộ cũng cần?   

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phát triển chiến lược GTVT phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước. Phát triển từng vùng cũng phải gắn với các quy hoạch khác trong đó có giao thông vận tải. Trong chiến lược phát triển GTVT thì cũng có quy hoạch từng lĩnh vực khác nhau về đường sắt, đường không, đường thủy nội địa, hàng hải... và trình tự đầu tư cũng theo quy hoạch để căn cứ. Chứ không phải bây giờ đầu tư sân bay Long Thành thì phải bỏ cái khác. Ngay bây giờ Thủ tướng cũng mới phê duyệt quy hoạch chiến lược đường sắt. Cái này mình cũng đã cân đối hết rồi. Bởi vì của mình là phải tái cơ cấu lại các phương thức vận tải. Vận tải bây giờ là phải đa hình thức, phải kết nối được với nhau và phát triển hợp lý, hài hòa bởi vì đất nước mình trải dài. Đường bộ thì thường chỉ hiệu quả trong khoảng 300km, đường sắt thì ít nhất phải 900km, còn đường hàng không thì tất nhiên là phải hội nhập đường dài rồi. Bây giờ căn cứ vào nguồn lực, căn cứ vào hiệu quả của từng phương thức để mình đầu tư. Nhưng điều quan trọng là phải gắn kết được các phương thức với nhau.

P.V: Liệu có chuyện sân bay Long Thành thì tấp nập còn sân bay Tân Sơn Nhất thì đìu hiu không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bây giờ phải hiểu như thế này. Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành thì nhiệm vụ số một là giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi tùy thuộc vào điều kiện phát triển, lúc đó thì mới tiếp tục hướng tới việc đảm đương nhiệm vụ là cảng hàng không trung chuyển. Nhưng để đáp ứng được là cảng hàng không trung chuyển thì lại phải đáp ứng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Trong đó, có chính sách kinh tế của từng thời kỳ như: giảm visa, các chính sách ưu đãi, miễn thuế... Để nó hình thành một cảng hàng không trung chuyển nó cần rất nhiều điều kiện chứ không phải thuần túy là vị trí đắc địa rồi cảng hiện đại, dân số... Vậy mới nói tại sao Singapore có hơn 5 triệu dân mà họ trung chuyển được. Ngay bản thân mình là 90 triệu dân rồi và lúc đó là hơn 100 triệu rồi.

P.V: Vậy vấn đề nợ công khi xây dựng sân bay Long Thành, Bộ GTVT đã tính tới chưa?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Về nợ công thì Bộ Tài chính đã đánh giá rồi, tối đa là 0,28%, nhỏ hơn là 0,2%. Tức là có tác động nhưng mà hầu như không đáng kể. Về nợ công nó chỉ chiếm rất nhỏ.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Hoàng Sa
(ghi)