Bộ trưởng Lê Minh Hoan thị sát Quảng Nam, Quảng Ngãi
Bão Noru ngày càng áp sát đất liền Hồi 16 giờ ngày 26-9, vị trí tâm bão Noru ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Dự báo, đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở cách Đà Nẵng khoảng 320km, cách Quảng Nam khoảng 270km, cách Quảng Ngãi khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km đi vào đất liền Trung Trung Bộ, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở trên khu vực biên giới Việt-Lào. |
Kiểm tra tại khu vực hồ thủy lợi Phú Ninh, báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mực nước hồ Phú Ninh cao trình 22,14m/32m, ở mực nước dâng bình thường. Mực nước tại các trạm thủy văn đều dưới mức báo động I. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam có 73 hồ chứa thủy lợi. Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi đã tích nước đạt 40 – 50% dung tích hữu ích thiết kế. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão và hướng dẫn các chủ đập phương án ứng phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 4 hồ chứa thủy điện ảnh hưởng đến vùng hạ du, gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4. Hiện dung tích tại các hồ chứa thủy điện còn thấp, đạt từ 20-30%.
Tại khu vực biển Cửa Đại, báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho hay, sau nhiều năm bị sạt lở nghiêm trọng, với sự quan tâm đầu tư của trung ương, thời gian gần đây, hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại đã được bồi cát và tình trạng sạt lở tạm thời không tái diễn.“Bằng nhiều nguồn kinh phí của trung ương và đối ứng của địa phương, tuyến đê ngầm chắn sóng đã được đầu tư xây dựng, do đó địa phương cũng đang yên tâm hơn phần nào nếu như bão đổ bộ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thử nghiệm xem tuyến đê ngầm phát huy hiệu quả tới mức độ nào sau những tác động của bão gây ra”- ông Hồ Quang Bửu nói.
Được biết, Công trình chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại có tổng kinh phí đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ Nguồn vốn Trung ương được triển khai thi công từ tháng 7-2021 và đến cuối tháng 8-2022 thì hoàn thành sớm hơn kế hoạch gần 5 tháng. Các đơn vị thi công đã xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng dài gần 1,6km, sử dụng hơn 100 ngàn khối đá, gần 8 ngàn khối bê-tông và bơm bổ sung thêm hơn 600 ngàn mét khối cát để tạo bãi biển.
Qua kiểm tra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu cả hệ thống chính trị của Quảng Nam cần vào cuộc mạnh mẽ, tích cực tuyên truyền nhân dân, sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro của bão. Đồng thời, đề nghị tỉnh chỉ đạo các lực lượng xung kích, tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, sẵn sàng tham gia khi có tình huống phức tạp nảy sinh.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tập trung cho sơ tán dân ven biển đến nơi an toàn, tối thiểu nhà cấp 3 có sàn bê-tông chắc chắn; những nơi không đảm bảo an toàn thì không thực hiện sơ tán đến. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9 giờ ngày 27-9-2022, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung…
* Tại tỉnh Quảng Ngãi, sáng cùng ngày, đoàn công tác do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão Noru tại Cảng neo đậu Tịnh Hòa (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Báo cáo với đoàn công tác, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, hiện nay tỉnh đang chủ động các phương án ứng phó trước khi cơn bão Noru đổ bộ vào đất liền. Lãnh đạo tỉnh cũng đã quán triệt các địa phương không được để xảy ra những sự cố, vấn đề do lỗi chủ quan, trừ những sự cố bất khả kháng, ngoài mong muốn.
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân, vấn đề lo ngại nhất vẫn là sau khi cơn bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của bão không thể chủ quan. “Điều quan tâm nhất là đảm bảo tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến 5 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên ảnh hưởng nặng của bão, nên từ ngày 25-9, lực lượng quân đội đã giúp bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó”- bà Vân thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đến thời điểm này, với sự chuẩn bị tích cực của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, thì địa phương có thể tạm yên tâm trước khi cơn bão đến. Tuy nhiên, khi bão vào sẽ còn rất nhiều tình huống xảy ra, do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là đối với cơn bão.
LÊ HẢI