Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quan trọng nhất là tạo ra minh bạch
Năm 2020 đã khép lại. Những ẩn họa từ đại dịch Covid-19 vẫn rập rình, những hậu quả từ thảm họa thiên tai, bão lũ vẫn hằn sâu nơi khúc ruột miền Trung. Năm 2020 cũng là năm khép lại một nhiệm kỳ đầy chông gai phải vượt qua, như chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “trong nhiệm kỳ này của Chính phủ có rất nhiều biến cố lớn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan Phát triển Pháp về phát triển Chính phủ điện tử. |
Vượt qua nhiều biến cố lớn
P.V: Thưa Bộ trưởng, có thể thấy rất rõ trong nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ vô cùng nặng nề và năm 2020 – năm cuối nhiệm kỳ - là một năm rất đặc biệt với nhiều biến cố lớn như đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ. Ông có thể chia sẻ về quãng thời gian đối mặt với những áp lực để có được những thành tích như hôm nay?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đúng là trong nhiệm kỳ này của Chính phủ có rất nhiều “biến cố” lớn. Ngày 23-4-2016, trên chuyến bay đi công tác ở Điện Biên, Thủ tướng phát hiện ra vấn đề cá chết ở Hà Tĩnh. Vậy là ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã vấp phải sự cố môi trường ở Formosa.
Cũng trong những năm qua, chúng ta phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác như xâm nhập mặn liên tục diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại của các tỉnh phía Bắc, hay hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung... ở những mức độ nhiều khi chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở thời điểm trước khi nghỉ Tết âm lịch là đại dịch này không lây từ người sang người. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ phản biện ngay, chúng tôi nói rằng không phải như thế, đồng thời báo cáo, đề xuất các biện pháp ứng phó với Thủ tướng.
Chúng tôi cho rằng, nếu không nguy hiểm thì sao Bộ Chính trị Trung Quốc phải họp vào mùng 1 Tết. Nếu không nguy hiểm thì việc gì Vũ Hán phải phong tỏa? Nếu không nguy hiểm thì việc gì trên 5 triệu người Vũ Hán đã di chuyển trước khi phong tỏa, mà những người di chuyển là những người có thông tin, có điều kiện kinh tế...? Và nếu không nguy hiểm thì làm sao có 2 bệnh viện dã chiến lớn như vậy và tại sao số người chết, số người bị lây nhiễm nhanh như vậy?
Chúng tôi báo cáo Thủ tướng quan điểm không thể thực hiện theo khuyến cáo của WHO. Ngay Chỉ thị số 05 đầu tiên của Thủ tướng đã hoàn toàn khác khuyến cáo của WHO. Thủ tướng cũng đưa ra các chỉ lệnh chưa từng có như “chống dịch như chống giặc”, toàn quân, toàn dân phải tham gia việc này... Rồi hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới, đóng cửa đường mòn, lối mở, tạm dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Tiếp đó, với Chỉ thị 15, Thủ tướng yêu cầu giãn cách xã hội... Đây đều là những vấn đề không đơn giản và chưa từng có tiền lệ.
Nếu không có lực lượng quân đội, công an cùng với các bác sỹ, nhân viên y tế ngày đêm trong vấn đề phòng, chống dịch, chúng ta không thể thành công được. Nếu không có hệ thống chính trị như ở Việt Nam, không có sự đồng lòng, đồng thuận của người dân thì chúng ta cũng không làm được. Vì khi đã lây ra cộng đồng rồi, không biết ai với ai và có thể rơi vào tình huống không thể cứu vãn được.
Giờ nhìn lại thời kỳ đầu năm 2020, chúng ta thấy được sự chỉ đạo rất thông minh, quyết liệt, sáng suốt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong từng vấn đề cụ thể. Nếu cứ du di, làm đúng theo khuyến cáo của WHO thì có lẽ bây giờ chúng ta không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra.
“Anh nào tạo ra rào cản thì không được chấp nhận”
P.V: Ông từng nói, xây dựng Chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi. Vậy đến nay, cán bộ đã dám vứt bỏ quyền lợi để toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ chung này chưa?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Khi cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để kiểm tra chuyên ngành hoặc khi chúng ta đã quyết tâm sử dụng hồ sơ điện tử thay vì hồ sơ giấy truyền thống, tôi vẫn nói rằng, đây là những rào cản rất lớn liên quan đến quyền lợi, liên quan đến cát cứ, phân khúc mà thực chất đó là quyền lợi, lợi ích nhóm. Nếu chúng ta làm minh bạch là phải dám cắt bỏ những lợi ích như thế để hướng tới một cái chung.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. |
Đơn cử, chúng ta có khoảng 12 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu mỗi năm. Qua kiểm tra chỉ phát hiện 0,06% sai phạm, nhưng vẫn phải làm mọi thủ tục hành chính, vẫn phải nộp tiền phí, lệ phí, điều này dẫn đến tốn kém vô cùng cho doanh nghiệp, người dân.
Khi ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm), chúng ta đã cắt bỏ trên 95% điều kiện, thủ tục hành chính, nhưng vẫn bảo đảm những thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật và vẫn kiểm soát tốt mọi việc.
Đặc biệt, khi dịch vụ công được “điện tử hóa”, người dân chỉ cần một tài khoản duy nhất, đăng nhập vào để thực hiện thủ tục thay vì phải đến cơ quan nhà nước, phải tiếp cận với cán bộ thi hành công vụ. Điều này mang lại những hiệu quả rất thiết thực, giảm được thời gian và chi phí chính thức và phi chính thức; đồng thời tạo dựng được sự minh bạch; hạn chế và cắt bỏ những quyền lợi không chính đáng, tham nhũng vặt, tiêu cực.
Tôi khẳng định, vừa qua đã làm được như vậy có nghĩa là đã dám vứt bỏ quyền lợi mà chúng ta vẫn cho là cát cứ. Chúng ta đồng thời chịu sự giám sát của doanh nghiệp, người dân, của cơ quan báo chí. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân nếu như họ yêu cầu.
P.V: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng Chính phủ là thẩm tra các dự án, đề án - vấn đề động chạm đến lợi ích của các bộ, ngành. Nhiệm vụ này đặt lên vai mỗi cán bộ, công chức văn phòng nói chung và Bộ trưởng nói riêng. Giữ mình trong sạch, giữ cho chính sách hợp lý, khả thi thì sẽ phải va chạm, phải kiên quyết loại bỏ cơ chế xin cho, lợi ích nhóm. Bộ trưởng có chịu nhiều áp lực từ các bộ, ngành?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Áp lực là chuyện bình thường! Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ bỏ “trên nóng, dưới lạnh”, tham nhũng “vặt”... Khi đã minh bạch thì không thể khác được mà bắt buộc phải thực hiện. Như vậy có nghĩa là không riêng Văn phòng Chính phủ mà tất cả bộ, ngành, địa phương đều phải tham gia cải cách mạnh mẽ. So với ban đầu, sức ép bây giờ giảm nhiều vì chúng ta đã có làn sóng cải cách. Tất nhiên, dù có sức ép cũng phải thực hiện cho được mục tiêu hàng đầu là cải cách.
Tôi nghĩ, tất cả vì một đất nước hùng cường thì tư tưởng cục bộ cá nhân, tư tưởng vun vén cho nhóm lợi ích này kia dần dần sẽ hạn chế. Hơn nữa, với sự giám sát của các cơ quan báo chí, người dân, thì tư tưởng co kéo lợi ích sẽ dần bị loại bỏ, nếu có cũng nhẹ hơn rất nhiều.
Còn anh nào tạo ra rào cản thì không được chấp nhận. Ban hành văn bản mà khi thực thi, đi vào cuộc sống, người dân, doanh nghiệp cho rằng đó là rào cản, co kéo lợi ích về bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo thì người đứng đầu bộ đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân.
P.V: Việc hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp với lợi ích của nhà nước, hài hòa lợi ích các cơ quan, bộ, ngành là khó hay dễ, thưa Bộ trưởng? Có khi nào Bộ trưởng nhận thấy điều đó chưa thực sự hợp lý nhưng do vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ một phía nào đó mà cho phép mình thỏa hiệp?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tất cả cơ chế, chính sách phải đảm bảo hài hòa các lợi ích, mà trước hết là lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân, của doanh nghiệp. Nếu chỉ nghĩ lợi ích của đất nước không được, chỉ nghĩ lợi ích doanh nghiệp cũng không ổn. Phải hài hòa trong từng việc và bối cảnh cụ thể.
Tôi xin khẳng định rằng Văn phòng Chính phủ không bị tác động từ bất cứ bộ nào, mà nhận chỉ đạo duy nhất từ Thủ tướng, Chính phủ. Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng, chúng tôi phải luôn trung thành, tận tụy, trung thực. Khi nhận thấy có vấn đề không ổn phát sinh, hay có rào cản, chúng tôi phải báo cáo luôn tại cuộc họp Chính phủ, có những phản biện, báo cáo độc lập. Nếu Văn phòng Chính phủ không làm được như vậy sẽ có lỗi rất lớn và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Cho nên, từng vấn đề trong Văn phòng Chính phủ thảo luận rất kỹ, cũng như lắng nghe báo chí, các hiệp hội...
Tôi cho rằng ở chỗ này, chỗ kia có lúc sẽ không tránh khỏi việc phải thỏa hiệp. Riêng Văn phòng Chính phủ là cơ quan trung gian nên chúng tôi rất khách quan, minh bạch, không chịu tác động từ bộ nào, cũng chẳng lấy của ai để co kéo về cho mình. Chúng tôi chỉ làm những việc được pháp luật quy định.
Tiếp tục cải cách, đổi mới
P.V: Nhìn lại 1 nhiệm kỳ qua, giữa vai trò Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ với những việc đã làm được, Bộ trưởng mong muốn người dân nhớ về mình với hình ảnh là một vị Bộ trưởng gần dân, Bộ trưởng hành động, cải cách hay là một tên gọi nào khác?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chúng tôi là người giúp việc, phục vụ cho Chính phủ, Thủ tướng, tinh thần là luật giao nhiệm vụ gì, chúng tôi sẽ làm hết. Tóm lại, chúng tôi núp dưới bóng cây tùng, cây đa, cây đề chứ không có hình ảnh gì cả. Chúng tôi trung thành với Tổ quốc, đất nước, tận tụy phục vụ để hướng tới một Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nếu người dân, doanh nghiệp hài lòng, chúng tôi rất phấn khởi, hài lòng với những gì mình đã đóng góp cho đất nước, đóng góp cho Chính phủ.
Cũng xin nói thêm rằng, khi được giao nhiệm vụ là Người phát ngôn của Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi chưa vắng buổi họp báo nào. Tôi rất chú tâm lắng nghe ý kiến của các nhà báo, bởi các bạn đã và đang phản ánh ý kiến người dân, doanh nghiệp trên cả nước...
P.V: Gần hết nhiệm kỳ, còn điều gì khiến ông trăn trở với cương vị là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ? Ông có hài lòng với những việc mình đã làm?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, quyết tâm của chúng tôi là xây dựng Văn phòng Chính phủ thành đơn vị chuyên nghiệp, hiện đại, quản trị thông minh. Tư tưởng này được quán triệt và thấm nhuần đến từng cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ trong bất cứ việc nào.
Nhìn lại thấy sự cố gắng của anh em vô cùng lớn, đến giờ khác rất nhiều so với thời điểm đầu nhiệm kỳ. Từ đánh giá cán bộ đến đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, chúng tôi rất công khai, minh bạch, không giấu giếm.
Chúng tôi cũng có phần mềm đánh giá công việc của từng chuyên viên. Anh nào giỏi mà làm chậm thì là “đánh võng”, còn làm chậm mà không giỏi tức là giấu dốt, bảo thủ. Chúng tôi phân công việc là theo năng lực chứ không bổ đầu mỗi anh phụ trách 1 mảng, phải làm việc theo nhóm để vừa giám sát, theo dõi, vừa trao đổi để xử lý công việc hiệu quả tốt hơn.
Tất nhiên, sự đóng góp của anh em Văn phòng Chính phủ chỉ góp một phần rất nhỏ trong thành công của Chính phủ. Với mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi phải cố gắng rất nhiều, luôn trau dồi lý luận, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong bối cảnh khó khăn và có sự thay đổi lớn trên toàn cầu, đặc biệt khi công nghệ phát triển như vũ bão, nếu không có sự đổi mới, không tiếp cận thì không thể tham mưu chính xác, kịp thời cho Chính phủ. Nên Văn phòng Chính phủ phải đổi mới, cải cách, giảm khó khăn, phiền hà. Từ tháng 6-2018, Văn phòng Chính phủ thực hiện phi giấy tờ, theo dõi, đánh giá công việc qua hệ thống điện tử nên rất khách quan.
Ở Văn phòng Chính phủ, khi việc chưa xong chưa được về, không có định nghĩa ngày làm việc 8 tiếng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới để đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và mong muốn của người dân.
P.V: Trước thềm năm mới, Bộ trưởng có điều gì muốn chia sẻ?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Năm hết Tết đến, đầu tiên, chúng tôi có lời cảm ơn chân thành và kính trọng đến các cơ quan báo chí, truyền thông, các phóng viên cơ quan báo chí. Chúng tôi cho rằng thành công của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 có sự đóng góp quan trọng của các bạn.
Tôi mong rằng, báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng và Văn phòng chính phủ, để chúng ta tạo ra những kết nối, thông tin 2 chiều hài hòa. Chúng tôi làm không tốt thì các cơ quan báo chí không thể nói chúng tôi tốt được. Và chúng tôi không làm được thì chúng tôi cũng không bao giờ nói chúng tôi làm được.
Quan trọng nhất là tạo ra minh bạch. Chúng tôi luôn luôn minh bạch và tạo ra công cụ để đánh giá sự minh bạch này. Chúng tôi không làm gì để thông qua báo chí đánh bóng cơ quan hay cá nhân. Chúng tôi là người giúp việc, chỉ đứng sân sau, nhưng những điều Chính phủ, Thủ tướng làm được, chúng tôi phải nói để thông qua báo chí truyền tải tư tưởng đến người dân.
CHU THANH VÂN – TTXVN
(thực hiện)