Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về một số hạn chế, yếu kém của ngành GD&ĐT
(Cadn.com.vn) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16-11.
“Xóa mù tiếng Anh”
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về việc có hoàn thành được mục tiêu đặt ra của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020 (Đề án 2020) hay không và giải pháp để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết mục tiêu đã nêu trong Đề án 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được vì dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài. Đây là nhiệm vụ không chỉ được đặt ra trước kia, hiện tại mà còn ở tương lai, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Để đạt được các mục tiêu như Đề án đặt ra cần thời gian, kinh phí lớn.
Nhận trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Đề án, Bộ trưởng cho rằng không chỉ riêng Đề án 2020 mà các Đề án khác cần hết sức thiết thực, khả thi, bám sát vào những giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát để điều chỉnh lại cách tiếp cận và mục tiêu. Đề án 2020 không chịu trách nhiệm đào tạo vấn đề ngoại ngữ cho tất cả các nhóm đối tượng chỉ nêu hướng dẫn chung. Cụ thể, chương trình, nội dung phải thống nhất, biên tập, biên soạn theo hệ thống, trong đó có sự hỗ trợ của quốc tế, tránh tình trạng biên soạn theo năng lực các thầy cô; tập trung đào tạo năng lực giáo viên. Phương thức tổ chức giảng dạy được thực hiện theo phương châm không nhất thiết phải có bằng cấp, mọi người đều có thể tham gia học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế những chương trình học, phương thức đào tạo theo hướng đào tạo từ xa, còn các địa phương, cơ sở giáo dục và người dân phải phát huy; đặc biệt là nhấn mạnh xã hội hóa. Xã hội hóa phải là tâm điểm để tạo ra môi trường, động lực. Với tinh thần ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh lại Đề án và tới đây sẽ trình Chính phủ về điều chỉnh Đề án này.
Bộ trưởng cho biết: Trong thời gian này, việc thực hiện Đề án có những kết quả nhất định. Đề án nhấn mạnh việc không chỉ tập trung đào tạo, giảng dạy cho sinh viên mà cần phải đào tạo toàn dân, thông qua việc “xóa mù tiếng Anh”, để giao tiếp, không quá khó để tạo ra một xã hội học tập. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự điều chỉnh. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, đó là quá trình lâu dài nhưng nếu không có bước đi, lộ trình sẽ khó đạt được mục tiêu và lãng phí nguồn lực.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN |
Khắc phục tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm
Sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp - một vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay, gây bức xúc trong xã hội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn. Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nêu thực tế: Hiện có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Nhưng ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không?
Khẳng định đây là điều Bộ Giáo dục và Đào tạo đang băn khoăn, trăn trở, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Theo thống kê của Bộ, khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm. Số sinh viên tìm được việc làm ngay rơi vào các trường top trên còn phần lớn sinh viên không tìm được việc làm do tốt nghiệp ở các trường có chất lượng yếu kém, trường mới thành lập. Đây là vấn đề đang đặt ra và Bộ đang cố gắng sửa trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung điều chỉnh mạng lưới các trường đại học; áp dụng chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành những trường mới mở, hỗ trợ theo hướng thành phân hiệu hoặc thành trường thành viên của các trường đại học lớn. Mục tiêu là hướng tới là quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các loại trường chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ “siết” chặt đầu ra và đầu vào Đại học, Cao đẳng. Bộ đã chỉ đạo các trường phải báo cáo số lượng sinh viên tốt nghiệp. Nếu trường nào không báo cáo hoặc có số sinh viên không có việc làm cao, Bộ sẽ có giải pháp để hạn chế.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận, đề nghị Bộ trưởng làm rõ nội dung quy hoạch đào tạo gắn với nhu cầu thực tế hay chưa? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với vấn đề này. Nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố trong và ngoài nhà trường. Với trách nhiệm được giao, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung giải pháp đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của thị trường; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp để có hình thức đào tạo bổ sung; đẩy mạnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong triển khai khung hệ thống giáo dục công dân.
Bộ trưởng khẳng định: Cần quy hoạch lại hệ thống các trường để cung - cầu giống nhau; nâng cao chất lượng các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên, cơ sở tài chính, quản trị. Đồng thời, cần có dự báo về thị trường lao động, bởi căn cứ vào công tác dự báo thị trường lao động căn cứ vào nhu cầu, phụ huynh, học sinh mới có thể lựa chọn được ngành học phù hợp. Tuy nhiên, đây là công việc chưa làm tốt, trong đó có một phần trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian tới, Bộ sẽ nỗ lực làm tốt hơn, đặc biệt là phối hợp tốt với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành khác để quy hoạch để làm tốt công tác dự báo thị trường lao động.
Thu Thủy – TTXVN
Vùng biển miền Trung an toàn Sáng 16-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, nghe Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã tiếp tục trả lời chất vấn các nhóm vấn đề như: môi trường; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác đánh giá tác động môi trường; các biện pháp giám sát, kiểm soát việc xả thải và khắc phục lỗi về môi trường của công ty Fomorsa Hà Tĩnh; vấn đề an toàn biển miền Trung; quản lý đất đai; khai thác khoáng sản; tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu… Trả lời vấn đề biển miền Trung đã an toàn chưa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Vùng biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích từ trầm tích đáy, nước đáy, nước giữa và nước mặt trên toàn bộ khu biển. Toàn bộ các hoạt động du lịch, thể thao và các hoạt động nuôi trồng thủy sản hoàn toàn có thể tiến hành bình thường. Tất nhiên, cần phải theo quy chuẩn hướng dẫn cần thiết để có thể kiểm soát được dịch bệnh cũng như các vấn đề về môi trường. Đối với vấn đề hải sản, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang tiến hành rất nhiều phân tích toàn diện; đồng thời phối hợp với nhiều phòng phân tích của thế giới để phân tích và đến nay tin tưởng rằng Bộ Y tế công bố toàn bộ hải sản là an toàn. |