Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Mỹ điện đàm giữa căng thẳng

Thứ năm, 27/06/2024 10:00

Ngày 25-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Nga trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước kể từ tháng 3-2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Reuters

Thiếu tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khởi xướng cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov. "Bộ trưởng Austin nhấn mạnh rất cần duy trì các kênh liên lạc trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra", tướng Ryder nói.

Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày xác nhận cuộc điện đàm là "sáng kiến của phía Mỹ", trong đó hai bộ trưởng trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine và các vấn đề khác. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ông Belousov đã cảnh báo ông Austin về sự nguy hiểm của việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài 28 tháng với Moscow. "Ông Belousov chỉ ra nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa thông qua việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine", thông báo viết.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Belousov thảo luận với người đồng cấp Austin sau khi nhậm chức vào hồi tháng 5, cũng là lần đầu bộ trưởng quốc phòng Nga và Mỹ điện đàm sau hơn một năm. Lần cuối lãnh đạo hai cơ quan điện đàm là tháng 3-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergey Shoigu. Lầu Năm Góc cho biết hai quan chức khi đó thảo luận về vụ chạm mặt giữa tiêm kích Su-27 Nga và máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper Mỹ trên Biển Đen.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. Nga chỉ trích Mỹ vì Washington hỗ trợ quân sự liên tục cho Ukraine. Mỹ nối lại hoạt động cung cấp vũ khí cho Ukraine vào tháng 4 sau khi quốc hội thông qua gói viện trợ 61 tỷ USD. Mỹ cho biết họ ủng hộ đề xuất hòa bình của Kiev, bao gồm việc quân đội Nga rời khỏi Ukraine và khôi phục biên giới hậu Xô viết của đất nước này. Gần đây Washington đã "bật đèn xanh" cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để nhắm vào ở một số khu vực của Nga gần thành phố Kharkov.

Hôm 24-6, Điện Kremlin thẳng thừng đổ lỗi cho Mỹ về cuộc tấn công vào thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea hôm 23-6. Nga nói Ukraine đã dùng các tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để thực hiện vụ tấn công này, khiến ít nhất 4 người chết (trong đó có 2 trẻ em) và 151 người bị thương (gồm hàng chục trẻ em). Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Moscow Lynne Tracy vào hôm 24-6. Trong cuộc trao đổi với bà Tracy, các quan chức Nga nhấn mạnh rằng Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống Nga và đã trở thành một bên trong cuộc xung đột Ukraine khi cung cấp cho nước này vũ khí hiện đại, bao gồm cả tên lửa ATACMS trang bị đạn chùm. Bộ Ngoại giao Nga cũng nói rằng các chuyên gia quân sự Mỹ đã tích cực tham gia thiết kế đường bay cho ATACMS, có nghĩa là Mỹ chịu trách nhiệm về hành động này giống như Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Nga, bà Tracy cũng đã được phía Nga thông báo rằng, Mỹ đang khuyến khích chính quyền Ukraine tiếp tục hành động thù địch bằng cách chấp thuận các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Bộ này cảnh báo: "Các biện pháp trả đũa chắc chắn sẽ được thực hiện sau đó".

AN BÌNH