Bộ trưởng Tài chính: Đồng tình hỗ trợ người dân Đà Nẵng trả nợ tiền sử dụng đất
(Cadn.com.vn) - Ngày 15-3, Đoàn Công tác Bộ Tài chính do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách và công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Tiếp đoàn, về phía TP Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và các Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch UBNDTP Hồ Kỳ Minh, Phùng Tấn Viết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Hỗ trợ nợ tiền đất của người dân
Đề nghị Bộ Tài chính giảm nghĩa vụ trả nợ tiền đất cho dân, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cho biết số hộ giải tỏa nợ đất tái định cư quá 5 năm trên địa bàn thành phố rất nhiều, phần lớn các hộ nợ quá 5 năm có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng thanh toán tiền nợ đất. Trong khi đó, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất từ ngày 1-2-2016, các hộ đã nợ quá 5 năm thì phải trả nợ theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, giá đất tại thời điểm trả nợ thường cao hơn giá đất tái định cư nhiều lần nên càng làm cho các hộ dân thêm khó khăn, không có cơ hội thanh toán nợ.
Vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nêu rõ, trong thời gian qua, để phục vụ cho công tác chỉnh trang đô thị, Đà Nẵng đã giải tỏa gần 120 ngàn hộ dân và đến nay còn hàng ngàn hộ dân thuộc diện khó khăn phải nợ tiền sử dụng đất. Đây là các hộ dân bị thu hồi đất, đền bù và bố trí tái định cư theo giá Nhà nước. Khi giải tỏa thì các hộ này được đền bù với giá thấp so với giá thị trường. “Đây là chính sách của TP Đà Nẵng khi áp dụng trong công tác giải tỏa đền bù, người dân chịu rất nhiều thiệt thòi. Không giống như các địa phương khác là đền bù theo giá thỏa thuận hoặc giá thị trường. Vì vậy, đến nay, theo quy định mới buộc các hộ dân này phải trả nợ theo giá thị trường tại thời điểm trả nợ là dân không kham nổi. Do từ đầu TP áp dụng chính sách khác so với cả nước nên đề nghị Bộ Tài chính xem xét để có điều chỉnh phù hợp cho người dân TP”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng ý với đề nghị của thành phố, đồng thời đề nghị thành phố làm ngay văn bản gửi Bộ Tài chính, để Bộ Tài chính có cơ sở và trách nhiệm báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ, cần thiết đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để xử lý tháo gỡ khó khăn cho dân vì đây là trường hợp đặc thù. “Trước đây, đền bù cho dân theo khung giá của thành phố, cho dân nợ 5 năm, bây giờ quay lại thu theo giá thị trường thì dân sẽ không chịu được”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ Tài chính cho phép không thu thuế giá trị gia tăng với mức thu thuế suất 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp 10% để giảm giá thành cho các hộ thu nhập thấp khi mua nhà sở hữu Nhà nước. Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Dũng lưu ý và xem xét. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, Đà Nẵng đặt vấn đề giảm thuế chưa phải là giải pháp căn cơ mà phải quản lý chi phí đầu vào, chi phí xây dựng của doanh nghiệp để hạ giá thành và giá bán cho người thu nhập thấp. “Đã là thị trường thì thuế phải ngang nhau, chứ không phải chỗ cao, chỗ thấp không giống ai”, Bộ trưởng Dũng nói.
Ưu tiên giải quyết nợ đọng
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trong 5 năm liền mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế thành phố Đà Nẵng luôn rất cao gấp 1,5 lần trung ương và liên tục vượt thu ngân sách. Chỉ 2 tháng đầu năm 2016 mà đạt 22,9% dự toán, trong khi cả nước chỉ có 15%. Ngoài thu ngân sách thì thu nhập đời sống nhân dân cũng nâng cao. Cơ cấu thu chuyển dịch rất tốt theo hướng bền vững, từ 50% năm 2011 và đến năm 2015 giảm còn 15%. Đặc biệt, Đà Nẵng đã thay đổi hoàn toàn, hệ thống hạ tầng cơ bản đầy đủ và hiện đại, quản lý đô thị (trật tự, an toàn, giao thông đô thị) rất tốt. |
Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, Đà Nẵng có Nghị quyết 33, Kết luận 75 của Bộ Chính trị và sau đó có Thông báo 186 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai nội dung Kết luận 75 của Bộ Chính trị rất cụ thể, đó là một số dự án danh mục công trình mang tính chất động lực vùng như di dời ga đường sắt, mở rộng sân bay, Cảng Liên Chiểu, Làng Đại học, thậm chí những dự án tối thiểu như mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi giai đoạn 2, Bệnh viện Ung bướu... Mặc dù Đà Nẵng cũng đã cố gắng nỗ lực để thực hiện Nghị quyết đó và đưa vào kế hoạch trung hạn nhưng mà đưa không nổi, đưa vào đẩy ra, vì trung ương không bố trí vốn. Những công trình trọng điểm như vậy mà không được triển khai thì Nghị quyết sẽ không thực hiện được.
Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, hiện nay nguồn vốn Trung ương trước cho dự án đã được chuyển qua nhiều năm 1.381,5 tỷ đồng; (trong đó, Cung Thể thao Tiên Sơn, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định hỗ trợ 624 tỷ đồng nhưng đã qua 6 năm mới rót được 200 tỷ đồng; cầu Trần Thị Lý, Khu công nghệ thông tin, Trung tâm cai nghiện ma túy... chưa được xử lý) đã ảnh hưởng đến việc thanh quyết toán và hoàn trả tạm ứng cho ngân sách trung ương. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính ưu tiên bố trí đủ 1.381,5 tỷ đồng trong kế hoạch vốn trung hạn 2016 – 2020 để thanh toán cho các dự án đã được triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, để kịp thời triển khai các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Bộ Tài chính cần sớm cân đối bố trí 341 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.
Nhìn nhận đây là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định Trung ương xác định Đà Nẵng là thành phố trung tâm, thành phố động lực thì các Bộ, ngành Trung ương cũng nên ủng hộ cho Đà Nẵng phát triển, bản thân Đà Nẵng cũng phải tự nỗ lực bằng khả năng tự có của mình. APEC 2017 thành công không chỉ mang lại cho bộ mặt của quốc gia, do vậy cần sớm hỗ trợ kinh phí để Đà Nẵng triển khai công tác chuẩn bị.
Đồng ý sẽ làm việc với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ưu tiên thanh toán các khoản nợ đọng cho thành phố, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, hiện nay các khoản nợ đọng được Chính phủ ưu tiên giải ngân, vì đa phần nợ xấu ngân hàng, nợ đọng thuế, nợ xấu trong nền kinh tế là bắt nguồn từ đây, vì vậy có giải quyết nợ đọng được thì tài chính thành phố, tài chính quốc gia mới lành mạnh được. Bộ trưởng cũng nhất trí ủng hộ nguồn kinh phí phục vụ cho APEC 2017.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đồng ý cho TP được sử dụng 50% nguồn cải cách tiền lương còn lại (1.670 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản của TP trong năm 2016; đồng ý cho thành phố tạm ứng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tồn ngân tại kho bạc Nhà nước năm 2016, thời hạn 5 năm, mỗi năm hoàn trả 200 tỷ đồng để tất toán các khoản vay trái phiếu... Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị thành phố triển khai tốt Luật Đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả.
Xuân Đương