Bối rối với bài toán năng lượng
(Cadn.com.vn) - Các chuyên gia năng lượng hàng đầu Việt Nam chỉ ra rằng, việc sử dụng năng lượng ở nước ta hiệu quả thấp và lãng phí. Nếu không tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cao hơn nữa, trong tương lai gần Việt Nam sẽ phải trả giá rất đắt. Nguy cơ mất cân đối cung cầu năng lượng, phải nhập năng lượng thô như dầu, than đá... là điều hiện hữu.
QUÁ LÃNG PHÍ
Ông Trần Mạnh Hùng- Viện Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, năm 2012 Việt Nam vẫn là quốc gia xuất siêu năng lượng với 15,2 triệu tấn than, 9,3 triệu tấn dầu thô, đồng thời nhập 10,4 triệu tấn các loại sản phẩm dầu thứ cấp dù đã có nhà máy lọc dầu từ năm 2009. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng theo ngành thì công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn nhất với hơn 45%, kế tiếp là giao thông hơn 31% và dân dụng gần 15%.
Ông Nguyễn Kinh Luân, một chuyên gia năng lượng độc lập phân tích, đóng góp vào nguyên nhân khiến ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn nhất chính là... sự lãng phí. Đặc thù công nghiệp nước ta chủ yếu tập trung vào sử dụng nhiều lao động, đã chấp nhận các công nghệ và thiết bị lạc hậu, hiệu suất thấp, mức tiêu hao năng lượng lớn.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là 10,2%/năm trong khi GDP trung bình đạt 6%/năm. Nếu như so sánh với các quốc gia khác, lượng năng lượng được sử dụng để tạo ra một đơn vị GDP của Việt Nam cao hơn rất nhiều, đơn cử so với Nhật Bản cao gấp gần 6 lần. Mặt khác, giá năng lượng thấp cũng góp phần cản trở người sử dụng năng lượng áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết, từ một nước xuất siêu năng lượng thô, tới đây chúng ta sẽ phải nhập năng lượng thô. Bài toán năng lượng của Việt Nam hiện rất khó khăn. Ông Hào nói, những giới hạn về trình độ công nghệ, về nguồn tài chính, về năng lực đầu tư... là nguyên nhân làm cho việc cung cấp năng lượng không theo kịp mức tăng của nhu cầu sử dụng.
Để giải bài toán đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp như khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia xây dựng các nguồn điện; áp dụng biểu giá than, dầu, điện và khí hợp lý, tiệm cận dần với giá thị trường để tạo hấp lực thu hút các nhà đầu tư, phá thế độc quyền; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới để tránh tiêu hao năng lượng vô ích... Trong nhiều giải pháp, thì thực hiện tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả là giải pháp được 2/3 các nước trên thế giới lựa chọn hiện nay, trong bối cảnh nguồn năng lượng đang cạn kiệt, chưa tìm ra nguồn mới bổ sung, thay thế. Ông Hào nói, nếu làm tốt thì tới năm 2020 Việt Nam có thể tiết kiệm được từ 15-20% tổng nguồn năng lượng tiêu thụ, nếu quy ra tiền sẽ là con số khổng lồ.
Mô hình công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng của FPT tại Đà Nẵng. |
KHỞI ĐỘNG VÀ... VƯỚNG
Cụm công trình FPT Đà Nẵng được xây dựng 6 tầng có hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời dung tích 1.500 lít và máy phát thái dương năng công suất 12Kwh/ngày. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn khi đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng khi xây dựng công trình này dưới 3 năm.
Lợi ích đầu tư này mang lại là giảm 21% chi phí năng lượng, giảm 32% chi phí nước (hệ thống làm mát có tháp giải nhiệt khô nhằm giảm thiểu tiêu thụ nước cho hệ thống điều hòa thông gió), giảm 20% vật liệu sử dụng... “Đây chỉ là một trong hàng loạt công trình được áp dụng trong xây dựng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, tránh lãng phí”- ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết như vậy.
Ông Thịnh nói, thị trường xây dựng Việt Nam dự kiến đạt 14 tỷ USD vào năm 2021, điều đó cũng có nghĩa nhu cầu sử dụng năng lượng trong ngành xây dựng rất lớn. Đối với các công trình mới, nếp áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao thì có thể tiết kiệm năng lượng từ 30-40%. Tuy lợi ích là thế, song ông Thịnh cũng cho biết việc thực hiện còn nhiều rào cản. Chẳng hạn chưa có cơ chế ưu đãi với các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; mô hình Cty dịch vụ năng lượng chưa phát triển mạnh; chưa có cơ chế thúc đẩy hoặc bắt buộc chứng nhận dán nhãn năng lượng, công trình xanh với các công trình xây dựng...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tiến, Vụ phó Vụ môi trường, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, lĩnh vực giao thông tiêu tốn nhiều năng lượng, nếu thực hiện tốt các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Song, cái vướng ở chỗ phần lớn phương tiện giao thông từ máy bay, tàu lửa, tàu thủy, ô-tô, xe máy... nhập ở nước ngoài, phụ thuộc công nghệ bên ngoài, rất khó để can thiệp.
Mặt khác, hoạt động tiết kiệm năng lượng trong giao thông gắn với đầu tư đổi mới phương tiện, thiết bị liên quan, điều kiện tài chính để triển khai ở cơ sở không phải dễ sắp xếp. Tương tự trong lĩnh vực công nghiệp, muốn tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng buộc phải đổi mới công nghệ, nhưng đây là vấn đề rất lớn với mỗi DN, trong khi mức hỗ trợ 30% của Nhà nước (không quá 5 tỷ đồng) để DN đổi mới công nghệ lại quá thấp, không thu hút DN.
Hải Hậu