Bom chùm của Mỹ đã có mặt ở Ukraine

Thứ bảy, 15/07/2023 06:51
Các lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được bom chùm mà Mỹ hứa hẹn sẽ giúp củng cố cuộc phản công của Kiev. Tuy nhiên, diễn biến mới này dự kiến sẽ khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine có bước leo thang căng thẳng mới.
Những quả bom 155 mm chứa đạn nhỏ bên trong của Mỹ. Ảnh: Reuters
Những quả bom 155 mm chứa đạn nhỏ bên trong của Mỹ. Ảnh: Reuters

Ukraine đã nhận được bom chùm

Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy Chiến dịch Lực lượng Liên hợp Tavria (Ukraine) xác nhận ngày 13-7 rằng nước này đã nhận được bom, đạn chùm từ Mỹ. Theo kênh CNN ngày 13-7, Chuẩn tướng Tarnavskyi nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi vừa nhận, chúng tôi chưa sử dụng nhưng bom chùm có thể thay đổi hoàn toàn chiến trường. Đối phương cũng hiểu rằng khi có được số bom đạn này, chúng tôi sẽ có lợi thế. Đối phương sẽ từ bỏ khu vực có địa hình có thể sử dụng bom chùm”. Ông Tarnavskyi cho biết lãnh đạo cấp cao Ukraine sẽ quyết định sử dụng bom chùm ở các khu vực nào, nhấn mạnh rằng đây là một vũ khí rất mạnh mẽ. Ông Tarnavskyi cho biết sử dụng bom chùm có các hạn chế khi bị cấm dùng ở các khu vực đông dân cư, ngay cả nếu khu vực đó do Nga kiểm soát.

Cùng ngày, AP dẫn lời Trung tướng Douglas Sims, Giám đốc phụ trách hoạt động của Bộ tham mưu liên quân Mỹ cho biết “bom chùm đã được chuyển đến Ukraine vào thời điểm này”. Ông Douglas Sims không nói rõ liệu chúng đã được sử dụng hay chưa. Theo ông Sullivan, Kiev đã đảm bảo bằng văn bản với Washington rằng các bom chùm sẽ được sử dụng theo cách giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Bom chùm nằm trong số gói viện trợ mới trị giá 800 triệu USD Mỹ thông báo ủng hộ Ukraine vào ngày 7-7 vừa qua. Mỹ cho biết quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine là do Ukraine không còn nhiều đạn pháo tiêu chuẩn. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, việc cung cấp bom chùm chỉ mang tính tạm thời. Hôm 11-7, ông Sullivan nói rằng khi sản xuất đạn đủ cho nhu cầu của Ukraine thì không cần phải cung cấp cho nước này bom chùm nữa.

Bom chùm là loại vũ khí có tính sát thương diện rộng, giúp tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Nhưng các đầu đạn này cũng mang một tỉ lệ thất bại nhất định. Đạn "chết" sẽ rơi lại các vùng đất bị tấn công và gây nguy hiểm cho người dân suốt hàng thập kỷ sau đó. Việc sử dụng bom chùm đã bị hơn 120 quốc gia cấm trên toàn cầu. Đức, Tây Ban Nha và Canada đã phản đối quyết định của Mỹ về việc gửi bom chùm sang Ukraine. Anh, nước ký cam kết không dùng bom chùm, kêu gọi không sử dụng loại vũ khí này. Một số nhà lập pháp bên Đảng Dân chủ của Mỹ nêu quan ngại, trong khi Đại sứ quán Nga tại Mỹ lên án quyết định của Nhà Trắng.

Nga cảnh báo cứng rắn

Đại sứ quán Nga tại Mỹ cảnh báo nguy cơ bom chùm do Washington cung cấp được sử dụng không hạn chế tại Ukraine. "Chúng tôi ghi nhận thông báo của Lầu Năm Góc rằng, bom chùm đã được chuyển giao cho Ukraine. Chúng tôi cũng ghi nhận tuyên bố của các quan chức chính quyền Mỹ về những "lời hứa" do chính quyền Kiev đưa ra về việc sử dụng những vũ khí này với sự hạn chế và ở những nơi phù hợp. Những tuyên bố như vậy của các quan chức Mỹ là nỗ lực vụng về để biện minh cho các hành động khiêu khích của chính họ. Bất kỳ ai theo dõi cuộc xung đột đều biết rằng Kiev đã sử dụng sự hỗ trợ an ninh của Mỹ để tấn công các mục tiêu dân sự với hy vọng đe dọa chúng tôi và "loại bỏ nhiều người Nga nhất có thể", Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết. Các cuộc tấn công đã được thực hiện nhằm vào các khu dân cư, nơi không có bất kỳ cơ sở quân sự nào", Đại sứ quán Nga cho biết thêm.

Theo phái đoàn ngoại giao của Nga tại Mỹ, "rất khó tưởng tượng sẽ có bao nhiêu dân thường thương vong, bao gồm người Ukraine, khi Kiev bắt đầu sử dụng bom chùm của Mỹ". "Chắc chắn rằng kể từ nay, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không tuân theo bất kỳ hạn chế nào trong việc lựa chọn mục tiêu của họ. Họ đang tuyệt vọng trước những tổn thất to lớn cũng như không có khả năng đạt được những thành công trên mặt trận", cơ quan ngoại giao Nga nhận định. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cũng cảnh báo mức độ khiêu khích hiện tại của Mỹ khi cấp bom chùm cho Ukraine "thực sự vượt quá quy mô, đưa nhân loại đến gần hơn với một cuộc chiến tranh thế giới mới".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích phương Tây hành động vì lợi ích riêng của những nước này và họ không nhận ra tác hại của việc cung cấp bom chùm cho Ukraine. "Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì có thể giúp phương Tây nhận ra được những gì họ đang làm đôi khi là hành vi phạm tội, phản tác dụng hoặc thậm chí là bất hợp pháp”, ông Lavrov nói.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo nếu Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine, quân đội Nga sẽ buộc phải dùng đến vũ khí tương xứng để đáp trả lực lượng Ukraine. Theo ông, cho đến nay, Nga đã hạn chế sử dụng bom chùm trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vì Moscow nhận ra mức độ nguy hiểm của chúng đối với dân thường. Ông cũng cảnh báo, việc Washington cung cấp những vũ khí như vậy sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.

Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế, cho rằng việc chuyển giao bom chùm từ Mỹ tới Ukraine sẽ không cải thiện tình hình cho Kiev, ngược lại còn làm tăng rủi ro tiềm ẩn cho dân thường. Theo ông Kashin, hiện chưa rõ sự xuất hiện của bom chùm có dẫn đến bất kỳ diễn biến tích cực nào cho Ukraine trong tương lai gần hay không. Tuy nhiên, nếu Nga cũng có những hành động tương tự trong thời gian tới, những lo ngại sẽ tiếp tục gia tăng.

AN BÌNH