Bóng đá Đà Nẵng: Tin ở tương lai
2023 là đúng năm buồn của bóng đá Đà Nẵng: đội 1 SHB Đà Nẵng xuống hạng sau hơn 20 năm có mặt ở V. League 1 và đội hạng Nhì (U21) chỉ cách cửa lên hạng bởi một vài chỉ số phụ. Sân Hòa Xuân cũng thưa dần, người hâm mộ thở dài nhìn đội bóng anh em Quảng Nam lên chơi V.League 1.
Nhưng như ai đó nói, “thất bại là mẹ thành công”. Cú ngã đau đớn của SHB Đà Nẵng đầu năm 2023 đã đánh thức lòng tự trọng của một thương hiệu bóng đá từng được coi là có bản sắc riêng. Hàng loạt thay đổi mang tính hệ thống được khởi động. Ngoài vị trí Chủ tịch CLB ghi tên ông Lê Văn Hiểu, trước đó những cái tên Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng đã được mời về đảm nhận các vị trí quan trọng mang tính chuyên môn cao ở vai trò hoạch định chiến lược, HLV trưởng. Cạnh đó, lực lượng tại chỗ cũng được trọng dụng trong hệ thống đào tạo trẻ với những gương mặt quen thuộc như HLV Phan Thanh Hùng, Trương Văn Lợi, Võ Phước, Bùi Thông Tân, Huỳnh Quốc Anh...
Bóng đá bền vững là sự chuyển động ổn định, nhịp nhàng của cả một hệ thống. Đà Nẵng đã từng làm và thành công theo cách đó từ hơn 20 năm trước. Đội 1 hay SHB Đà Nẵng có thể là kết quả, là đại diện về thành công hay thất bại của hệ thống ấy, nhưng chưa phải là tất cả. Chính vì vậy, những thay đổi thượng tầng lẫn hạ tầng của bóng đá Đà Nẵng không chỉ đơn thuần là đưa SHB Đà Nẵng trở lại “mái nhà xưa” nhanh chóng, mà còn phải ở lại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam một cách bền vững, có tính cạnh tranh cao, đồng thời tuyển trạch, đào tạo, phát triển lực lượng kế thừa đảm bảo chất lượng... Có nghĩa, lực lượng tham gia V.League là quan trọng, nhưng vẫn chỉ là một phần của “chuỗi giá trị” mà bóng đá Đà Nẵng đang hoạch định.
Thực ra, bóng đá Đà Nẵng đã và đang có một nền móng khá vững chắc, mang tính hệ thống cao và có thể xếp vào hạng “tiêu chuẩn” của Việt Nam. Các lứa U11,13,15, 17, 19 và U21 + hạng Nhì đầy đủ cả với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Tham dự các giải U, các tuyển trẻ của Đà Nẵng vẫn được đánh giá cao, thậm chí là ứng cử viên vô địch. Nhưng nền móng chưa hẳn là bệ phóng. Bóng đá trẻ nói chung và SHB Đà Nẵng thường hụt hơi vào giai đoạn quyết định. Đơn cử, năm 2023 được coi là năm thi đấu thành công của các đội tuyển trẻ SHB Đà Nẵng, nhưng cũng chỉ với hạng Ba của lứa U19 và U21, chưa tương xứng với tiềm năng. Từ thực tế xuống hạng và kết quả ở những giải đấu trẻ, các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân đi xuống của bóng đá Đà Nẵng thời gian qua đến từ việc thiếu sự đồng hành lớn từ địa phương, nhà tài trợ.
“Những gì ở quá khứ là bài học và cần thay đổi trong tương lai”, phát biểu của tân Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Lê Văn Hiểu một phần như thừa nhận thực tế đã trải qua đồng thời hướng đến những mục tiêu trong tương lai. “Ngã ở đâu đứng lên ở đó”, bắt đầu từ việc đầu tư cho SHB Đà Nẵng sớm trở lại V.League và chú trọng đầu tư cho bóng đá trẻ. Đó là quyết tâm nhập cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và cam kết hỗ trợ lâu dài của nhà tài trợ. Những sự thay đổi không chỉ riêng với con người mà còn ở cơ sở vật chất, từ dinh dưỡng, chăm sóc y tế, sức khỏe cầu thủ, duy tu bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp sân thi đấu, phòng tập hay phục hồi thể lực...
“Tất cả đã mang đến luồng sinh khí mới đầy tích cực và hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho đội SHB Đà Nẵng”, cũng chính ông Lê Văn Hiểu khẳng định và điều này mang lại những niềm hy vọng cho người hâm mộ Đà Nẵng về SHB Đà Nẵng nói riêng và bóng đá Đà Nẵng nói chung.
Còn có những chi tiết khá quan trọng nữa cần đề cập, đó là đề xuất đổi tên SVĐ Hòa Xuân thành SVĐ Chi Lăng, một danh xưng được người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng tự hào một thời. Dù còn những ý kiến trái chiều, nhưng đó là khi đội SHB Đà Nẵng thi đấu sa sút. Nếu SHB Đà Nẵng thực sự “trở lại mái nhà xưa” và thi đấu với hình ảnh đầy tự hào như thế hệ bóng đá Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) hay gần nhất 2 lần lên ngôi vô địch V-League, đây quả là một gợi ý đầy lãng mạn...
TIỂU SINH