Bóng đá toan tính

Thứ sáu, 11/07/2014 10:42

(Cadn.com.vn) - Trận cầu kinh điển giữa Argentina và Hà Lan đã diễn ra không hay và hấp dẫn như nhiều người mong đợi, nếu chưa nói nhạt nhẽo và vô hồn. Đơn giản vì hai đội đã chơi thứ bóng đá quá toan tính.

Cả Hà Lan và Argentina đều sở hữu những cầu thủ đẳng cấp siêu việt trong đội hình. "Cơn lốc da cam" có Van Persie có thể đốt lưới đối phương bất cứ lúc nào; Robben với tốc độ kinh hoàng cùng cái chân trái ma thuật, hay Sneijder sừng sững ở tuyến giữa và Vlaar chơi chắc chắn ở hàng phòng ngự... Bên kia sân, Argentina sở hữu Messi thiên tài cùng Mascherano công thủ toàn diện... Trên băng ghế kỹ thuật, họ cũng được dẫn dắt bởi hai bậc thầy về chiến thuật là Louis van Gaal và Alejandro Esteban Sabella.

 Nếu xét về những con người trên sân, trận bán kết giữa Argentina và Hà Lan hoàn toàn xứng đáng để người ta mơ về cuộc thư hùng thượng đỉnh với nhiều đợt tấn công vũ bão. Thế nhưng, tính chất sinh tử của trận bán kết đã không cho phép họ mạo hiểm đẩy cao đội hình tấn công mà chủ yếu co cụm phòng ngự bên phần sân nhà để đảm bảo sự an toàn trước khung thành.

Bức hình này cho thấy Hà Lan chơi phòng ngự kín kẽ đến mức nào.
Đây là thời điểm Hà Lan (trái) bố trí đội hình 6-3-1 để chống lại Argentina.

Nhiều người cảm thấy ức chế với trận đấu này khi cầu thủ hai bên đã hoàn thành mục tiêu phòng ngự một cách quá xuất sắc. Có quá ít sơ sẩy nơi hàng hậu vệ đôi bên và tất nhiên đất diễn cho Messi, Robben trở nên chật hẹp hơn bao giờ hết. Suốt hiệp một, cái tên Robben mất hút bên cánh trái của đội bóng áo cam. "Đôi chân pha lê" không hề có bất kỳ một pha đi bóng lắt léo nào. Messi chẳng khá hơn là bao khi mỗi lần anh có bóng thì ngay lập tức ít nhất 2 cầu thủ Hà Lan áp sát truy cản, thậm chí không quên phạm lỗi cần thiết. Trong thế trận như thế, Messi đã để lại dấu ấn với pha đá phạt xuyên hàng rào nhưng thủ thành Cillessen đã xuất sắc bắt gọn.

45 phút của hiệp hai, rồi 30 phút của hiệp phụ cũng trôi qua trong thế trận đầy toan tính ấy. Cả Argentina và Hà Lan không ai chịu mạo hiểm đẩy cao đội hình mà chủ yếu lo giữ chặt cầu môn, đồng thời rình rập sơ hở của đối phương để ra đòn. Những toan tính ấy khiến những pha phối hợp tấn công của hai đội trở nên rời rạc, nhạt nhẽo và vô hồn.

Cuộc thư hùng Argentina - Hà Lan tạo cho người xem cảm giác nhàm chán, ngoại trừ khoảng thời gian hai đội thi đá 11m. Tuy nhiên, đó là sự nhàm chán nằm trong toan tính cần thiết của Sabella và Van Gaal. Chúng ta không thể đòi hỏi một một lối đá tấn công rực lửa, đầy tính cống hiến ở họ trong một trận bán kết quá căng thẳng như thế. Bởi nếu Hà Lan hay Argentina ham tấn công thì họ rất dễ sập bẫy đối phương.

Messi luôn bị nhiều cầu thủ Hà Lan vây ráp.

Nói tóm lại, sự toan tính là cần thiết để Hà Lan và Argentina tạo ra một thế trận cân bằng. Chung cuộc, bản lĩnh đã giúp người Argentina giành tấm vé vào chung kết (thắng 4-2 trên chấm penalty). Đó là thành quả xứng đáng cho Messi và đồng đội.

Xem lối chơi phòng ngự đầy toan tính của Hà Lan và Argentina, hẳn nhiên nhiều người cảm thấy tiếc cho Brazil. Đã có những câu hỏi đặt ra rằng tại sao HLV Scolari đã để Brazil nhập cuộc với thế trận tấn công ào ạt trước người Đức thay vì một lối chơi phòng ngự phản công chắc chắn. Ai cũng có thể nhận ra Brazil thiếu vắng Neymar và Thiago Silva trở nên quá yếu trước người Đức. Thế nên, cái cách mà đội chủ nhà lao lên tấn công "Xe tăng" Đức chẳng khác gì những con thiêu thân. Giá như HLV Scolari toan tính đúng thì Brazil đã không thua nhanh, thua nhiều và thua thảm đến thế.

Nhìn lại tất cả những trận đấu tại World Cup đến thời điểm này có thể thấy, những đội bóng tiến sâu đều chơi thứ bóng đá đầy toan tính, đó là phòng ngự phản công. Những đội bóng chơi tấn công vô tư, mang tính cống hiến đều rơi rụng. Ngay cả Đức hay Argentina - hai đội bóng vào đến chung kết cũng không chơi thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, giàu cống hiến.

Khánh Hòa