Bóng ma khủng bố ở Philippines
Dù chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm, các vụ tấn công mới nhất này càng cho thấy nguy cơ khủng bố đáng sợ từ các phiến quân Hồi giáo vốn có mối liên hệ với các phần tử IS ở Philippines.
Các binh sĩ Philippines đưa người bị thương ra khỏi hiện trường vụ nổ. Ảnh: AFP |
Hòn đảo Jolo thuộc tỉnh Sulu ở phía nam Philippines ngày 24-8 đã chấn động bởi hai vụ nổ bom liên tiếp, vốn bị nghi ngờ là do các tay súng Hồi giáo có liên hệ với IS gây ra.
Gần 100 người thương vong
Ít nhất 14 người thiệt mạng và gần 80 người bị thương - bao gồm cả binh sĩ, cảnh sát và dân thường trong vụ tấn công cực đoan tồi tệ nhất ở Philippines trong năm nay, AP dẫn lời các quan chức quân sự cho biết.
Hai vụ nổ xảy ra liên tiếp vào ngày 24-8 tại một khu trung tâm thương mại và nhà thờ tại thị trấn Jolo, thuộc tỉnh Sulu có đa số người Hồi giáo, nơi lực lượng an ninh được chính phủ hậu thuẫn từ lâu đã chiến đấu chống lại nhóm Abu Sayyaf. Trung tướng Corleto Vinluan cho biết, 7 binh sĩ và 4 dân thường đã thiệt mạng trong vụ nổ đầu tiên khi một thiết bị nổ được gắn vào một xe máy đậu bên ngoài siêu thị phát nổ. Theo Bộ chỉ huy quân sự miền Tây Mindanao, vụ nổ đầu tiên xảy ra trước trung tâm thương mại Paradise ở trung tâm thị trấn Jolo. Vụ nổ xảy ra khi các binh sĩ đang hỗ trợ chính quyền địa phương viện trợ nhân đạo chống Covid-19. Ít nhất 75 binh sĩ, cảnh sát và dân thường bị thương. Vụ nổ cũng làm hư hỏng hai xe quân sự. Các hình ảnh do hãng tin AP đăng tải cho thấy những binh sĩ chở một người đàn ông từ hiện trường vụ nổ đến gần một xe tải quân đội trong khi một nạn nhân khác bị thương nằm bên đường. Các mảnh vỡ của một xe máy và một phần còn lại được nhìn thấy trên đường.
Ngay sau đó, vụ nổ thứ hai đã xảy ra gần Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmel, khiến 3 người thiệt mạng (trong đó có kẻ đánh bom, một cảnh sát và một binh sĩ) và 2 người bị thương. Vụ nổ xảy ra khi một người phụ nữ đã kích nổ bom trên người khi cảnh sát bao vây khu vực. Ngoài ra, một quả bom thứ ba chưa phát nổ đã được tìm thấy trong một khu chợ. Thị trưởng Jolo, ông Kerkhar Tan, ban hành lệnh phong tỏa toàn thị trấn. Cảnh sát Philippines ở Tây Nam Mindanao, cũng như ở các khu vực Sulu, Tawi-tawi, Basilan và Zamboanga, đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã ban bố “báo động đỏ” đối với Sulu và một số khu vực khác ở miền nam vì cần sự hỗ trợ quân đội và cảnh sát để ứng phó với vụ việc.
Người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque, đã lên án “các cuộc tấn công thảm khốc” và gửi lời chia buồn tới gia đình và những người thân yêu của những người thiệt mạng. “Chúng tôi kêu gọi cư dân Jolo đề cao cảnh giác và trình báo những kẻ đáng ngờ và những vật dụng không có người trông coi trong khu vực của họ”, ông Harry Roque tuyên bố.
Mối lo mang tên Abu Sayyaf
Vụ tấn công xảy ra tại cộng đồng Sulu, với đa số người Hồi giáo trên đảo Jolo. Đây là một thành trì lâu năm của các phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf - nhóm chiến binh thề trung thành với tổ chức khủng bố IS. Lực lượng an ninh của Philippines từ lâu đã chiến đấu chống lại nhóm chiến binh này ở Sulu.
Hiện, chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, mọi nghi ngờ đổ dồn vào nhóm Abu Sayyaf. Bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, Abu Sayyaf là một mạng lưới lỏng lẻo gồm các phiến quân Hồi giáo luôn bị cáo buộc đứng sau các vụ khủng bố tồi tệ nhất của Philippines cũng như các vụ bắt cóc du khách nước ngoài và các nhà truyền giáo Cơ đốc. Nhóm này cũng có mối quan hệ với các phiến quân IS đang tìm cách thiết lập một “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” ở Đông Nam Á. Các vụ tấn công mới nhất lần này xảy ra sau vụ bắt giữ một thủ lĩnh Abu Sayyaf hồi đầu tháng trên hòn đảo Mindanao phía nam. Tên Abduljihad Susukan này bị cáo buộc bắt cóc và chặt đầu một số người nước ngoài gây chấn động thế giới. Cảnh sát cho biết, y đã bị buộc tội 23 vụ giết người, 5 vụ bắt cóc và 6 vụ cố ý giết người. Vì vậy, sau vụ bắt giữ, lực lượng an ninh Philippines đã cảnh giác về khả năng bùng nổ các cuộc tấn công trả đũa.
Cả quân đội Philippines và cảnh sát đều yêu cầu người dân cảnh giác với các mối đe dọa khủng bố và báo cáo các đặc điểm bất thường hoặc khả nghi cho chính quyền. Nhưng các nhóm liên kết với IS tiếp tục điều chỉnh chiến thuật để tránh bị phát hiện và vẫn tuyển mộ thành viên mới, gây ra nỗi ám ảnh khủng bố ở Philippines.
KHẢ ANH