Botswana - câu chuyện về sự thành công

Thứ tư, 07/09/2016 09:26

(Cadn.com.vn) - Vào thời điểm giành độc lập vào tháng 9-1966, Botswana là đất nước "rộng lớn, chỉ có đất hoang và rừng hoang". Hạn hán và mất mùa đã tàn phá đất nước và khiến dân chúng đói kém. Rất ít người hy vọng Botswana sẽ ổn định kinh tế và phát triển.  Vào thời điểm đó, là đất nước có diện tích tương đương Pháp, nhưng Botswana chỉ có 12 km đường trải nhựa, vài bệnh viện và hầu hết người dân sống phụ thuộc vào chăn nuôi gia súc và canh tác tự cung tự cấp. 5 thập kỷ trôi qua, Botswana hiện được ca ngợi là một câu chuyện thành công của Châu Phi.

Ông Seretse Khama, Tổng thống đầu tiên của Botswana. Ảnh: BBC

Thiên nhiên ưu đãi

Khi đến thủ đô Gaborone của Botswana, du khách ấn tượng bởi đường phố sạch sẽ và trật tự, giao thông thuận tiện. Các tòa nhà hiện đại có cấu trúc hợp lý. Không giống như sự hỗn loạn của thủ đô nhiều nước Châu Phi thời kỳ hậu thuộc địa, Gaborone là một thành phố hiện đại.

Ông Greg Mills thuộc tổ chức kinh tế Brenthurst Foundation ở Johannesburg (Nam Phi) cho biết Botswana thay đổi nhờ "tầm nhìn dài hạn, nền chính trị ổn định và một chính phủ vững chắc". Nhưng có lẽ quan trọng nhất là may mắn. Botswana được thiên nhiên ban tặng nhiều mỏ kim cương lớn và nhiều khu vực hoang sơ rộng lớn, nơi có nhiều voi nhất thế giới. Cả hai giúp thu nhập đầu người của nước này tăng hơn 100 lần trong 50 năm qua. Mỏ kim cương khổng lồ De Beers được đưa vào khai thác năm 1969 giúp Botswana trở thành nước sản xuất kim cương lớn nhất thế giới vào năm 1980. Khả năng quản lý của các nhà lãnh đạo của Botswana giúp đất nước tránh được những "lời nguyền tài nguyên", nơi tài nguyên khoáng sản bị lãng phí như ở Nigeria và nhiều nước Châu Phi khác.

Theo ông Kebapetse Lotshwao, giảng viên chính trị tại Trường Đại học Botswana, đất nước đặc biệt thành công trong 4 thập kỷ đầu tiên sau khi giành độc lập. "Đất nước may mắn khi có các nhà lãnh đạo như Seretse Khama và Ketumile Masire (hai vị tổng thống đầu tiên của Botswana)", ông nói. Hai nhà lãnh đạo đã sử dụng viện trợ quốc tế và tăng doanh thu từ khai thác kim cương để đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế và giáo dục.

Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Botswana vẫn còn cao ở mức gần 20% và không nhiều tiến bộ được thực hiện nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, vốn chỉ trông chờ vào kim cương và du lịch. Ngoài ra, dịch AIDS cũng đang gây thiệt hại nặng nề trong khi hạn hán gần đây ở Nam Phi ảnh hưởng xấu đến nông dân Botswana.

Vẫn lo bất ổn chính trị

Đảng Dân chủ Botswana (BDP), cầm quyền từ khi đất nước giành độc lập, đang mất dần quyền lực. Bất mãn chính trị ngày càng tăng và các nhà phê bình cho rằng, chính phủ ngày càng trở nên độc đoán hơn. Ông Lotshwao cho rằng, chính phủ đã "thất bại trong việc phân bố đều những thành quả của sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Cần thiết phải thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến bất ổn chính trị", ông lập luận.

Đối với nền kinh tế, ông Mills cho rằng Botswana "phải đa dạng hóa". "Đất nước cần cạnh tranh với các nước Nam Phi trong các lĩnh vực sân bay, hàng không, viễn thông, ngân hàng…", ông cho biết.

An Bình (Theo BBC)