Brexit vẫn mịt mù

Thứ ba, 08/12/2020 10:35

Các nhà đàm phán của Anh và Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục những    cuộc đàm phán cuối cùng của họ kéo dài trong 2 ngày 6 và 7-12 (giờ địa phương) để đảm bảo một thỏa thuận thương mại hậu Brexit (chỉ việc nước Anh rời EU), sau 8 tháng không đạt được kết quả. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sẽ không có tiến triển rõ ràng nào vào ngày quan trọng cho thỏa thuận Brexit cuối cùng. 

Bất đồng trong đàm phán thương mại giữa EU và Anh còn rất lớn.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đã tổ chức một cuộc họp bên thềm hội nghị lần này với các đại sứ của 27 quốc gia thành viên để xem liệu thỏa thuận có còn khả thi với London trước thời hạn ngày 1-1 tới hay không, nhưng không đi đến kết quả nào. Vào buổi tối, Thủ tướng Anh Boris Johnson có cuộc điện đàm thứ hai với người đứng đầu Ủy ban EU,  bà Ursula von der Leyen trong vòng 48 giờ, để quyết định xem có nên thực hiện thỏa thuận có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn việc làm của cả hai bên và làm gián đoạn thương mại xuyên kênh trong nhiều năm tới hay không. 

Thủ tướng Johnson được cho là sẽ vận động các nhà lãnh đạo Châu Âu, dù cuộc điện đàm của ông với bà Ursula von der Leyen vào ngày 6-12 chưa thu hẹp được khác biệt vẫn còn tồn đọng giữa hai bên. Ông Johnson và bà von der Leyen sau đó đưa ra một tuyên bố chung không được chào đón, cho thấy hai bên vẫn có sự chia rẽ lớn về quyền đánh bắt cá, các quy tắc thương mại công bằng và cơ chế thực thi để điều chỉnh bất kỳ thỏa thuận nào. Cuộc họp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo tiếp tục vào tối 7-12 (giờ địa phương). Sau đó 27 quốc gia thành viên EU sẽ tập trung tại Brussels vào ngày 10-12 để tham gia cuộc họp kéo dài 2 ngày. Cuộc họp dự kiến sẽ giải quyết tranh chấp giữa các nước về vấn đề ngân sách chung, nhưng nhiều khả năng sẽ một lần nữa bị lu mờ bởi những lo ngại về Brexit. 

Trong khi Anh đã rời EU vào ngày 31-1 sau gần 4 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên, nước này vẫn nằm trong khối thị trường đơn lẻ miễn thuế và liên minh thuế quan đến hết ngày 31-12 tới. Tức là, Anh vẫn bị ràng buộc trong thị trường chung Châu Âu cho đến khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào cuối năm nay - một thời hạn đã được ấn định và hai bên cho tới thời điểm đó phải cố gắng thống nhất các điều khoản mới cho mối quan hệ trong tương lai. Vì vậy, việc đạt được một thỏa thuận thương mại trong lần đàm phán này sẽ đảm bảo không có thuế quan và hạn ngạch thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu hai bên, mặc dù vẫn sẽ có chi phí kỹ thuật, một phần liên quan đến kiểm tra hải quan và hàng rào phi thuế quan.

Nhưng AP dẫn lời các chuyên gia nhận định, cơ hội là rất mong manh khi Anh và EU dường như vẫn mắc kẹt về các vấn đề tương tự đã kéo dài nhiều tháng. Một trong số đó là quyền tiếp cận các vùng biển của Anh đối với các đội tàu đánh cá của EU - một chủ đề đã đưa ra vào tuần trước, với việc London cáo buộc EU đưa ra các yêu cầu thêm "vào phút chót". Vấn đề nghề cá thật sự đóng vai trò quá lớn. EU đã yêu cầu tiếp cận rộng rãi các ngư trường của Anh mà trước đây đã mở cửa cho các tàu đánh cá nước ngoài. Nhưng ở Anh, việc giành quyền kiểm soát ngư trường là vấn đề chính của những người muốn Brexit, và không dễ để London nhượng bộ. Thêm nữa là cần có những biện pháp gì để đảm bảo một "sân chơi bình đẳng" cho các doanh nghiệp hai bên. Nếu không đạt được thỏa thuận, việc kiểm tra biên giới và thuế sẽ được áp dụng đối với hàng hóa đi lại giữa Anh và EU vào cuối năm nay.

Nếu không có một thỏa thuận, phần lớn hoạt động thương mại xuyên biên giới giữa Anh và EU sẽ lại chịu thuế quan và hạn ngạch theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kết thúc gần 5 thập kỷ hội nhập kinh tế và chính trị chặt chẽ. Theo dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh, Brexit không thỏa thuận sẽ làm sản lượng kinh tế của nước trong năm 2021 giảm thêm 2% trong khi làm gia tăng lạm phát, thất nghiệp và vay nợ công. Tác động đối với Châu Âu sẽ khác nhau, nhưng các nước có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Ireland, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Luxembourg, Malta và Ba Lan. 

Bản thân Đức  - nền kinh tế số 1 Châu Âu - muốn có một thỏa thuận một phần vì ngành công nghiệp ô-tô khổng lồ của nước này luôn tìm thấy thị trường xuất khẩu chào đón ở Anh. Trong khi đó, Pháp đã đi đầu trong việc yêu cầu các Cty của Anh phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của EU và các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội nếu họ vẫn muốn xuất khẩu sang thị trường béo bở 450 triệu dân. 

KHẢ ANH