BRICS họp Hội nghị Thượng đỉnh: Triển vọng mới, thách thức mới

Thứ năm, 29/03/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Cộng đồng quốc tế đòi hỏi các nước trong khối BRICS gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đóng góp vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Hôm nay (29-3), lãnh đạo các nước BRICS gồm Tổng thống Nga Dimitry Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma sẽ nhóm họp  tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ dưới sự chủ trì của Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh.

Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận sâu về quản lý kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững và hợp tác giữa 5 quốc gia thành viên BRICS với chủ đề “Đối tác vì an ninh, ổn định và thịnh vượng”. Ngoài ra, các vấn đề lớn như cuộc khủng hoảng Syria, hạt nhân Iran và CHDCND Triều Tiên cũng nằm trên bàn nghị sự. Việc thành lập một ngân hàng phát triển chung, do các bộ trưởng tài chính của nhóm đề xuất tại cuộc họp thượng đỉnh G20 hồi tháng 2, cũng sẽ được các nhà lãnh đạo quan tâm.

 Các nhà lãnh đạo BRICS nhóm họp năm 2011 tại Tam Á, Trung Quốc. Ảnh: THX

Hội nghị Thượng đỉnh lần này cũng là lần đầu tiên Nam Phi  tham gia với tư cách là một thành viên đầy đủ, sau khi chính thức gia nhập BRICS tại Hội nghị Thượng đỉnh Tam Á năm 2011 ở Trung Quốc. Có thể thấy rằng, thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Tam Á chủ yếu được tính trên 3 mặt trận: Nam Phi gia nhập nhóm này sau thời gian vận động khó khăn của Trung Quốc; sự đoàn kết hỗ trợ cho các mục tiêu gia nhập WTO của Nga và đưa ra Tuyên bố đầu tiên của BRICS: Tuyên bố Tam Á, trong đó nhấn mạnh rằng cần tránh sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tình trạng bất ổn trong khu vực và kêu gọi cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.

ẤN ĐỘ SIẾT CHẶT AN NINH
An ninh được thắt chặt. Hệ thống bảo vệ an ninh nhiều tầng đã được bố trí dọc các tuyến đường gần trung tâm hội nghị và nơi ở của các quan chức BRICS.
Khoảng 5.000 cảnh sát được triển khai khắp các khách sạn và nơi diễn ra hội nghị trong khi 2.000 cảnh sát chịu trách nhiệm điều hành giao thông và hoạt động di chuyển của các nhân vật cấp cao.

Hội nghị New Delhi lần này chắc chắn sẽ chứng kiến một bước tiến mới cho các nước BRICS trong lần gặp nhau lần thứ tư liên tiếp. Điều đó không chỉ cho thấy rằng, thế giới đã “đủ” trở nên đa cực, mà còn chỉ rõ ra rằng, các nền kinh tế mới nổi này đang dần dần giữ một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế và chính trị toàn cầu, góp tiếng nói quan trọng về các vấn đề chung đa phương. Tại New Delhi lần này, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tiếp tục bàn luận về một số vấn đề và chỉ thị từ Tuyên bố Tam Á. Nhưng thành công thực sự của hội nghị sẽ phụ thuộc vào cách thức và mức độ đạt được những mục tiêu đã đề ra và hiện thực hóa chúng.

Nhưng nỗ lực này đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu sự đồng thuận trong nội bộ BRICS. Những thách thức thực sự cho Hội nghị New Delhi còn bao gồm những vấn đề có liên quan không chỉ với tương lai của BRICS, mà chính là hành vi và cách tiếp cận của các thành viên đối với nhau. Đó là quyết định “tuyển” thành viên mới; thành lập một Ngân hàng Phát triển BRICS; thiết lập một trụ sở chính thường trực cho BRICS và tạo sự đồng thuận về cải cách HĐBA LHQ, đặc biệt là về vấn đề các thành viên thường trực HĐBA cũng như cách giải quyết một số vấn đề chính trị toàn cầu khác.

Kể từ khi ra đời năm 2008, bất kỳ hội nghị nào của BRICS cũng luôn thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Điều này cũng rất dễ hiểu. Bởi đây là hiệp hội duy nhất trên thế giới chiếm đến gần 50% dân số toàn cầu, nhưng cũng đại diện cho các châu lục khác nhau. Nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc của các nước đã đóng góp rất lớn cho kinh tế thế giới, chiếm 20% GDP toàn cầu.

Trong thời gian qua, theo quan điểm của phương Tây, BRICS là một “câu chuyện độc đáo” khi các nước này luôn yêu cầu minh bạch hơn trong các cơ quan tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và WTO, nơi Mỹ và Châu Âu vốn chiếm thế “độc tôn”. Vì vậy, danh sách đề cử cho vị trí Chủ tịch WB mà BRICS “đòi trao quyền” đã có phần khác đi và không có người Châu Âu nào. Đó là: giáo sư người Mỹ gốc Hàn Quốc Jim Young Kim; Jose Antonio Ocampo - một nhà kinh tế Colombia và Ngozi Okonjo-Iweala - Bộ trưởng Tài chính Nigeria.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 1945, các ứng viên từ các nước khác sẽ cạnh tranh với một công dân Mỹ cho vị trí này. Nhưng rồi bất kỳ ai giành chiến thắng, thì điều đó chỉ chứng minh một điều, các nước mới nổi trong BRICS đã tiến một bước hướng tới việc phá vỡ hệ thống lâu đời thống trị toàn cầu tài chính của Mỹ và Châu Âu. Đó sẽ là bước ngoặt quyết định đưa thế giới đến một cơ cấu quyền lực hợp lý hơn.

Trúc Linh