Bức tranh sáng về đời sống văn hóa nông thôn mới
(Cadn.com.vn) - Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vừa có Tờ trình đề nghị TP xét công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” cho 2 địa phương Hòa Phước, Hòa Phong. Đây là 2 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014. Từ các tiêu chí cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn… đến các thiết chế văn hóa trong cộng đồng đều đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.
Phụ nữ làng Quá Giáng (xã Hòa Phước) tham gia các trò chơi trong sinh hoạt cộng đồng. |
Hòa Phước là địa phương có nền kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp như bao làng xã khác nên cũng mang đậm những nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp, nông thôn. Xã có 2.885 hộ (gần 13 ngàn nhân khẩu) phân bổ không đều, có thôn đông dân cư như Miếu Bông hơn 600 hộ, Cồn Mong gần 400 hộ; ngược lại các thôn Trà Kiểm, Tân Hạnh chỉ có 150-170 hộ/thôn. Tuy nhiên, việc phát động phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, VH-XH nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân, trong mỗi mái ấm gia đình, củng cố mối đoàn kết cộng đồng dân cư lại gặp nhiều thuận lợi. Qua đó, Hòa Phước đã sớm hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện các quy ước về nếp sống văn hóa, xây dựng quy ước thôn văn hóa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các quy ước xây dựng thôn văn hóa, con người văn hóa không ngoài việc tạo ra lối sống văn minh, lịch sự, đề cao tình làng nghĩa xóm, đùm bọc giúp đỡ nhau, chung tay xây dựng khu dân cư xanh-sạch-đẹp. Và trong quá trình xây dựng xã văn hóa, Hòa Phước còn được tiếp sức bởi chủ trương xây dựng NTM, đó là mục tiêu cốt lõi đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế với văn hóa và bảo vệ môi trường.
Đến nay, Hòa Phước có tỷ lệ hộ gia đình văn hóa và làm giàu từ sản xuất nông nghiệp đạt trên 90% trong tổng số hộ với mức thu nhập bình quân đầu người từ 25-26 triệu đồng/năm. Có 80% thôn đạt chuẩn văn hóa cấp huyện. Tỷ lệ người dân thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang lễ và lễ hội đạt 86%. 100% tộc họ có quy ước giáo dục con cháu, đăng ký “Tộc họ văn hóa”… Ngoài việc bảo tồn các lễ hội đình làng Quá Giáng, “Tắt bếp” làng Trà Kiểm, để đời sống văn hóa có điều kiện phát triển với những sinh hoạt lành mạnh đáp ứng đời sống tinh thần người dân, xã có sân vận động trung tâm, 10 thôn đều có sân bóng đá, bóng chuyền cùng với nhà văn hóa được đầu tư các thiết chế đảm bảo theo tiêu chí NTM…
Thực hiện phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nhiều năm qua, Hòa Phong tích cực kiện toàn tổ chức, bám sát nhiệm vụ được phân công và gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế và các lợi ích thiết thực của người dân. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; chính quyền và các đoàn thể trong xã luôn hoạt động tích cực, có chiều sâu và hiệu quả. Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân được các cấp, các ngành tuyên dương, nhân rộng điển hình.
Các tiêu chuẩn như giúp nhau phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn… của xã đều đạt kết quả tốt. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hạ tầng kinh tế, văn hóa của xã ngày càng phát triển. Toàn xã không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,72%. 100% hộ được sử dụng điện và nước sạch, tất cả các tuyến đường liên thôn, nội đồng đã được bê-tông hóa. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa được củng cố, duy trì, bổ sung và phát triển với chất lượng ngày càng cao. Năm 2014, toàn xã có 100% thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, 90,8% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó, 81,6% hộ đạt “Gia đình văn hóa” 3 năm liền…
Theo chị Nguyễn Thị Vân-Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, bài học kinh nghiệm đầu tiên cần khẳng định đó là sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của mỗi người dân đã tạo động lực tinh thần và vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân, mỗi người dân phải hiểu được việc thực hiện phong trào theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân góp vốn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và hưởng thụ. Những thành quả đó đã tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.
Cùng với hệ thống hạ tầng nông thôn khang trang, kinh tế hộ gia đình ngày càng cải thiện từ những mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị sẽ là cơ sở phác họa bức tranh đời sống văn hóa nông thôn Hòa Phước, Hòa Phong hôm nay và các xã còn lại trong những năm tiếp theo.
An Dương