Bùng nổ thương mại điện tử: Bối rối quản lý
(Cadn.com.vn) - Với khoảng 12 ngàn web đang quản lý, trong 2 năm qua doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 4 tỷ USD. Việc bùng nổ TMĐT đang khiến ngành chức năng các địa phương bối rối trong việc quản lý, bởi đây là phương thức kinh doanh khá đặc thù.
Buộc phải online
12 ngàn web chỉ là con số Bộ Công Thương đang quản lý được, trong thực tế, số lượng web hoạt động thương mại lớn hơn rất nhiều. Có thể nói, chưa bao giờ, việc kinh doanh trên mạng Internet lại nở rộ như bây giờ. Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Kỳ Minh - PGĐ Trung tâm phát triển TMĐT – Bộ Công Thương nói, nếu kinh doanh truyền thống cần một hệ thống thủ tục, giấy phép nhì nhằng thì TMĐT lại rất đơn giản. Hoạt động TMĐT có thể diễn ra trên các web bán hàng hoặc web cung cấp dịch vụ như sàn giao dịch TMĐT, web khuyến mãi trực tuyến, web đấu giá trực tuyến.
Đặc biệt hơn, việc buôn bán qua mạng xã hội đang nở rộ. Chẳng hạn chỉ với một tài khoản facebook miễn phí, ai cũng có thể trao đổi, mua bán hàng hóa trên đó. Cũng theo ông Minh, sở dĩ TMĐT bùng nổ bởi lẽ lượng người dùng Internet ở nước ta khá cao, 36/90 triệu dân, gần bằng 40%. Mặt khác, hơn 75% người dùng Internet ở Việt Nam có độ tuổi từ 18-34, đây là nhóm đã có thu nhập, rất năng động, rất tích cực “săn” hàng trên Internet thông qua điện thoại di động hoặc máy tính.
Trong khi đó, ông Lữ Bằng- PGĐ Sở Công Thương Đà Nẵng cho rằng, sự bùng nổ của TMĐT là xu thế tất yếu, giúp thay thế phương thức kinh doanh cũ. Bởi lẽ TMĐT giúp người kinh doanh không phải đầu tư chi phí nhiều mà vẫn có thể tìm kiếm thị trường, đối tác. Hơn nữa, TMĐT không bó hẹp trong không gian địa lý, ngồi ở Đà Nẵng vẫn có thể giao dịch, mua bán với các đối tác ở nhiều địa phương. Dù mới có 25 web giao dịch TMĐT ở Đà Nẵng, kém xa TPHCM và Hà Nội, song Đà Nẵng lại có tiềm năng rất lớn. Bởi lẽ hạ tầng CNTT của Đà Nẵng được đầu tư bài bản, chỉ số ứng dụng CNTT luôn dẫn đầu cả nước, nguồn nhân lực TMĐT đào tạo từ các trường đại học cũng khá dồi dào.
Một con số đáng lưu tâm được ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, đó là doanh số trong “Ngày mua sắm trực tuyến” của Việt Nam lần đầu được tổ chức, ngày 5-12-2014, với sự tham gia của hơn 1.000 web, thu về 7,5 triệu USD. Ông Minh phân tích, Việt Nam có 120 triệu thuê bao di động, 36 triệu người truy cập Internet, 20% thuê bao 3G. Đây được coi là lợi thế cơ bản để TMĐT bùng nổ. Hãy hình dung, chỉ với cái điện thoại di động người dùng có thể lên mạng nghiên cứu thông tin sản phẩm, nếu DN không có web giới thiệu sản phẩm sẽ tự mất đi lợi thế cạnh tranh. Trong nền kinh tế ngày càng cạnh tranh quyết liệt, DN buộc phải online.
Ông Nguyễn Kỳ Minh nói rằng DN không online sẽ “chết”. |
Khó quản lý
Sự bùng nổ TMĐT đang đặt ra nhiều trở ngại trong quản lý. Theo quy định, khi kinh doanh bằng hình thức này phải đăng ký, thông báo (pháp nhân, địa chỉ, nguồn gốc hàng hóa...) tại Cục TMĐT và CNTT- Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đây là vấn đề các DN vi phạm nhiều nhất. Ông Nguyễn Kỳ Minh nói, khi ngành chức năng kiểm tra, cái khó nhất là chứng minh web này thuộc sở hữu của DN. Họ không thừa nhận web này của mình. Khi ngành chức năng chứng minh thông tin trên web thuộc về DN, họ vẫn chối, bảo do ai đó “chơi xấu” đưa lên để giao dịch chứ DN không có chủ trương. Đấy là chưa nói đến các web không biết của ai, nguồn gốc, địa chỉ thế nào. Việc quản lý các web này đã rất khó, tới khi xảy ra khiếu nại từ khách hàng như sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, thông tin cá nhân bị tiết lộ... càng khó xử lý.
Bên cạnh đó, hiện nay mô hình kinh doanh trên mạng xã hội rất phổ biến, nhưng hành lang pháp lý của mình mới “nắm” tới chủ của web, tức là chủ của các mạng xã hội, còn các cá nhân, tức người tham gia vào mạng xã hội để kinh doanh thì... “bó tay”. Ông Minh dẫn chứng thêm. Một web rất nổi tiếng có tên miền “rệt” tiếng Việt là Chợ tốt.vn, tất cả hoạt động kinh doanh diễn ra ở Việt Nam, nhưng đăng ký cấp phép lại ở Singapore. Nếu chẳng may mua hàng từ web này không đúng chất lượng, người dùng khiếu nại, vậy có xử lý được không? Với hành lang pháp lý hiện có, ở đây là Nghị định 52 của Chính phủ thì sẽ... thua. Nhưng có một thứ có thể bấu víu, chính là chữ “Chợ tốt” bằng tiếng Việt. Cái này là thương hiệu, DN dù ở Singapore cũng không thể bỏ được, nên vẫn có thể khiếu nại, chủ sở hữu web vẫn phải có trách nhiệm giải quyết.
Theo ông Lữ Bằng, hoạt động TMĐT hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập từ thuế, nguồn gốc hàng hóa, hàng nhái, lừa đảo... Trong khi hành lang pháp lý về vấn đề này ở các địa phương còn khá mới mẻ, việc quản lý Nhà nước cũng gặp trở ngại. Tới nay thì Đà Nẵng vẫn chưa có cuộc kiểm tra nào về TMĐT, hiện QLTT mới đang có kế hoạch kiểm tra trong thời gian tới.
Hải Quỳnh