Bước chuyển mình của giáo dục vùng cao Nam Giang

Thứ ba, 18/03/2014 10:07

(Cadn.com.vn) - Nếu như trước đây, niềm vui của các thầy cô giáo vùng cao là việc duy trì được sĩ số lớp, ổn định công tác dạy và học thì nay, với những chính sách phát triển, đổi mới giáo dục các thầy cô đã có thể “khoe” thành tích học tập của học trò mỗi khi nói về chuyện nghề nghiệp. Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng có thể nói rằng vấn đề dạy và học của thầy trò huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) đã có những chuyển biến tích cực.

Đến thăm Trường THPT Nam Giang, tôi thực sự ấn tượng trước sự khang trang của một ngôi trường miền núi. Cách đây hơn 30 năm Trường THPT Nam Giang được thành lập. Từ những ngày đầu còn biết bao khó khăn, lớp học chỉ làm bằng tre nứa thì nay đã thay thế bằng những dãy nhà 2 tầng khang trang kiên cố.

Đây là kết quả sau nhiều năm vận động tuyên truyền nhân dân quan tâm đến công tác xã hội hóa giáo dục, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi ở các thôn bản xa về trường trọ học và tranh thủ sự tạo điều kiện của địa phương, Nhà nước đầu tư phòng học, cơ sở vật chất.

Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc học tập đã đi vào nề nếp, không còn cảnh phải đi từng gia đình vận động như trước đây. Để đáp ứng và tạo điều kiện cho các em ở xa,  nhà trường tổ chức cho các em ở bán trú. Các em vừa có thể nghỉ ngơi vừa tranh thủ ôn bài”. Được học tập trung, các em có điều kiện tham gia vào các hoạt động tập thể. Sau thời gian học chính khóa, một tuần 3 buổi học chiều để các thầy cô hướng dẫn thêm.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho các em nhiều môn thể thao như bóng đá, cờ vua... Mô hình bán trú không chỉ giúp các em học sinh có điều kiện học tập mà còn chia sẻ khó khăn với các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày trước chỉ cần trời mưa là các em đã nghỉ học, nhưng nay có trường mới lớp mới các em đi học đông đủ. Đạt được kết quả 100% HS ra lớp là bước thành công đầu tiên để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường THPT Nam Giang tổ chức thi hùng biện tiếng Anh.

Huyện miền núi Nam Giang có 8 xã nằm ở vùng cao, đường đi khó khăn nên cách đây 3 năm, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi nằm ở xã La Dee (biên giới Việt–Lào, Nam Giang) cũng đã được thành lập. Ngoài ra các điểm trường xã, thị trấn đều được công nhận chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Hầu hết học sinh trong trường đều là người dân tộc thiểu số còn các thầy cô giáo được vận động từ các nơi khác đến.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đã giúp cho các em ở những xã vùng cao đi học gần nhà, có điều kiện học tập tốt hơn. Cũng theo cô Kim Thanh thì sự ra đời của trường THPT Nguyễn Văn Trỗi có ý nghĩa rất lớn, giúp giảm bớt áp lực sĩ số cho Trường THPT Nam Giang (ở vùng thấp) đồng thời các em học sinh xã vùng cao được học tập đầy đủ hơn, không còn tình trạng phải đi bộ xa đến trường.

Hiểu được hoàn cảnh của các cô trò miền biên giới, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã có những phương án nhằm hỗ trợ, quan tâm đến việc dạy và học để thầy cô an tâm công tác. Từ phong trào quyên góp “Hỗ trợ điều kiện 3 đủ cho học sinh và giúp đỡ giáo viên vượt khó”, từ đầu năm học Sở đã có đoàn công tác đến thăm và trao tặng 541 áo sơ-mi trắng cho học sinh và hỗ trợ 8 giường nằm cho giáo viên ở nhà công vụ. Như vậy, với những chuyển biến tích cực về số lượng học sinh đến lớp, phòng ốc khang trang, giờ đây giáo dục vùng cao  Nam Giang đã đạt đủ lượng để có sự chuyển đổi về chất.

Trong những năm qua, số lượng học sinh khá giỏi của trường đều tăng. Cô Thanh chia sẻ: “Có thể số liệu, thành tích của trường còn thấp so với những trường miền xuôi nhưng so với các trường huyện miền núi như Tây Giang, Trà My thì đây là con số rất đáng mừng. Sơ kết học kỳ vừa qua, số lượng học sinh yếu kém đã giảm xuống còn 5,6%, số lượng học sinh giỏi tăng 22% so với các năm trước, đặc biệt là kết quả 100% học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp”. Còn cô Lê Cảnh Phương Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Nam Giang) cho biết, học sinh được ăn ngủ tại trường, không chỉ đảm bảo cho các em ăn no mà còn được ăn ngon.

Phòng ăn của các em Trường THCS Dân tộc nội trú Nam Giang.

Em A Chơn (xã Yuôi) nói: “Em thích học ở đây vì trường rộng hơn ở nhà và có nhiều bạn. 2 tuần một lần em lại về nhà”. Hơn 340 học sinh tại trường được tuyển chọn là các em có học lực giỏi, được học tập và sinh hoạt miễn phí, điều này đã khuyến khích động viên tinh thần học tập của các em rất nhiều. Chất lượng đào tạo tại trường rất tốt, đa số các em đều có học lực khá giỏi và có em còn đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trường cũng đã tăng cường những buổi sinh hoạt, ngoại khóa để các em được học tập và phát triển một cách toàn diện hơn. Với những gì đã đạt được có thể thấy rằng giáo dục vùng cao đang trong bước chuyển mình từ lượng sang chất. Không còn cảnh các em học sinh phải đi bộ hàng giờ đến lớp, đời sống của thầy cô giáo cũng dần được nâng lên. Giáo dục vùng cao Nam Giang thực sự đã khoác lên mình một diện mạo mới.

Hà Dung