Bước tiến nguy hiểm ở Hồng Kông
(Cadn.com.vn) - Khủng hoảng biểu tình ở Hồng Kông bất ngờ có bước phát triển nguy hiểm khi xảy ra đụng độ hôm 19-11.
Cảnh sát Hồng Kông đụng độ với người biểu tình đòi dân chủ toàn diện hôm 19-11, chướng ngại vật mới nổi dự báo bước tiến nguy hiểm trên chính trường đặc khu này.
Theo Reuters, khoảng 100 cảnh sát dùng bình xịt hơi cay và dùi cui chống lại hàng trăm người biểu tình, một số đội mũ bảo hiểm và vẫy ô dù - biểu tượng phong trào của họ - trong cuộc đối đầu giận dữ nổ ra sáng 19-11. 4 đối tượng bị bắt giữ trong khi 3 cảnh sát bị thương. Reuters dẫn thông báo nói rõ: “Cảnh sát bắt giữ 4 người đàn ông, độ tuổi từ 18-24, vì cố tình phá hoại tài sản và tấn công sĩ quan cảnh sát”.
Đụng độ xảy ra sau khi một nhóm nhỏ tìm cách xông vào Trụ sở cơ quan lập pháp (LegCo), sử dụng các rào chắn kim loại để đập phá bờ tường, cửa kính tòa nhà. “Đập phá sau đó hãy vào bên trong”, một người biểu tình nói trong đoạn phim được phát sóng trên kênh TVB. Cảnh sát Hồng Kông kịch liệt lên án hành động quá khích này vì đã đe dọa trật tự công cộng. Đụng độ khiến phiên họp thường kỳ của cơ quan lập pháp bị hủy bỏ. Trong khi đó, các tour du lịch đến khu vực này cũng phải hoãn lại.
Đụng độ biểu tình xảy ra vào rạng sáng 19-11 tại quận Admiralty. Ảnh: Reuters |
Những người biểu tình cắm trại trên 3 trục phố chính Hồng Kông trong 7 tuần qua, yêu cầu được quyền bầu cử dân chủ Trưởng đặc khu. Tuy nhiên, phong trào “Chiếm trung tâm” bất hợp pháp của họ lụi tàn dần khi không nhận được sự ủng hộ của người dân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh vốn rất long lanh của Hồng Kông. Nhưng đụng độ bất ngờ xảy ra, chỉ vài giờ sau khi giới chức tòa án tìm cách giải tán một phần trại biểu tình tại trung tâm thành phố, trong khi phần lớn khu vực biểu tình chính này không bị ảnh hưởng.
Đây là lần đầu tiên người biểu tình xông vào một tòa nhà công quyền trọng yếu, bất chấp sự mong đợi của nhiều nhà phân tích chính trị, vốn dự đoán rằng, phong trào “Chiếm trung tâm” đang cho thấy dấu hiệu lắng dịu. Diễn biến này càng làm gia tăng lo ngại khi đối đầu xảy ra ngay sau khi lãnh đạo phong trào biểu tình từng cam kết không bạo lực. Trên thực tế, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông phần lớn là hòa bình dù đôi khi bị ngắt quãng bằng các cuộc đụng độ.
Nghị sĩ Fernando Cheung, một trong số những người nỗ lực ngăn chặn biểu tình, nói với Reuters rằng, đó là “sự cố bộc phát”. Còn theo lãnh đạo sinh viên Lester Shum: “Chúng tôi kêu gọi những người chiếm đóng bám trụ vững chắc theo các nguyên tắc hòa bình và phi bạo lực và là thành viên có trách nhiệm”. Còn người biểu tình David Cheng cho rằng, những người cố gắng xông vào LegCo không đại diện cho phong trào biểu tình. “Có thể có bạo lực hoặc thương vong. Đó không phải là cái gì đó chúng tôi đang đấu tranh”, ông nói.
Tuy nhiên, một số người biểu tình nói rằng, họ phá vỡ nguyên tắc vì tức giận việc dỡ bỏ trại biểu tình tại quận trung tâm Admiralty. Số khác bày tỏ sự thất vọng về sự thụt lùi của phong trào. “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên chiếm trụ sở chính phủ và LegCo”, một người biểu tình 23 tuổi nói với AFP ở Mongkok. “Chúng ta đã ngủ ở đây trong 50 ngày trước khi thực sự làm điều đó”, ông này nói thêm đề cập đến 1 tháng dài ngồi chờ một thỏa thuận với chính quyền”. Trong khi đó, người biểu tình Saki Tin, 18 tuổi nói rằng, “Không có gì đạt được tại Admiralty. Ngồi ở đây không phải là một giải pháp”.
Nhiều người biểu tình lo sợ, vụ việc này sẽ là cái cớ để các nhà lập pháp thúc đẩy thông qua đề xuất xây dựng hàng rào kim loại cao 3m bên ngoài LegCo.
Khả Anh