Buồn trông một chuyến đò ngang
(Cadn.com.vn) - Huế xưa có rất nhiều bến đò ngang. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, vào cuối thế kỷ 19, riêng đoạn trung lưu của sông Hương từ làng Long Hồ kéo dài đến cuối thôn Vĩ Dạ có khoảng 10 bến đò ngang, nhiều bến đò đã in sâu vào đời sống lao động, sinh hoạt và thơ ca của người dân xứ Huế. Ngày nay “thương hải tang điền”, những bến đò xưa đã biến mất, chỉ còn lại mỗi bến đò Đông Ba và bến đò Cồn gần như bị quên lãng giữa thành phố hiện đại.
Vào cuối thế kỷ 19, khi thành phố Huế chưa có cầu, người dân 2 bên bờ sông chỉ có thể đi lại, buôn bán với nhau nhờ những chuyến đò ngang. Có thể điểm qua một số bến đò nổi tiếng, đã đi sâu vào đời sống sinh hoạt và thơ ca của người dân xứ Huế như bến Kim Long, bến Thừa Phủ, bến Đập Đá, bến Chợ Dinh.
Kim Long dãy dọc tòa ngang
Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình.
Hay:
Bến chợ Đông Ba tiếng gà eo óc
Bến đò Thọ Lộc tiếng trống sang canh.
Theo nhiều người dân Huế, ngày xưa ở 2 bên bờ sông Hương có những sự khác biệt về đời sống sinh hoạt rất rõ ràng, phía tả ngạn sông Hương thuộc về khu thương mại. Đa số tập trung các tiệm buôn, rạp hát và chợ Đông Ba. Còn bên hữu ngạn gồm các cơ sở giáo dục, trường học và cơ quan chính phủ, bệnh viện. Con đường chính bên hữu ngạn là đường Lê Lợi, chạy dọc từ ga xe lửa (Ga Huế) qua cầu Ga, qua Phủ Thủ Hiến, Tòa Tỉnh Trưởng, Viện Đại học rồi đến hai truờng nổi tiếng của xứ thần kinh: Trường Quốc Học và Trường Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng). Tiếp đến là khu thương mại của thời Tây để lại gọi là khu Morin nằm đối diện với Đài Phát thanh Huế, một địa danh lịch sử khó quên trong lòng những người dân Huế sống trong thập niên 60.
Một bến đò ngang ở chợ Đông Ba. |
Bến sông Đập Đá chợ Đông Ba là một cảnh trên bến dưới thuyền, đò dọc đò ngang chạy trên sông như thoi đưa. Suốt một khúc sông chảy dọc theo chợ đều là bến đò. Đứng trên lầu chợ Đông Ba chỉ thấy đò và nón lá nhấp nhô như sóng. Khách thương hồ, khách tài tử phong lưu cũng theo những chuyến đò mà đổ về Đập Đá để làm ăn và ăn chơi. Năm tháng qua đi, những bến đò xưa được thay thế dần bởi những cây cầu. Bến Trường Tiền có cầu Trường Tiền, bến Chợ Dinh đã có cầu chợ Dinh, Bến Thừa Phủ nức tiếng một thời cũng có cầu Phú Xuân thay thế.
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm ai nhớ, ai trông,...
Trước bến Văn Lâu, câu thơ của Ưng Bình vẫn còn đó, nhưng bến cũ, con đò chẳng còn đâu để khách đứng trông mỗi chiều.
Ngày nay, thành phố Huế chỉ còn lại mỗi bến đò Đông Ba và bến đò Cồn. Nhiều người dân Huế cũng không biết rằng giữa thành phố Huế hiện đại vẫn còn tồn tại những chuyến đò ngang. Thời nay cầu đường thuận lợi, xe cộ dễ mua, những chuyến đò sang sông ngày càng thưa thớt. Ông Hoàng Văn Cư (60 tuổi) nhà ở Kim Long, chủ một con đò ngang ở bến Đông Ba nói: “Chú chạy đò ở bến này đã được 7 năm, hồi đầu mới chạy kiếm ăn rất khá, mỗi ngày cũng được hai ba trăm ngàn đồng, so với thời giá hồi đó thì như vậy là cao. 2 năm trở lại đây, khách đi đò ngày càng ít, mỗi bữa khá lắm chỉ được 50 nghìn đồng”. Ở bến đò Đông Ba này, khách đi đò chủ yếu là các cô, các chị gánh hàng đi buôn, vì gánh hàng nặng nên ngại đường xa, mỗi sáng sớm khách ra đứng trông đò từ bến Đập Đá, đò chạy một chuyến qua chợ Đông Ba chỉ mất có 5 ngàn đồng, mua một vé khứ hồi cả đi lẫn về chỉ mất có 10 ngàn đồng, quá rẻ. Đò ngang từ Cồn Hến sang bến chợ Đông Ba còn rẻ hơn, chỉ 3 ngàn đồng mỗi người một chuyến, vì đường đi ngắn hơn một nửa. Các chủ đò lúc nào cũng than vãn đời sống khó khăn, mỗi lần tôi đi chợ Đông Ba cũng muốn đi đò chơi, nhưng nhiều khi xuống bến, thấy đò đậu đó mà không có người. Hỏi ra mới biết chủ đò đã đi cào hến rồi. “Ngày xưa thuế đò mỗi tháng 500 ngàn đồng, anh em tui cũng dư sức trả, ngày nay mỗi tháng 300 ngàn đồng mà chạy đò đôi khi lỗ tiền thuế”–một chủ đò tên Hoàng Văn Được nói. Những chuyến đò ngang ở Huế ngày càng thưa thớt, bởi ngày nay đường sá hiện đại, người ta đi buôn thì sắm một chiếc xe máy chở hàng cho tiện chứ chẳng mấy ai rỗi sức gánh hàng đến bến chờ đò, ngoại trừ các o, các mệ già cả không biết chạy xe. Các con đò ngày nay cũng chẳng còn lãng mạn như trong những câu thơ văn xưa kia, đò nào cũng chạy máy dầu, cũng áo phao, mỗi lần chủ đò khởi động máy là khói phun đen đúa mặt mày, qua sông nghe tiếng máy nổ chạy ầm ầm bên tai, chủ đò chẳng còn tâm trạng đâu nữa mà ngâm nga:
“Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách sau dò ý em”.
Tuy thế, con sông Hương, cầu Trường Tiền xứ Huế trở nên đẹp, mềm mại có một phần là nhờ cái duyên dáng của những chuyến đò ngang, đò dọc trên sông Hương. Nếu ai có dịp về thăm Huế, cũng nên thử đi một chuyến đò ngang, tận hưởng cái không khí trong lành mỗi sáng sớm trên sông Hương, xem người dân đặt vó, bủa lưới, rồi đến bờ Đập Đá mua ít ốc, hến vừa mới lấy từ dưới sông lên. Sống chậm từng phút giây để tận hưởng không khí chậm rãi, yên bình nên thơ của xứ Huế.
Mộng Điệp