Buồn vui mùa cà-phê chín
Chuyện vui, buồn của người nông dân sau mỗi vụ thu hoạch không còn là câu chuyện mang tính thời sự, mà nó luôn diễn ra với điệp khúc “được mùa, rớt giá; được giá, mất mùa”. Thế nhưng, đối với người trồng cà phê ở một số xã H. Krông Bông năm nay lại phải đối mặt với cảnh “vừa mất mùa, vừa mất giá”, khiến đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.
Cà-phê Tây Nguyên năm nay “mất mùa, mất giá”. |
Theo số liệu của Phòng NN&PTNT Krông Bông, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện là 8.430 ha, trong đó cà phê kinh doanh 6.114 ha, nhiều nhất là các xã Cư Drăm, Hòa Thành, Dang Kang, Cư Pui, Hòa Phong… Do năm nay tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài giữa thời điểm nuôi trái, nhiều diện tích tưới không kịp thời, không thể bón đủ phân nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cà phê.
Ông Ngô Công Thanh ở Thôn 1, xã Dang Kang là người có thâm niên trồng cà phê hơn 15 năm cho biết, với 2 ha cà phê TR4, trước đây gia đình ông thu bình quân mỗi năm 4,5 tấn cà phê nhân, tiền lãi tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều phương tiện sản xuất, sinh hoạt giá trị, nhưng năm nay chỉ thu được 3 tấn, giá cả lại thấp, may mắn không bị lỗ, nhưng sẽ gặp khó khăn cho việc tái đầu tư trong niên vụ mới. Ông Nguyễn Đình Quân, ở xã Hòa Tiến (Krông Păk) cho biết, năm 1998 nghỉ hưu, ông đưa vợ con vào xã Hòa Phong tạm trú và trồng 0,5ha cà phê giống TR4 trên phần đất của gia đình, sau hơn 3 năm đầu tư chăm sóc, đến thời kỳ cà phê kinh doanh gia đình ông đã có được nguồn thu tương đối ổn định, ông quyết định định cư lập nghiệp tại Buôn Ngô A (Hòa Phong) và đầu tư mua thêm đất mở rộng diện tích lên 1,5ha, mỗi năm thu được 4 tấn cà phê nhân, trừ chi phí vẫn còn lãi từ 30-40 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay do nắng hạn kéo dài chỉ thu được 12 tấn quả tươi, giảm so với năm trước 30%, với giá bán 6.200 đồng/ kg, giảm hơn so với vụ trước 1.000 đồng/ kg, vậy là sau 1 năm gia đình ông trắng tay…
Chuyện buồn mùa thu hoạch năm nay không chỉ đối với người trồng cà phê, mà ngay cả những chủ lò sấy cũng chẳng mấy vui. Ông Lê Công Mười ở thôn 8, xã Hòa Lễ chuyên thu mua cà phê tươi về sấy cho biết, vụ cà phê năm nay như một hiệu ứng dây chuyền, phần lớn sản lượng của các gia đình đều giảm, chất lượng rất kém, mỗi lò sấy 8 tấn quả, gia đình ông lỗ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nên phải đóng bao chờ giá cả tăng mới xuất giao cho đại lý. Bên cạnh đó, cũng có một số ít nơi nhờ lượng mưa đều, bón phân kịp thời nên năng suất sản lượng tăng đáng kể.
Việc năng suất cà phê niên vụ 2018 giảm, cùng với giá cả thấp hơn so với năm trước không chỉ làm giảm thu nhập của người trồng cà phê, khó khăn cho tái sản xuất mà còn tác động xấu đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Mai Viết Tăng