Buông thả!

Thứ sáu, 21/07/2017 09:00

1. Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7-2017, trên mạng xã hội xuất hiện một số tấm hình chụp cảnh một người mẹ trẻ cùng một em bé đang ngủ ngon lành ở khu vực dưới chân cầu Trần Thị Lý (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) gây “bão” dư luận. Những bình luận tích cực bày tỏ lòng trắc ẩn, thương xót, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương, chính quyền thành phố không quan tâm đến cuộc sống của người nghèo, chưa đúng với những chính sách nhân văn, vì người nghèo mà Đà Nẵng đang tích cực xây dựng. Tuy nhiên, với chúng tôi, những người từng tiếp xúc, làm việc với bà mẹ trẻ trong bức ảnh thì việc chị ngủ gầm cầu, màn trời chiếu đất không có gì là lạ. Bởi, các cơ quan, ban, ngành từng nhiều lần khuyên giải, đưa mẹ con về gia đình nhưng chỉ một thời gian ngắn thì đâu lại vào đó.

Hình ảnh vợ chồng Toàn-Nhi dưới chân cầu Trần Thị Lý được cộng đồng mạng chia sẻ.

Cô gái mà tôi nói ở trên chính là Nguyễn Thị Yến Nhi (1996, trú P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu) và đứa trẻ là con trai của Nhi. Nhi và chồng là Võ Khánh Toàn (1989, trú P. Phước Ninh, Q. Hải Châu) có cha mẹ đều sinh sống tại trung tâm TP Đà Nẵng nhưng cả hai lại không thích sống ở nhà mà đi lang thang, sống bụi bờ với các đối tượng lang thang khác, lấy gầm cầu, khu vực quanh Cung Thể thao Tiên Sơn làm nơi tá túc. Các đối tượng này thường xuyên trộm cắp vặt để lấy tiền sinh sống, mua ma túy đá, “cỏ Mỹ” để sử dụng. Theo hồ sơ lưu của cơ quan CA cho thấy, từ nhỏ Toàn đã hư hỏng, nên năm 2006-2007 bị đưa vào trường giáo dưỡng để học tập rèn luyện. Tuy nhiên, khi trở về địa phương, Toàn lại tiếp tục trộm cắp tài sản nên bị đưa vào trường giáo dưỡng. Thế nhưng Toàn vẫn không tiến bộ khi tháng 7-2010 bị bắt và bị kết án tù giam, đến tháng 4-2012 được trở về địa phương. Tiếp đó, đến tháng 9-2012, Toàn lại vào tù cũng về tội “Trộm cắp tài sản” và tháng 9-2013 thì chấp hành xong án phạt, trở về địa phương. Thời gian này Toàn liên tục trộm cắp xe đạp, máy bơm nước, kìm cộng lực ở công trình xây dựng và cả xe máy… Sau đó, CAP Hòa Cường Bắc phát hiện Toàn, Nhi và một số đối tượng khác có biểu hiện sử dụng ma túy tại khu vực chân cầu Trần Thị Lý nên đưa về trụ sở làm việc. Qua đó, Toàn và các đối tượng khai đã sử dụng cỏ Mỹ, còn Nhi thì hít keo chó. Tuy nhiên, do cả hai có nơi ở rõ ràng nên sau khi lập hồ sơ xử lý hành chính, Toàn và Nhi được cho trở về nhà. Vậy nhưng các đối tượng lại lang thang và tiếp tục lấy các khu vực chân cầu làm nơi ở.

Vợ chồng Toàn - Nhi được đưa về CAP Hòa Cường Bắc làm việc và sau đó
đồng ý lên Trung tâm Bảo trợ người lang thang TP Đà Nẵng sống.

Trung tá Huỳnh Tấn Phát - Phó trưởng CAP Hòa Cường Bắc cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, CAP Hòa Cường Bắc đã phối hợp với các ngành chức năng và Tổ xử lý người lang thang, xin ăn 550 của thành phố mời vợ chồng Toàn - Nhi về làm việc. Qua đó, động viên cả hai về nhà ở với cha mẹ nhưng vợ chồng Toàn không chịu. CAP lại phải động viên Toàn - Nhi lên Trung tâm Bảo trợ xã hội để có cuộc sống tốt hơn cho bản thân và con trai thì cả hai đồng ý.

2. Ngồi trò chuyện với tôi tại CAP Bình Hiên (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) là ông Trương Văn N. (trú P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Ông N. đến CAP Bình Hiên là để bảo lãnh cho con nuôi của mình - Trương Thị M.T (1999) vì bị CAP Bình Hiên phát hiện khi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Ông N. bảo, tuy M.T là con nuôi, có nhiều hư hỏng nhưng ông vẫn mong cháu cố gắng học hành cho đàng hoàng, để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo lời kể của ông N. thì M.T đã trải qua thời “tuổi thơ dữ dội” trước khi về với vợ chồng ông. Qua thời gian, bằng sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ nuôi, M.T đã ngoan hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi lớn lên, do ham chơi, đua đòi cùng bạn bè, M.T lại trở nên hư hỏng. Ông N. kể, năm 1999, khi đó vợ tôi làm nghề trông trẻ thì có một cô gái lạ đến xin gửi con. Sau khi thỏa thuận, vợ tôi đồng ý nhận trông cháu bé với giá mỗi tháng 150 ngàn đồng. Được một tháng thì mẹ bé đến năn nỉ, do cuộc sống khó khăn nên xin mượn tạm vợ tôi 200 ngàn đồng giải quyết công việc, vài hôm nữa sẽ gửi lại. Thấy mẹ con cô ấy quá tội nghiệp, vợ tôi đồng ý cho cô ấy mượn tiền và tiếp tục cho cô ta gửi con. Tuy nhiên, sau lần mượn tiền đó, cô gái đi một hơi không quay trở lại để nhận lấy con mình. “Con bé M.T lúc đó mới 1 tuổi, mẹ nó cũng chẳng quay lại nhận, mà gửi nó vào trại trẻ mồ côi thì thấy thương nên vợ chồng tôi ra phường làm thủ tục xin nuôi cháu. Trong giấy khai sinh của cháu, tôi và vợ không ghi là cha mẹ nuôi mà chỉ nhận là người nuôi dưỡng. Nhưng bấy nhiêu năm ở với nó, vợ chồng tôi coi nó như con trong nhà vậy” - ông N. kể.

CAP Bình Hiên làm việc với M.T và các đối tượng sử dụng ma túy.

Cũng theo lời ông N., đến khoảng năm học lớp 8 thì  M.T bắt đầu có biểu hiện hư hỏng, thường xuyên bỏ nhà đi chơi với bạn bè rồi trộm cắp tiền bạc trong nhà. Thấy con nuôi hư hỏng, vợ chồng ngày càng già yếu, khó lo lắng được nên ông bà đưa M.T vào Trung tâm bảo trợ của một tổ chức trên địa bàn TP Đà Nẵng. Thời gian này M.T được chăm lo học hành, có điều kiện tốt hơn và đến giữa năm 2016 thì tốt nghiệp THPT, ra ngoài thuê nhà sinh sống, làm thêm kiếm tiền. Vậy là từ đây M.T lại bay nhảy, phá phách cùng bạn bè. Cho đến 1 giờ ngày 5-7, Tổ tuần tra 8394 P. Bình Hiên làm nhiệm vụ trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh thì phát hiện 6 thanh niên nam, nữ đi trên 2 xe máy, trong đó có M.T nên yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính. Nhận thấy cả nhóm có biểu hiện sử dụng ma túy, tổ tuần tra đưa về CAP Bình Hiên làm rõ sự việc. Qua làm việc, cả sáu thừa nhận trước đó đã vào một quán bar trên đường Nguyễn Tri Phương hút shisha, cỏ Mỹ, ma túy đá. Theo khai nhận của M.T, trước đó cô đã nhiều lần sử dụng ma túy với bạn bè. “Em biết việc sử dụng ma túy là sai và em hứa sẽ từ bỏ. Em cũng muốn được đi học nghề bartender và nấu ăn để sau này lo cho cuộc sống của mình”-M.T trả lời tôi khi được hỏi sẽ làm gì sau này.

Không chỉ vợ chồng N., tôi và cán bộ CAP cũng hy vọng những điều M.T nói là thật.

NGUYỄN TUẤN