Bút ký văn hóa- lịch sử của Dương Phước Thu

Thứ ba, 29/05/2018 10:12

Dương Phước Thu là một trong số ít nhà văn viết bút ký văn hóa - lịch sử thành công ở Huế. Những tập bút ký Dòng sông nắng đục mưa trong (1996); Đồng vọng người phía núi (1990); Qua sông nhìn lại bến bờ (2005); Tiếng chuông hòa bình trên núi Ngũ Phụng (2007); Không gian văn hóa Huế (2007) rất nồng văn chương và đẫm chiều sâu lịch sử đã khẳng định tài năng của anh.         

Huế- Phú Xuân trải hơn 300 năm là Phủ Chúa Nguyễn Đằng Trong, kinh đô triều Tây Sơn, Triều Nguyễn, là nơi quy tụ nền Văn hóa, lịch sử Việt- Chăm. Năm 2016, Dương Phước Thu  ấn hành tập bút ký văn hóa, lịch sử Nhìn từ Huế (NXB Hội nhà văn) và đầu năm nay, Nhìn từ Huế 2 ra đời gồm 26 bài bút ký và tư liệu lịch sử anh viết trong thời gian gần đây.

Nhà văn nghĩ và bàn về giọng Huế, về chùa Thiên Mụ, đặt tên đường ở Huế, nơi nguyên táng Đại  thi hào Nguyễn Du, tết làng Mỹ Lợi,  văn hóa tâm linh Huế, đảo Lý Sơn... Nhà văn cũng công bố những tư liệu mới về hoạt động của những trí thức nổi tiếng gắn bó với cách mạng Huế như giáo sư Nguyễn Lân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, đại tướng Nguyễn Chí Thanh... Anh đã kỳ công tìm kiếm từ liệu về kể lại những câu chuyện cảm động như chuyện “Giáo sư Nguyễn Lân- người Việt đầu tiên làm Đốc lý thành phố Huế”, “Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp với cái Tết Độc lập đầu tiên ở Huế”, Bức thư đầu tiên của bộ trưởng Võ Nguyên Giáp gửi đồng báo Quảng Bình; “Tuần lễ khoai ở Huế”. Nhìn từ Huế 2 còn nhiều những tư liệu lịch sử quý lần đầu được tác giả Dương Phước Thu phát hiện như bản chương trình điều lệ đầu tiên của CA Thừa Thiên Huế, ngày  và nơi ra đời của tổ chức tiền thân Liên hiệp các HVHNT Thừa Thiên Huế...

Trong Nhìn từ Huế 2, nhà văn Dương Phước Thu còn bàn rất sâu và thuyết phục về “Văn hóa tâm linh và du lịch Huế”. Anh cho rằng, “Thừa Thiên Huế là cuộc địa lưu giữ quá nhiều cơ sở..., dày đặc những kiếm ấn văn hóa tâm linh... ngoài những thành quách cung điện, lăng vua mộ chúa, chùa quán, đền miếu... thuộc về di sản văn hóa nhà Nguyễn để lại, đã và đang phát huy các giá trị của nó, thì nơi đây vẫn còn có một khối lượng khá lớn về loại hình văn hóa tâm linh nói riêng đang còn bỏ trống hoặc chỉ mới gợi mở trong khi con người đang mong mỏi, đang dò dẫm tìm đến những nơi chốn ấy để tự hóa giải những điều khó lý giải”.

Với khả năng đọc và sưu tầm tư liệu lịch sử phong phú, với nhãn quan mới về nhận thức, đánh giá vấn đề văn hóa- lịch sử và với giọng văn chân chất, lôi cuốn, Nhìn từ Huế 2 đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc của người đọc.

NGÔ MINH