Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ tư, 23/09/2015 08:04

(Cadn.com.vn) - Tối 22-9, tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh TT-Huế, UBND tỉnh TT-Huế tổ chức lễ đón nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng ngày, một hội thảo khoa học về ca Huế đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa và soạn giả...

Biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội Âm sắc Hương Bình tại Festival 2014 nhằm tôn vinh ca Huế.

Giá trị của ca Huế

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế, ca Huế là thể loại âm nhạc có lịch sử lâu đời, gắn kết với đời sống văn hóa của người dân xứ Huế. Từ xưa, ca Huế đã là thú chơi tao nhã, phổ biến trong cung đình triều Nguyễn, lan tỏa từ phủ chúa, cung vua đến các phủ đệ của ông hoàng, bà chúa, các ngôi nhà vườn trầm mặc ở kinh thành và không ngừng vang vọng trên mặt nước sông Hương, thấm sâu vào tâm thức của người dân Huế, từ quan lại, văn nhân, nho sĩ đến lớp người bình dân chân lấm, tay bùn.

GS. TSKH Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: Từ Nhã nhạc và cả ca Huế nữa, theo chân các vị quan nhạc, vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng dân cư Việt ở Nam Bộ để tỏa sáng, để phát triển thành cả một dòng nhạc thính phòng mới giàu có về bài bản, đa dạng về sắc thái, tươi tắn về cảm xúc là Đờn ca tài tử Nam Bộ. "Theo tôi được biết, có thể nhạc thính phòng Huế còn là một trong những nguồn để hình thành nhạc Bát âm miền Bắc mà người đại diện cuối cùng là Nhạc sư Vũ Tuấn Đức. Như vậy, nếu không kể đến Ca Trù, một loại nhạc thính phòng miền Bắc thì âm nhạc cung đình nói chung và ca Huế nói riêng đã là nguồn cội của âm nhạc thính phòng Nam Bộ- Đờn ca tài tử- và cả miền Bắc- Dàn nhạc Bát âm. Với vai trò như thế, ca Huế có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc cổ truyền của người Việt..."- GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Còn dịch giả Bửu Ý cho rằng, ca Huế xoáy vào ký ức, xoáy vào tiềm thức. Nó cày cuốc vào đất đai, dòng sông, giếng nước. Nó đánh thức chiếc nôi, khóm tre, mái đình. Người nghe tự mình xâu chuỗi bao nhiêu năm tháng đã trôi qua trong đời mình như một cuốn phim dài tự sự cũ kỹ đã có nhiều hình ảnh bôi nhòa. "Khi ca Huế cất giọng thì mọi xao náo của đời sống thường ngày dừng lại ở bên ngoài, chẳng khác nào sinh hoạt của hiện tại không thể nào hòa lẫn vào sinh hoạt của quá khứ đang dần dà sống lại, tái hiện như từng ô hình, mảnh khảm...".

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

Làm thế nào để bảo tồn và phát huy

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế, ca Huế đang bị biến chất, người dân Huế, nhất là giới trẻ ở Huế ngày càng xa cách ca Huế; thậm chí có những tác phẩm nghiên cứu, giáo trình giảng dạy về lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng chỉ đề cập đến ca Huế trong đôi ba dòng hết sức sơ lược. Hay có nhà nghiên cứu âm nhạc còn gọi ca Huế là "dân ca Huế", là loại hình âm nhạc "ô tang tình tang". Tại sao có những hiện tượng "lạ đời" như thế? Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, có quá nhiều nguyên nhân cần được phân tích kỹ để tìm ra phương thuốc chữa trị "căn bệnh nan y" này. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, cần phải phân tích những điểm riêng của ca Huế để từ đó góp phần tìm ra giải pháp khắc phục. Ca Huế thường được cất lên trong những phòng khách trang trọng, những lòng thuyền tao nhã với số lượng người nghe vừa phải, có người tri âm, tri kỷ. Vì vậy, không gian biểu diễn ca Huế hiện nay trên những chiếc thuyền "mạo danh thuyền rồng" với những bộ trang phục truyền thống nửa vời, lòe loẹt, thiếu sự tinh tế trong "dáng Huế", cần được điều chỉnh, nâng cao, xóa bỏ những hình thức thô tạp. Người dẫn chương trình ca Huế phải đủ trình độ, dẫn dắt ngắn gọn nhưng giúp người nghe thấu hiểu được bản chất từng bài bản. Hay rất nhiều nhạc công ca Huế hiện nay chưa thật sự khổ luyện, chưa nắm hết các kỹ thuật bài bản, chỉ học qua loa, học đối phó để có đủ điều kiện được xét duyệt cấp phép đi diễn.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề bảo tồn và lưu truyền các loại hình diễn xướng truyền thống trong bối cảnh đương đại vẫn luôn là bài toán nan giải, việc đưa ra một giải pháp hợp lý từ hoạt động đào tạo và truyền nghề là cần thiết và quan trọng. Bàn về vấn đề này, NGƯT Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL tỉnh TT-Huế nhận xét: "Hiện nay, nghệ thuật ca Huế đang đứng trước sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, âm nhạc hiện đại khác. Thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa phần là lớp trẻ đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Nguy cơ đối với tiềm ẩn di sản nghệ thuật ca Huế rất cao nên cần thiết phải khẩn trương đề ra các giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca Huế. Vì vậy, việc đưa di sản ca Huế vào giảng dạy trong các trường học là một giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao để bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho di sản ca Huế.

Theo soạn giả Minh Khiêm, để bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế: "Cần phải đẩy mạnh việc sáng tác lời mới. Những người viết lời mới cho ca Huế trước đây đã ít, ngày nay lại càng ít hơn; các tác giả thành danh thưa thớt dần như "lá mùa thu". Vì vậy, cần chú ý đến vấn đề này, cần phát hiện đào tạo, bồi dưỡng những cây bút trẻ. Có thể tổ chức mở các lớp sáng tác, tọa đàm về vấn đề này. Phải xây dựng được đội ngũ tác giả viết lời mới. Cần khuyến khích các tác giả thơ tham gia viết lời mới cho ca Huế, dân ca". Ngoài ca Huế trên sông Hương, nên mở thêm các điểm phù hợp với không gian diễn xướng của ca Huế như: di tích, thiết chế văn hóa, phủ đệ, nhà vườn... để phục vụ cho khách du lịch và khán thính giả không có điều kiện thưởng thức ca Huế trên sông Hương.

Tại hội thảo khoa học, các tác giả đã phân tích, đúc kết từ kinh nghiệm, mổ xẻ nhiều nội dung xoay quanh chủ đề ca Huế để mục đích cuối cùng là định hướng bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế để xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. TS Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở VH-TT & DL tỉnh TT-Huế khẳng định: "Bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế không phải chỉ dựa vào trí tuệ của một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải có sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, các nghệ sĩ, các nhà quản lý và của mọi người. Có như vậy giá trị văn hóa Huế mới luôn được tỏa sáng".

Hải Lan