Cả nước hân hoan đón chào năm học mới

Thứ năm, 06/09/2018 07:16

Hôm qua (5-9), cùng với cả nước, các trường học ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đồng loạt tổ chức trọng thể lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường này, nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp bằng tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ tài chính, vật chất, góp phần sẻ chia khó khăn với thầy trò vùng khó khăn, vùng bị thiệt hại nặng nề trong các đợt mưa lũ vừa qua...

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM).

Thay đổi tư duy, phương pháp, kỹ năng

Trong niềm vui ngày đầu năm học mới, gần 500 HS cùng thầy, cô giáo, phụ huynh Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) vui mừng đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác Chính phủ về dự lễ khai giảng.

Chủ tịch nước trồng cây lưu niệm tại Trường THPT Chu Văn An nhân lễ khai giảng năm học mới.

Đóng chân trên địa bàn H.Tu Mơ Rông- một trong những huyện nghèo của cả nước và là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum với hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Trường PTDTNT H.Tu Mơ Rông được thành lập với sứ mệnh đào tạo con em đồng bào các DTTS, tạo nguồn cán bộ, nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Năm học 2018-2019 toàn huyện có hơn 7.600 HS các bậc học. Tuy nhiên, trước thềm khai giảng năm học mới, H.Tu Mơ Rông gặp nhiều khó khăn do mưa lũ kéo dài gây sạt lở ở các nơi khiến nhiều khu dân cư phải di dời, nhiều cơ sở trường học bị hư hỏng, sập tường, tốc mái. Trên địa bàn huyện hiện vẫn còn gần 200 HS các bậc học mầm non, tiểu học và THCS tại một số điểm trường chưa thể bước vào năm học mới do cơ sở trường lớp đang phải dành cho người dân vùng sạt lở mượn để ở tạm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó H.Tu Mơ Rông.  Ảnh: M.TÂN

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với giáo viên và HS H.Tu Mơ Rông nói riêng, HS vùng lũ cả nước nói chung về những khó khăn trước thềm năm học mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà thầy trò nhà trường đã đạt được những năm qua.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần khắc phục hậu quả trận mưa lũ vừa qua của chính quyền địa phương nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới. Thủ tướng nhấn mạnh: Trường dân tộc nội trú là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc, miền núi, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với chính sách dân tộc. Vì vậy, các thầy, cô giáo và HS ở đây phải nỗ lực phấn đấu cao hơn so với các trường khác mới đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đồng thời đề nghị ngành GD-ĐT cần tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới toàn diện, căn bản, trong đó chú trọng giáo dục toàn diện, phẩm chất và năng lực. Để thực hiện điều đó, phải thay đổi từ tư duy, nhận thức, phương pháp, kỹ năng của người thầy trong vai trò mới dẫn dắt, hướng dẫn HS.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự lễ khai giảng tại Trường TH Phù Đổng.  Ảnh: P.THỦY

Phát động “Tháng an toàn giao thông cho HS đến trường”

Tại Đà Nẵng, ngành GD-ĐT TP nói chung, Trường TH Phù Đổng nói riêng vinh dự đón Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ về dự lễ khai giảng. Là ngôi trường có bề dày thành tích dạy-học tốt, với 128 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy trò Trường TH Phù Đổng đã khẳng định uy tín, thương hiệu của nhà trường với PHHS và xã hội, PHHS. Đây là ngôi trường luôn là lá cờ đầu về chất lượng giáo dục toàn diện của ngành GD-ĐT Q.Hải Châu và của TP Đà Nẵng.

Học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) trong ngày khai giảng.   Ảnh: HẢI LAN

Trong năm học mới này, nhà trường đón hơn 500 HS đầu cấp vào lớp 1. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Chính phủ, phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng và biểu dương những thành tích vẻ vang của các thế hệ thầy trò Trường TH Phù Đổng. Phó Thủ tướng nhắn gửi: “Tôi tin tưởng rằng, phát huy truyền thống lịch sử 128 năm, các thầy cô và HS hôm nay sẽ tiếp tục phấn đấu giảng dạy, học tập, rèn luyện, đạt được nhiều thành tích xuất sắc, viết tiếp trang sử vẻ vang của nhà trường”. Với tư cách là Chủ tịch Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho HS đến trường”, cùng Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và các đại biểu đã trao tặng mũ bảo hiểm cho tất cả HS lớp 1 của trường.

Cũng trong dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đã về dự và tặng hoa chúc mừng thầy trò trường THCS Đàm Quang Trung (Q.Liên Chiểu); Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2018-2019 tại Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh đến dự lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP, năm học mới 2018-2019, toàn ngành có hơn 254 ngàn HS ở các cấp bậc học, với 4 trường mẫu giáo, 205 trường MN (tăng 10 trường so với năm học trước), 102 trường tiểu học (tăng 2 trường), 59 trường THCS và 32 trường THPT (tăng 3 trường), 3 TTGDTX. So với năm học trước, hầu hết các bậc học đều tăng HS, trong đó, nhiều nhất là bậc tiểu học tăng 2.800 HS.

Nụ cười và ánh mắt em thơ trong ngày khai giảng năm học mới tại Đà Nẵng.  Ảnh: P.T

Chú trọng phần hội cho học sinh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 ở hầu hết các trường học khu vực miền Trung - Tây Nguyên diễn ra với chương trình gọn, tinh thần hướng đến HS. Tại Đà Nẵng, một số trường sau nghi thức nghiêm trang, nhưng không rườm rà của phần lễ, đã diễn ra các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian. Đặc biệt, tại Trường TH Phù Đổng, HS toàn trường háo hức, được cười “vỡ bụng” trước sự xuất hiện và diễn xuất hóm hỉnh của 2 danh hài Xuân Bắc và Tự Long. Cũng với cách tổ chức gọn nhẹ, tại Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), ngay sau phần lễ, các em HS  tiếp nối buổi khai giảng bằng phần hội với các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian sinh động, đầy ấn tượng. Không riêng gì trường THPT Hai Bà Trưng, nhiều trường học trên địa bàn TP Huế, ngay sau phần lễ khai giảng cũng đã diễn ra các hoạt động, trò chơi sôi nổi tạo cho các em có cảm giác thoải mái, không áp lực, nặng nề trong việc học tập. Chương trình khai giảng gọn, hướng đến HS cũng diễn ra ở hầu hết các trường học ở Quảng Trị, Nghệ An...

Công đoàn giáo dục Việt Nam đã hỗ trợ Trường Tiểu học Mường Ải 500 triệu đồng.   Ảnh: D.HÓA

Đoàn công tác thăm ngôi trường bị thiệt hại nặng do đợt lũ vừa qua ở Mường Ải.  Ảnh: D.HÓA

Sẻ chia với HS vùng khó

Ngày khai giảng năm học mới năm nay cũng là dịp để HS-SV  các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên thêm một lần nữa hiểu ý nghĩa nhân văn về bài học của sự sẻ chia, về truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam. Theo đó, tại lễ khai giảng ở trường PTDTNT Tu Mơ Rông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 500 bộ SGK cho HS cấp tiểu học và THCS H.Tu Mơ Rông, tặng hệ thống máy lọc nước uống sạch trị giá 150 triệu đồng cho nhà trường và tặng quà cho các HS nghèo vượt khó. Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Xuân Chiến và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng ngành GD-ĐT H. Tu Mơ Rông mỗi đơn vị 50 triệu đồng để góp phần giảm bớt khó khăn đời sống cho HS và giáo viên vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

Đồng hành cùng HS vùng cao, đến dự lễ khai giảng tại địa bàn huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế), Đại tá Lê Quốc Hùng - Giám đốc CA tỉnh TT-Huế - đã trao tặng 54 xe đạp cho HS nghèo của huyện. Đoàn thiện nguyện do sư thầy Thích Huệ Phước đã lên với đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở xã Thượng Long (H. Nam Đông) hỗ trợ 2 tạ gạo cho bếp ăn bán trú của trường tiểu học, tặng 270 áo ấm đồng phục và hàng trăm thùng mì tôm cho HS nghèo trong vùng. Xúc động không kém là hình ảnh đoàn công tác của Công đoàn giáo dục Việt Nam và Công đoàn giáo dục tỉnh Nghệ An do bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - làm trưởng đoàn đã vượt suối, lội bộ vào trường Trường Tiểu học Mường Ải, H. Kỳ Sơn (Nghệ An) để dự lễ khai giảng. Đây là ngôi trường gánh chịu nhiều thiệt hại nhất của Nghệ An khi phải liên tiếp trải qua 3 trận lũ.

Để động viên và hỗ trợ nhà trường, đoàn công tác đã hỗ trợ xây 1 nhà công vụ cho GV với số tiền 500 triệu đồng cùng sách vở, dép, áo cho các em HS, trao 100 triệu đồng cho Công đoàn GD Nghệ An để hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ giáo viên vùng thiệt hại do lũ lụt. Ngoài ra, đoàn còn đến thăm và tặng quà cho cô và trò Trường Mầm non Mường Ải.

Cũng trong tình cảm sẻ chia đó, tại lễ khai giảng năm học mới của trường ĐHKT Đà Nẵng, các doanh nghiệp trao tặng nhiều suất học bổng tổng giá trị hàng trăm triệu đồng cho SV của nhà trường.

NHÓM PV

----------------------------------------------

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khai giảng năm học mới

Sáng 5-9, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tổ chức trang trọng Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019. Đây là năm mà thầy và trò Trường triển khai các hoạt động văn hóa hướng tới “Đại lễ kỷ niệm 110 năm Trường Bưởi - Chu Văn An”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự, phát biểu và đánh trống khai trường. Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; đại biểu lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành của TP Hà Nội.

Trường THPT Chu Văn An thành lập từ năm 1908, nổi tiếng với bề dày thành tích học tập và cơ sở vật chất tốt nhất ở Thủ đô Hà Nội. Là một ngôi trường có truyền thống hiếu học, Trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xếp vào nhóm trường có lớp chuyên trên địa bàn thành phố. Hằng năm, điểm đầu vào khối lớp 10 của trường luôn đứng đầu toàn thành phố.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, năm học 2018 - 2019 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành giáo dục nước nhà trong việc tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các bậc phụ huynh tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để các em học sinh được học tập, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, cần chú trọng quan tâm chăm sóc các em học sinh là con em thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

* Sáng 5-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM. Chia sẻ niềm vui với thầy và trò của trường, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, đồng thời xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết’’, “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta”. Giáo dục tốt sẽ tạo ra đội ngũ những người lao động, những cán bộ có tri thức góp phần phát triển đất nước bền vững. Thấm nhuần lời dạy của Bác, phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ với học sinh, Chủ tịch Quốc hội ân cần: “Các cháu hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê, giữ lại cho mình những phút giây đẹp nhất của tuổi học trò, vô tư bên người thân, thầy cô, bạn bè. Được học dưới một ngôi trường có bề dày thành tích trong đấu tranh, rèn luyện và học tập, các cháu hãy thắp tiếp ngọn lửa truyền thống học tập say mê, rèn luyện đạo đức và lối sống tốt để phục vụ nhu cầu của chính bản thân mình, giúp đỡ cho gia đình, trang bị cho mình hành trang đầu đời để trở thành những công dân có ích cho TP, cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước làm cho Tổ quốc ta ngày càng giàu đẹp hơn. Chúc các cháu bước vào năm học mới với tất cả niềm vui, tự tin và gặt hái nhiều thành tích tốt”.

B.T

----------------------------------------------

Đưa khai giảng đến bệnh viện, tại sao không?

Mỗi lần khai trường là dấu mốc một chặng quan trọng trong đời người trên đường học vấn. Xét trên khía cạnh nào đó, ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với từng cá nhân đi học mà với cả cộng đồng. Thế nhưng, chính trong ngày trọng đại, thiêng liêng ấy của tuổi học trò, thay vì sự háo hức, chờ đón thì đâu đó vẫn còn những khoảng lặng mà chỉ thiểu số là những người trong cuộc mới thấu hiểu, thấm thía.

Trong khi các bạn cùng trang lứa đã chuẩn bị đầy đủ hành trang vào năm học mới với sách vở, quần áo và tâm trạng đầy háo hức thì cũng có những bệnh nhi tạm quên đi niềm vui đến trường để chiến đấu với cơn đau của bệnh tật. Khoảng trời của các em lúc này là hành lang bệnh viện, giường bệnh. Bạn bè của các em cũng là những bệnh nhi cùng giường, cùng phòng và các nhân viên y tế. Mơ ước duy nhất của các em là khỏe mạnh để đến trường, được dự lễ khai giảng. Thế nhưng mơ ước nhỏ nhoi ấy lại quá khó để trở thành hiện thực.

Đưa khai giảng đến bệnh viện, tại sao không? Có khó quá không khi tổ chức một lễ khai giảng cho các bệnh nhi tại bệnh viện? Câu trả lời chắc chắn là không. Ước mơ trở thành Cảnh sát giao thông (CSGT) của một bệnh nhi ung thư ở Đà Nẵng đã trở thành “hiện thực” cách đây không lâu và câu chuyện này đã trở thành “cổ tích giữa đời thường”. Một hình ảnh đẹp, một việc làm nhân văn của không chỉ lực lượng CSGT CATP mà rộng hơn, lớn hơn là của chung người dân nơi đây đã được nhân lên gấp nhiều lần bởi một hành động đẹp, tử tế.  

Có thể có một vài, thậm chí rất nhiều trường học, bệnh viện, và lớn hơn là ngành giáo dục và ngành y tế đã phối hợp triển khai chương trình “đem khai giảng đến bệnh viện” mà người viết chưa có cơ hội chứng kiến. Nếu quả thực, có nhiều bệnh nhi vì lý do bất khả kháng mà không thể đến trường trong ngày khai giảng nhưng vẫn được dự một lễ khai giảng thực thụ, tại nơi điều trị thì hẳn các em cũng sẽ rất vui, sẽ phần nào giúp xoa dịu, thậm chí quên đi nỗi đau bệnh tật. Và lớn hơn, biết đâu đây lại là động lực để các em quyết tâm, là liều thuốc tinh thần để các em vượt qua bạo bệnh, biến ước mơ “mỗi ngày đến đến trường là một ngày vui” thành hiện thực, cho các em!

DOÃN HÙNG

----------------------------------------------