Cà phê Khe Sanh trở lại đường đua (2)
* Bài cuối: Hướng đến thương hiệu cà phê sạch
(Cadn.com.vn) - Như đã đề cập, toàn bộ cà phê của Hướng Hóa đều gọi chung là cà phê Khe Sanh. Diện tích trồng cà phê kéo dài từ Khe Sanh, Tân Hập, Hướng Tân và chốt tại Hướng Phùng. Đây là địa bàn biên giới, nằm dọc đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Khi cà phê rớt giá và không có tín hiệu tăng nhiều năm liền, người dân Hướng Phùng chao đảo, khốn đốn. Bà con không còn mặn mà, một số khác lại loay hoay đi tìm đầu ra, niềm tin như vỡ vụn trong cơn "giông bão". Một khi "thủ phủ" cà phê này buông tay thì gần như cà phê Khe Sanh sẽ khó có cơ hội hồi phục bởi tại đây chiếm 70% diện tích cà phê của toàn tỉnh Quảng Trị. Chủ nhân của những đồi cà phê xanh mướt là người di cư phát triển kinh tế mới từ vùng trũng Triệu Độ (H. Triệu Phong) lên đây từ đầu thập niên 1990. Thời điểm này, đồng bào thiểu số Vân Kiều vẫn giữ tập tục canh tác du canh, chỉ nương lúa, rẫy bắp thì sự có mặt của người miền xuôi hướng phát triển cây cà phê giá trị kinh tế cao đã làm thay đổi diện mạo hoàn toàn đồi núi này. Nông dân Trần Văn Hòa (1959, trú thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng) nhớ lại những ngày gian nan lên lập nghiệp, đồi rú rậm rạp, lại đầy rẫy bom mìn, thú dữ, thanh niên trai tráng đôi lúc cũng nản. Thế nhưng, với niềm tin về tương lai cây cà phê trên vùng đất "sô cô la" này, ông Hòa cùng bà con đã cần cù khai phá, biến mảnh đất hoang vu thành màu mỡ. "Cơ cực biết mấy mà kể. Cây cà phê cũng phải 3 năm sau mới ra bói, khoảng thời gian chờ thu hoạch đó phải trồng sắn, khoai đắp đổi qua ngày. Nhưng nhìn vườn cà phê nhà này nối nhà khác cứ trập trùng trên đồi mà thấy phơi phới", ông Hòa kể. Mỗi hộ được giao từ 2 đến 2,5ha đều tập trung trồng cà phê, chịu thương, chịu khó chăm chút cơ ngơi ấy. Rồi cũng đến ngày thu hoạch, khi những trái cà phê chín đỏ mọng rơi vào bàn tay chai sần, họ đã bật khóc...
Một mùa cà phê đỏ chín đang về trên quê hương Hướng Phùng. Ảnh: Bảo Hà |
Vài năm sau, cà phê vùng Khe Sanh đã có mặt trên bản đồ thị trường trong nước, được người tiêu dùng nước ngoài chọn lựa. Nhà nhà phấn khởi. Ngay cả đồng bào Vân Kiều đã học được cách làm ăn, thay đổi tư duy cũng tiệm cận với cây cà phê. Đời sống bà con nâng lên rõ rệt. Doanh thu hàng chục tỷ đồng từ cà phê chỉ riêng tại Hướng Phùng đã khiến nhiều người đổi đời, xã biên giới cũng thay da đổi thịt hẳn. Năm 2001, cà phê rớt giá nhưng chỉ sau một thời gian thì bật trở lại, diện tích cà phê không chỉ Hướng Phùng mà những vùng lân cận cũng tăng lên. Đến năm 2011, cà phê một lần nữa "gặp bão", nguyên nhân ít nhiều từ cách làm ăn thiếu bền vững của bà con. Có hộ chặt cà phê trồng tiêu. Có hộ phá trồng sắn, nghệ, gừng. Có hộ chần chừ trong tái canh. Nhưng không ít hộ quyết tâm vực lại giá trị cây cà phê Quảng Trị dù chưa tìm thấy lối ra.
Người dân Hướng Phùng đang đầu tư cà phê sạch và tin tưởng sẽ đứng vững trên thị trường. Ảnh: Bảo Hà |
Năm 2013, chính trong thời điểm quan trọng này, dự án Viện Mê Kông tại Quảng Trị đã tiếp cận với bà con nhằm hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, phát triển bền vững cây cà phê. Thôn Hướng Độ là điểm triển khai đầu tiên của dự án này với việc hình thành nhóm liên kết với 48 thành viên. Trong khi đó, số nhóm liên kết được dự án trên hỗ trợ tại Hướng Phùng cũng ngày mở rộng, nay đã lên con số 15 với gần 500 hộ tham gia. Người dân tham gia vào nhóm liên kết được thụ hưởng những điều kiện tốt nhưng trên hết phải cam kết trong sản xuất, thu hoạch nhằm tạo sản phẩm chất lượng. Anh Hồ Minh Phong, nhóm trưởng tại thôn Hướng Độ phấn khởi cho biết, kể từ khi được dự án "vạch đường", người dân như bước qua cơn mê về nguồn vốn, về đầu ra. Cầu nối không ai khác chính là các cán bộ dự án này. Họ hỗ trợ xúc tiến thương mại, thiết lập mối quan hệ đặc biệt giữa ngân hàng với nông dân, giữa doanh nghiệp sản xuất cung cấp phân bón với nông dân và nguồn tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tất cả sản phẩm đã đáp ứng một mục tiêu: xây dựng cà phê sạch, chất lượng cao.
Người dân phấn khởi khi kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến, cho ra sản phẩm cà phê sạch tại Hướng Độ. Ảnh: Bảo Hà |
Bà con bắt đầu hào hứng trở lại khi qua 2 mùa thu hoạch, mỗi năm đều thu hơn 3 ngàn tấn với giá 6 đến 7 ngàn/1kg trong khi giá thị trường chỉ 2 ngàn đồng/1kg. Tuy so với thời kỳ "hoàng kim" vẫn khiêm tốn nhưng quả là con số không thể ấn tượng hơn. "Đến năm 2017 dự án sẽ kết thúc. Bà con chúng tôi cảm ơn cán bộ Vũ, cán bộ An, cán bộ Trang đã gắn bó với chúng tôi, "khai phá" tư tưởng cho chúng tôi trong giữ gìn và phát triển loài cây chủ lực này", anh Phong cảm kích. Tháng 8-2016 này, nhóm hộ liên kết tại thôn Hướng Độ tiếp tục nhấn thêm một bước táo bạo nữa: họp bàn thành lập HTX chế biến sản phẩm cà phê. Dự án Viện Mê Kông không đứng ngoài kế hoạch này, bước đầu hỗ trợ 8 ngàn USD để xây dựng hạng mục nhà máy chế biến (tổng số vốn khoảng chừng 500 triệu đồng). "Số còn lại bà con sẽ đóng góp đầu tư", anh Phong cho biết. Điều này cũng có nghĩa bà con đang tuyên bố rằng họ bước thẳng ra thị trường, cạnh tranh với nhiều công ty có nhà máy chế biến cà phê.
Thành công vẫn ở phía trước nhưng họ có quyền tin khi đang nắm giữ những yếu tố quyết định. Đó là nguồn nguyên liệu, là chất lượng sản phẩm, cùng với kinh nghiệm quý giá sau bao năm lăn lộn, thất bại, gắn bó với cây cà phê. Và hơn hết, quyết tâm của họ đang viết tiếp huyền thoại mà những người lính giải phóng năm nào đã hy sinh xương máu để giữ gìn từng tấc đất, nâng niu từng nhành cây cà phê cho hòa bình hôm nay.
Bảo Hà