Ca sĩ Quang Hào: Muốn Nhà hát Trưng Vương "ấm" lên, phải "sống thật" với khán giả

Thứ năm, 02/03/2017 09:04

(Cadn.com.vn) - Nhà hát Trưng Vương đang bắt đầu lộ trình tự chủ, thay đổi mô hình hoạt động với nhiệm vụ phải từng bước nâng cao đời sống tinh thần của người dân thành phố Đà Nẵng. Làm sao để Nhà hát "ấm" dần, đỏ đèn thường xuyên với các sự kiện lớn sẽ là một thách thức trong bối cảnh nhu cầu và khả năng hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân còn một khoảng cách khá xa so với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Ca sĩ Quang Hào - Quyền Giám đốc Nhà hát đã có những chia sẻ với Báo Công an TP Đà Nẵng sau khi tiếp quản "ghế nóng".

Ca sĩ Quang Hào - Quyền Giám đốc Nhà hát Trưng Vương.

Phóng viên: Lộ trình tự chủ của Nhà hát Trưng Vương đã bắt đầu với nhiều chuyển biến tích cực. Hình như Nhà hát đang "ấm" dần lên với nhiều sự kiện, nhiều chương trình biểu diễn?

Ca sĩ Quang Hào: So với sự sôi động trong đời sống giải trí của Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì Đà Nẵng sẽ chưa thể tiệm cận được. Trong mọi hành trình, điều khó khăn nhất vẫn là sự bắt đầu và sự chuyển giao. Hào và tập thể cán bộ, nhân viên đang ở trạng thái thứ hai. Gần như ai cũng cảm thấy được khí thế mới, dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Nhà hát rất cần sự cộng hưởng của người dân thành phố.

Thực tế các nhà hát ở hai đầu đất nước đã bước vào quá trình xã hội hóa từ rất lâu, không những không sử dụng tới ngân sách mà hàng năm còn đưa về cho địa phương một nguồn tiền đáng kể. Trong bối cảnh ở giai đoạn chuyển giao này, Quang Hào có thể nói qua về lộ trình xã hội hóa theo chủ trương của Thành ủy Đà Nẵng?

Thành phố xây dựng Nhà hát Trưng Vương với kỳ vọng sẽ bung hết sức, trở thành tâm điểm tổ chức các sự kiện có chất lượng. Quan trọng hơn là nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có cơ chế hoạt động, Nhà hát Trưng Vương như "người khổng lồ" không thể bung hết sức của mình ra, và người thiệt thòi nhất vẫn là khán giả.

Giờ đây Nhà hát như đứa con ra ở riêng, phải bắt đầu cuộc sống tự lập, phải phát triển và đưa đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố lên một mức cao hơn. Theo chủ trương của Thành ủy, của UBND thành phố là Nhà hát Trưng Vương phải từng bước tự chủ và đến năm 2020 phải tự chủ hoàn toàn. Chặng đường phía trước sẽ rất khó khăn. Trong cái khó, buộc phải ló cái khôn, chứ không thể khác được. Đã bước lên thuyền rồi, phải giăng buồm, đoàn kết để tiến chứ không để sóng đánh lùi.

Muốn kéo khán giả thì điều tiên quyết phải là chất lượng các chương trình biểu diễn. Nhưng có thời gian dư luận cho rằng Nhà hát Trưng Vương mang đến cho họ các sự kiện không tương xứng với những gì đã quảng bá cũng như giá vé mà họ bỏ ra. Bài học nào cho câu chuyện này?

Đó cũng là một trong những điều khiến trong một thời gian dài, ánh đèn của Nhà hát không đủ ấm để kéo khán giả. Hào đảm bảo là sẽ không còn câu chuyện đó ở đây nữa, sẽ kiên quyết với những chương trình quảng bá thì rầm rộ, hoành tráng nhưng khán giả đến xem rồi thất vọng ra về. Khi sự háo hức, hy vọng bị lừa dối thì niềm tin sẽ bị tổn thương. Làm nghệ thuật lâu dài, phải bỏ tư duy ăn xổi, khán giả bây giờ không còn dễ dãi để nhà tổ chức "treo đầu dê bán thịt chó" nữa đâu.

Với nhiệm vụ được giao, Hào sẽ kiên quyết từ chối các chương trình mà mình cảm thấy nó không xứng đáng với tiền mua vé mà khán giả phải bỏ ra. Một hợp đồng cho thuê tổ chức sự kiện có thể mang lại nguồn thu lớn để trang trải hoạt động hành chính cho Nhà hát và Đoàn ca múa nhạc để "giật gấu vá vai", nhưng cách tồn tại đó không thể lâu dài. Muốn nhà hát Trưng Vương "ấm" lên, phải sống thật với khán giả.

Nếu tổ chức, biểu diễn chuyên nghiệp, chắc chắn khán giả Đà Nẵng
sẽ làm "ấm" Nhà hát Trưng Vương. Trong ảnh: Một sự kiện âm nhạc
do CanhCung Media tổ chức kín chỗ do chất lượng chuyên môn cao.

Trong thời gian qua, diễn viên của Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng có mặt nhiều hơn trong các sự kiện. Song song với cho thuê cơ sở vật chất để đối tác tổ chức các sự kiện thì con người của Nhà hát có thể sản xuất các chương trình chất lượng, vừa phục vụ người dân vừa đi biểu diễn ở các địa phương khác không?

Đó cũng là một trong những nhiệm vụ mà Thành ủy đã giao. Giống như cuộc sống, không thể cứ mãi ngồi chờ người khác tìm đến mình, mà bản thân mình phải lao vào làm việc, phải luôn luôn làm mới, luôn sáng tạo. Các nhà hát khác đưa nghệ sĩ về Đà Nẵng biểu diễn, ngay tại Nhà hát Trưng Vương thì chúng tôi cũng phải làm được điều ngược lại.

Tiếp quản Nhà hát Trưng Vương trong bối cảnh thu không đủ bù chi với nhiệm vụ phải vực dậy, làm ấm hoặc sáng đèn thường xuyên là một áp lực rất lớn. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Đà Nẵng cũng khó khăn hơn hai đầu đất nước. Làm sao để đến năm 2020 phải "tự sống" và quay trở lại đóng góp cho ngân sách?

Muốn "tự sống" thì phải tự thân vận động, trong cái khó phải ló cái khôn như tôi đã nói. Thành phố đã cho cơ chế hoạt động thì thực hiện một lúc hai việc là phục vụ khán giả và đóng góp trở lại cho ngân sách là điều không phải bàn cãi nữa. Nhưng để Nhà hát thường xuyên sáng đèn, ấm dần lên thì rất cần sự ủng hộ của khán giả, sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức. Dù gì thì điều kiện tiên quyết vẫn là chất lượng các chương trình mà chúng tôi sản xuất hoặc đưa về Nhà hát phải xứng đáng với "đồng tiền bát gạo" của khán giả.

Sau "Điều ước cho tình yêu" được tổ chức vào tối 2-3, nghe nói sẽ có một chương trình quy mô nhân 42 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam và kỷ niệm 20 năm chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng quy tụ rất nhiều ca sĩ nổi tiếng. Quang Hào có thể bật mí về chương trình này không?

"Điều ước cho Tình yêu" được coi như là món quà tri ân khán giả thành phố với sự có mặt của rất nhiều ngôi sao ca nhạc hàng đầu hiện nay nhưng giá vé rất hữu nghị. Hiện khán phòng đã kín chỗ. Không có gì hạnh phúc hơn đối với nhà tổ chức sự kiện là vé được bán hết, không gì đáng quý hơn với người nghệ sĩ là đêm diễn của họ không còn ghế trống.

Về chương trình sắp diễn ra tại Quảng Nam, chương trình này Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng phối hợp cùng Cty Phương Đông Media thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh  và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. Đây là cuộc trở về trên quê hương của những ca sĩ, nghệ sĩ xứ Quảng đã thành danh khắp mọi miền đất nước. Quang Hào nghĩ đó sẽ là chương trình đặc biệt và được thực hiện chương trình này cũng là niềm tự hào của Nhà hát Trưng Vương và là niềm hãnh diện đối với một người con xứ Quảng như Hào.

Cảm ơn Quang Hào về cuộc trò chuyện này!

Công Khanh
(thực hiện)