Ca sỹ, nhạc sỹ, giám khảo và cát sê...

Thứ năm, 30/07/2020 22:12

Ca sỹ nhạc sỹ ra sao gọi là chuyên nghiệp?

Theo tôi, có 3 trường hợp hình thành một tên tuổi ca sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp:

Một là trường hợp thiên tài: sinh ra đã bộc lộ năng khiếu dị biệt, chưa học nhạc đã biết sáng tác như nhạc sỹ Mozart chẳng hạn; chưa học thanh nhạc đã sở hữu giọng hát có đầy đủ kỹ thuật thanh nhạc như  luyến láy ngân rung, sắc thái to nhỏ…! Trường hợp này thế giới hiếm có, và thường thì sau đó họ cũng có học thêm ở nhạc viện để có kiến thức âm nhạc và kỹ thuật chuyên môn thì mới thành tên tuổi lớn.

Nhạc sỹ Trần Quế Sơn với nhạc sỹ Nguyễn Cường trong một chương trình nghệ thuật.

Hai là trường hợp người có năng khiếu âm nhạc ban đầu, sau đó họ đi học tư vài người thầy là ca sỹ hoặc nhạc sỹ chuyên nghiệp rồi họ mới thành danh ca sỹ, nhạc sỹ. Thường thì các ca sỹ, nhạc sỹ hình thành từ trường hợp này phải tự học rất nhiều mới thành công; vì học một vài thầy không thể bằng nhiều thầy trong nhạc viện.

Ba là trường hợp người có năng khiếu âm nhạc ban đầu, sau đó họ học bài bản từ các nhạc viện quốc gia trong nhiều năm để phát triển bền vững và lâu dài tài năng của họ! Trường hợp này người ca sỹ, nhạc sỹ nếu thành công thì sự nghiệp âm nhạc của họ rất lớn, bền vững lâu dài và cống hiến được nhiều tác phẩm cho nhân loại.

Thực tế nước Việt Nam và nhiều quốc gia có nhiều ca sỹ nhạc sỹ không chuyên nghiệp, không có tài năng và đẳng cấp nghệ thuật nhưng nổi danh như cồn nhờ công nghệ truyền thông PR, việc này rất tai hại cho người nghe nhạc, và bất công trong việc trả giá cát sê cho ca sỹ, nhạc sỹ.

Qua 3 trường hợp trên, chúng ta đã thấy rõ việc phong danh hiệu ca sỹ, nhạc sỹ của công chúng ở nước ta là còn ấu trĩ và nhầm lẫn! Thực sự một người xứng danh gọi là ca sỹ chuyên nghiệp thì người đó phải: biết hát đúng các kỹ thuật thanh nhạc, biết đọc tổng phổ tác phẩm nhạc giao hưởng (symphonique), biết hòa âm phối khí cho tác phẩm không mắc phải những lỗi cấm kỵ trong giáo trình kinh điển của thế giới về hòa âm và phối khí (những âm vực xấu hoặc không có thực của tính năng nhạc cụ), biết chơi piano; nhạc sỹ chuyên nghiệp thì ngoài những khả năng như ca sỹ chuyên nghiệp nói trên, tất nhiên là họ phải thành thạo kỹ thuật sáng tác trong nhạc viện theo giáo trình kinh điển của thế giới!

Những ai có khả năng thẩm định tài năng và đẳng cấp ca sỹ, nhạc sỹ và làm giám khảo?

Chắc chắn nếu bạn tổ chức thi vẽ tranh, bạn phải mời những họa sỹ có học trường lớp và có nổi danh làm giám khảo; thi văn thơ thì phải mời những giám khảo có học trường lớp về thơ văn và nổi tiếng. Còn thi hát thì phải mời giám khảo là các ca sỹ chuyên nghiệp, các giảng viên khoa thanh nhạc của nhạc viện (người giảng viên đó nổi tiếng hát hay thì tốt hơn)!. Tương tự, thi sáng tác âm nhạc (bao gồm nhạc thính phòng giao hưởng, ca khúc) thì phải mời những cử nhân, tiến sỹ, giáo sư từng tốt nghiệp khoa lý luận- sáng tác- chỉ huy của nhạc viện làm giám khảo, và tất nhiên nếu các nhạc sỹ đó đã từng làm nghề phòng thu âm nhạc, và có giọng hát hay nổi tiếng thì họ là siêu giám khảo!

Chúng ta quá dễ dàng nhìn thấy trong những năm qua, nước ta có những cuộc thi hát tầm cỡ quốc gia, cấp tỉnh… mà ban tổ chức mời giám khảo sai: đạo diễn, nhạc sỹ, nhà báo, diễn viên điện ảnh, nghệ sỹ múa… không hát chuyên nghiệp được  mà lại được mời làm giám khảo chấm thanh nhạc.

Hay có nhiều cuộc thi sáng tác ca khúc ban tổ chức lại đi mời ca sỹ nhạc sỹ không chuyên nghiệp làm giám khảo chỉ vì họ nổi danh; và có khi mời giám khảo là đạo diễn, nhà báo, giám đốc ngành văn hóa thì là quá sai và nhầm lẫn!

Tôi xin nhắc lại: thi sáng tác ca khúc thì mời giám khảo là người nhạc sỹ chuyên nghiệp giỏi văn thơ,  biết hòa âm phối khí và hát hay hát đúng kỹ thuật thanh nhạc là tốt nhất, và sau đó tốt nhì là mời các ca sỹ chuyên nghiệp chấm thi sáng tác ca khúc. Như vậy ắt hẳn là giám khảo sẽ chấm đúng.

Trả cát sê sao cho thỏa đáng với ca sỹ, nhạc sỹ?

Tôi viết bài này để công chúng biết rõ thế nào là một ca sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp, tôi nghĩ bài viết sẽ góp phần hữu ích về việc nhận định đánh giá giá trị của một ca sỹ, nhạc sỹ đúng nghĩa, từ đó các tổ chức xã hội, các cá nhân sẽ biết thưởng thức âm nhạc hơn, và biết trả giá đúng tiền Cachet (cát sê - tiếng Pháp) cho ca sỹ, nhạc sỹ phù hợp với giá trị tài năng của họ!. Vì vài thập kỷ gần đây chuyện tiền cát sê rất bất công trong làng ca nhạc sỹ Việt Nam. Nên qua bài viết này, tôi rất mong các tổ chức xã hội như đài Phát thanh, Truyền hình, báo chí, trung tâm băng đĩa, sân khấu, trung tâm bảo vệ tác quyền…, và các cá nhân, các đại gia hãy lưu tâm trong việc trả cát sê cho ca sỹ, nhạc sỹ, để trả sự công bằng cho tài năng và bằng cấp của họ!

Việc trả cát sê cho ca sỹ, nhạc sỹ nước ta tôi không cần minh chứng chắc bạn đọc cũng đủ biết. Một ca sỹ không chuyên nghiệp nhưng nhờ truyền thông PR thành ca sỹ sao có thể cát sê lên đến vài chục nghìn USD, một ca sỹ học trường lớp nhạc viện chuyên nghiệp cát sê lại có khi chỉ vài triệu đồng!.

Những năm 1991-1999  tôi học tại nhạc viện TPHCM, một nhạc sỹ, giáo sư đi giảng dạy một buổi  được 8.000 đồng, trong khi một ca sỹ không trường lớp nổi danh nhạc thị trường cát sê từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng cho một show diễn!

Và hiện nay, tác quyền của tôi cũng như các nhạc sỹ khác từ báo, đài, karaoke, mạng xã hội… chỉ dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng một ca khúc cho một lần sử dụng (thỉnh thoảng một ca khúc được hát trong sự kiện lớn hoặc sản xuất MV thì được trả 2.000.000 đồng cho một bài hát), trong khi một ca sỹ hát tác phẩm của tôi ít nhất thu được từ 1.000.000 đồng đến 7.000 USD tiền cát sê trên một show diễn. Một ca sỹ hát phòng trà ca nhạc cát sê được khoản từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng vì họ không nổi tiếng, nhưng họ hát rất hay và rất nhiều ca sỹ chuyên nghiệp phải hát như vậy kiếm sống!

Qua bài viết này, tôi mong sao quý bạn xem và nghe nhạc hãy nhìn nhận vinh danh đúng giá trị của ca sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp! Mong sao các cơ quan, tổ chức thẩm định tác quyền; các đài, báo, mạng xã hội; các tổ chức, cá nhân, bầu show ca nhạc… hãy ý thức và cân nhắc  khi trả cát sê cho ca sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp để công bằng hơn cho tài năng công sức của người ca sỹ, nhạc sỹ; góp phần phát triển cho nền tân nhạc Việt Nam!

Nhạc sỹ Trần Quế Sơn