Nhà báo Hồ Tấn Vũ "xác tín niềm tin" trong tiểu thuyết đầu tay
Với nhà báo Hồ Tấn Vũ, văn chương, tìm đến anh và buộc anh ngồi lại...
Cởi thoát nỗi đau
Nếu Hồ Tấn Vũ không kể với tôi về chuyên ngành anh từng học ở giảng đường đại học, tôi vẫn đinh ninh rằng đồng nghiệp của mình đã từng theo học ngành xã hội nhân văn. Nhưng, Vũ tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, rồi rẽ sang con đường liên quan đến chữ nghĩa, đó là nghề báo. Với một nhà báo dày dạn kinh nghiệm như Hồ Tấn Vũ, văn chương, lại là một chọn lựa có phần mạo hiểm, để anh có thể minh chứng cho bản thân mình, rằng anh đã vượt qua ranh giới đó. Văn chương, tìm đến anh và buộc anh ngồi lại. Trong những khoảng thời gian được chia đều giữa công việc quản lý báo chí, bận rộn với công việc xuất bản báo chí thời sự hàng ngày, Hồ Tấn Vũ đã đặt ra cho bản thân một dự án phải hoàn tất một tác phẩm văn học, để trước hết là tặng chính bản thân mình và những người thân.
Đọc những dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng", tôi bị ám ảnh về thân phận con người với sự giằng xé giữa rất nhiều mối quan hệ, nỗi đau, sự tuyệt vọng và mơ hồ về điều tận cùng SỐNG. Và chính sự ám ảnh đó, đã dẫn tôi đi dọc hành trình và đọc kỹ hơn 400 trang viết đầy đặn, chỉn chu của Hồ Tấn Vũ. Có những đoạn, đọc như đi cùng nội tâm người viết, như thở, khóc cùng nỗi đau tột cùng của tác giả khi đặt bút viết những dòng thấu tận tâm can.
Tuyến nhân vật được tác giả xây dựng với những cái tên riêng, ngắn gọn, gợi và tạo được sự xung đột trong từng tính cách, từ đó, sự khéo léo sử dụng ngôn ngữ sắc bén của một nhà báo biện luận cho diễn biến tâm trạng, khắc họa tính cách và diễn biến tâm lý không trùng lắp.
Tiểu thuyết "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng" được chia làm ba phần với 32 chương tổng thể. Tên gọi theo dòng ký ức của nhân vật Tấn với Gió qua làng Hạ, Vũ điệu dưới hầm sâu và Quần đảo lạc loài. Đây như là những vùng ký ức của tác giả trong suốt hành trình thơ bé đến lớn lên với những trải nghiệm, vấp váp buộc phải nếm trải. Từng trang viết, như một khối nguyên thủy, khát khao được tách bóc ra dưới ngòi bút sắc lạnh, đôi khi cảm xúc trơ ra dẫu đó là với nỗi đau. Những địa danh trong tiểu thuyết như làng Hạ, đồi Chè, đồi Ma, đồng Chuông, núi Chúa, một miền quê biển quen thuộc của xứ Quảng… hay ở một nơi xa xôi như những địa danh ở đất nước Nhật Bản, người đọc, nếu kỹ tính, sẽ thấy đây là những dấu mốc thời gian gắn với số phận từng nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Tấn Vũ.
Tác giả đã phải gói mở từng mối nhân duyên trong cuộc đời của nhân vật Tấn cùng tất cả những nhân vật khác xoay quanh cuộc đời Tấn để đi đến tận cùng nỗi đau, tuyệt vọng, rồi trỗi dậy bằng một hình hài như bóng dáng một hồn ma, rồi tan như sương, trên đồi chè mọng trầm ký ức. Vẻ đẹp ngỡ tươi nguyên đó của thiên nhiên, ngỡ là bình yên nhưng ẩn sâu bên trong là một cơn bão cuồng phong có thể nổi lên bất cứ lúc nào.
Ba phần của tiểu thuyết "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng", mỗi phần đều có sự kết nối thông qua hình ảnh và nhân vật chính Tấn. Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh về một làng quê quen thuộc ở miền Trung Việt Nam, cụ thể là quê hương của tác giả - một huyện vùng xa của tỉnh Quảng Nam. Hồ Tấn Vũ thể hiện cấu trúc và kỹ thuật viết bằng cách kể chuyện. Tác giả xây dựng tiểu thuyết theo cấu trúc mở, cho phép tác giả dẫn dắt người đọc từ hiện thực cuộc sống đến diễn biến tâm lý của nhân vật và kết thúc câu chuyện mở ra một không gian mới.
Xác tín niềm tin
Hồ Tấn Vũ chia sẻ: Tôi mất 6 tháng liên tục để hoàn tất tác phẩm này. Mỗi ngày viết gần 1.000 chữ và đặt ra kỷ luật cho bản thân buộc phải hoàn thiện và không được bỏ dở. Trong suốt thời gian này, tôi đã trăn trở và xác định rõ từng nhân vật, kết cấu, xâu chuỗi từng câu chuyện để có thể truyền tải được câu chuyện của mình. Với bản thân tôi hay ai trong chúng ta cũng vậy, quê hương là điều ám ảnh, và quê hương là căn cốt góp phần định đoạt tính cách, nội tâm của một con người. Hy vọng tác phẩm góp thêm được một góc nhìn về cuộc đời và nếu ai đó đọc tác phẩm, thấy được một chút hình bóng họ trong đó, với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất.
Quê hương, với mỗi người, đều là sự hiện diện của cốt cách. Và nếu như mạch chảy trong tiểu thuyết "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng" có lúc đưa người đọc đến những sự ngờ vực, thì vẫn đầy ắp một hình hài hiện sinh. Của những bất an, khốn khó, tàn phá, tận thu tài, khoáng sản với những bài học đắt giá, hậu họa khôn lường đang tác động mạnh lên bức tranh vốn bình yên, giàu đẹp của một vùng quê. Vàng, khoáng sản, trầm… hay bất cứ thứ gì con người kiếm tìm, sỡ hữu đều phải đổi bằng mạng sống của mình. Đây chính là hơi thở cuộc sống, hiện thực xã hội mà nhà báo Hồ Tấn Vũ đã mạnh dạn thể hiện trong tiểu thuyết "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng".
Đó là cách anh xác tín niềm tin với con chữ, với cuộc đời và mong muốn tác phẩm đầu tay này sẽ là một điểm tựa, để anh tiếp tục dấn thân và vượt qua ranh giới đời thực để truyền tải vào văn chương.
Giá trị của văn chương, căn cốt nhất vẫn là thông điệp ẩn sau câu chữ, và Hồ Tấn Vũ, đã bước qua ranh giới chính mình để thấu nỗi đơn độc trong hành trình viết - Bằng tất cả trách nhiệm của một người cầm bút, trước cuộc đời.
Nguyễn Thị Anh Đào
Nhà báo Hồ Tấn Vũ, sinh năm 1978, quê Quảng Nam, hiện là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ khu vực Trung Trung Bộ. Anh vừa ra mắt tiểu thuyết đầu tay với tựa đề "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng" do NXB Đà Nẵng in, phát hành quý II-2025. |