Các cơ sở kinh doanh phế liệu: Hiểm họa tiềm ẩn

Thứ ba, 06/03/2018 18:00

Kinh doanh, tái chế phế liệu là ngành nghề kiếm sống khá phổ biến của một lượng lớn người lao động hiện nay. Tuy nhiên nó lại như một “quả bom nổ chậm”, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Cán bộ kiểm tra chỉ ra tồn tại của cơ sở là dây điện câu mắc chằng chịt.

“Bom nổ chậm”

Hoạt động mua bán phế liệu là loại hình kinh doanh góp phần làm sạch môi trường đồng thời còn giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn tiềm ẩn một số bất cập, tác động xấu đến môi trường và nguy cơ cháy nổ, nhất là trong những khu vực dân cư. Hiện trên địa bàn Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng) có 48 cơ sở thu mua phế liệu. Phần lớn các cơ sở này đều tập trung trong khu dân cư nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân khiến người dân khu vực luôn nơm nớp lo âu. Đặc biệt, các điểm thu mua phế liệu này hầu hết đều chưa đảm bảo yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).Ông Nguyễn Văn N (trú P.  Nam Dương, Q, Hải Châu) tỏ ra lo lắng khi gia đình ở gần điểm kinh doanh phế liệu số 243-Hoàng Diệu, sợ ban đêm cơ sở này xảy ra cháy thì sẽ gây cháy lan trong khu dân cư, rất nguy hiểm. Nếu được, ông mong chính quyền sẽ có kế hoạch di dời các điểm kinh doanh phế liệu ra khỏi khu dân cư càng sớm càng tốt.

Trước thực trạng đáng báo động về nguy cơ cháy nổ tại cơ sở phế liệu, thời gian qua, UBND Q. Hải Châu đã có Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 17-1-2018 về việc: “Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tại cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn Q. Hải Châu”. Theo đó UBND quận đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh phế liệu trên toàn địa bàn. Nội dung kiểm tra tập trung vào ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở kinh doanh; việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật PCCC và các quy định hiện hành; xử lý các lỗi vi phạm; hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Qua kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở phế liệu, nhận thấy rằng các mặt hàng kinh doanh tại cơ sở đa phần là những vật liệu dễ cháy và đủ chủng loại như (giấy, túi ni-lông, nhựa phế phẩm, các thiết bị điện đã qua sử dụng...). Các mặt hàng này đa phần không được sắp xếp gọn gàng, hệ thống dây dẫn điện đã cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt và không được luồn trong ống nhựa bảo vệ. Mặt khác, nhận thức về kiến thức pháp luật PCCC của chủ cơ sở còn nhiều hạn chế; chưa trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy; một số cơ sở không xây tường ngăn cháy nên khi có cháy xảy ra sẽ không tự cứu chữa và dễ gây nguy cơ cháy lan, cháy lớn.

Kiểm tra hạn sử dụng của bình chữa cháy.

Hệ thống điện chưa đảm bảo yêu cầu

Trong các cơ sở hoạt động kinh doanh tái chế phế liệu, việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện an toàn điện là một trong những yêu cầu cốt yếu. Bởi chỉ cần một tia lửa điện cũng có khả năng gây cháy nổ rất cao; khả năng cháy lan không thể kiểm soát rất lớn. Qua kiểm tra thực tế còn tồn tại nhiều cơ sở vi phạm trong việc quản lý và sử dụng điện. Điển hình như cơ sở kinh doanh phế liệu số 243-Hoàng Diệu do bà Bùi Thị Hoàng Phụng làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa của cơ sở sắp xếp không ngăn nắp, cản trở lối thoát nạn, điều kiện an toàn hệ thống điện của cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu, đường dây điện đi nổi, không được đặt ống bảo vệ, có dấu hiệu chạm chập…

Lực lượng Cảnh sát PCCC dù đã tiến hành kiểm tra, kiến nghị thực hiện nhưng chủ cơ sở cũng chỉ có thể thực hiện các kiến nghị như trang bị bình chữa cháy, lắp đặt bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC. Còn các giải pháp kỹ thuật khác như trang bị các hệ thống PCCC không thực hiện được. Vì vậy, khi xảy ra sự cố thường là cháy nổ lớn, không thể dập tắt ngay từ ban đầu.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Tuấn- Cán bộ Đội Kiểm tra Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, để đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở kinh doanh phế liệu, các cơ sở cần thực hiện các biện pháp như sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không để hàng hóa, vật dụng trên lối thoát nạn, gần nơi đun nấu, thờ cúng, sát đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện; thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay các sai phạm, thiếu sót của hệ thống điện. Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng, không để xảy ra chạm chập, quá tải gây cháy. Trang bị các thiết bị chữa cháy nhằm chủ động kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ lúc ban đầu hoặc ngăn chặn sự phát triển của đám cháy không để cháy lan và cháy lớn.

Thực tế cho thấy, kinh doanh thu mua phế liệu luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ, ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Do đó, rất cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng đối với lĩnh vực kinh doanh này. Đối với các chủ cơ sở kinh doanh, phải thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc tự bảo quản, tránh các nguy cơ cháy nổ thì mới đảm bảo an toàn cho quá trình kinh doanh của mình.

VIỆT THÀNH