Các công trình trọng điểm - kỳ vọng, yêu cầu và giải pháp

Thứ hai, 12/10/2020 22:22

Đồng chí LÊ TÙNG LÂM

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố

Nói đến công trình trọng điểm là nói đến công trình Ý Đảng, lòng Dân. Công trình trọng điểm xuất phát từ thực tiễn, được đề ra từ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của thành phố. Mỗi thời kỳ, giai đoạn thành phố luôn xác định rõ các công trình trọng điểm cần phấn đấu nỗ lực hoàn thành. Thời gian bắt đầu đến khi kết thúc đối với các công trình trọng điểm lâu nay thường không quá 5 năm (trừ các công trình có quy mô lớn hoặc bị kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau). Chính vì vậy các công trình trọng điểm thường mang đậm dấu ấn nhiệm kỳ, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, sức sống, sức bền, sức vươn của thành phố. Mỗi công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng là thành quả của quyết tâm chính trị, sự đồng thuận, trí tuệ sức lực hệ thống chính trị, người dân, các ngành tại địa phương, các chủ thể liên quan đến hoạt động xây dựng (chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án, tư vấn, thi công, cung ứng…). Mỗi công trình trọng điểm là nhiệm vụ, bài toán lớn, khó nhưng luôn được kỳ vọng, yêu cầu cần “giải” nhanh và chính xác, luôn được đòi hỏi cao về tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả công trình. Chính vì vậy nó được xem thước đo ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tài năng của các chủ thể liên quan đến việc quyết định chủ trương đầu tư, tham gia triển khai dự án.

Đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao.

Hơn 20 năm qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều công trình trọng điểm quan trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị. Đó là những cây cầu bắc qua sông Hàn (cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước…), nút giao thông Ngã Ba Huế; đường Vành đai phía Nam thành phố, đường DT602, đường Hoàng Văn Thái, đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa - Trường Sa - Võ Nguyên Giáp), đường Nguyễn Tất Thành… Tiếp đó thành phố đã đầu tư xây dựng hàng loạt các Khu dân cư phục vụ tái định cư trên địa bàn Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hòa Vang và nhiều khu đô thị khang trang, sạch đẹp cũng được hình thành. Tập trung đầu tư xây dựng các bệnh viện, trạm y tế như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện 600 gường (nay là bệnh viện Sản Nhi); Trường PTTH Lê Quý Đôn, Trường THCS Nguyễn Khuyến, Trường THPT Phan Châu Trinh… Cùng với đó, thành phố đã triển khai quy hoạch, xây dựng Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, công viên Phần mềm… Đầu tư phát triển công trình văn hóa thể thao, như: Sân vận động Hòa Xuân, Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm văn hóa triễn lãm, Nhà hát Trưng Vương, Nâng cấp cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng thành phố, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Thư viện thành phố; Trung tâm hành chính thành phố… Ngoài ra trong thời gian qua, với chủ trương “Có nhà ở” với sự quyết tâm cao của thành phố nhiều chung cư, nhà ở xã hội đã được hoàn thành đáp ứng nhu cầu ở ngày càng tăng. Hàng loạt các công trình thuộc Hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn… được đầu tư xây dựng. Tất cả đã được triển khai với quyết tâm, đồng thuận, trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân Đà Nẵng trong trong thời gian qua. Hướng đến và nỗ lực hoàn thành vì sự phát triển nhanh, bền vững của Đà Nẵng.

Tiếp nối các thành công ban đầu đã đạt được, vượt qua các khó khăn trở ngại trong những năm gần đây, thành phố đã và đang tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng nhiều công trình công trình trọng điểm mang tính chiến lược và có ý nghĩa hết sức quan trọng với tầm nhìn xây dựng Đà Nẵng trở thành ĐÔ THỊ LỚN, THÔNG MINH, SINH THÁI. Tính đến cuối năm 2019, thành phố Đà Nẵng có 73 dự án trọng điểm có 46 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố và vốn ngân sách Trung ương theo chương trình mục tiêu; 8 dự án đầu tư từ các cơ quan bộ, ngành; 19 dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà đầu tư. Hàng loạt các dự án này đã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Điểm nhấn trong hoạt động thi công là dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố (OFID) với 2 công trình có quy mô lớn là đường dẫn và cầu qua sông Cổ Cò; đường vành đai phía Tây 2; Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn 2; Trung tâm Phẫu thuật thần kinh - chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng; Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2; mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi; dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà; nâng cấp, cải tạo hạ tầng dự án Bãi rác Khánh Sơn; nâng cấp và cải tạo đường ĐT 601; cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; dự án xây dựng thành phố thông minh hơn…

Tại Quyết định số 393/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định nhằm mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, đô thị toàn cầu và đô thị khởi nghiệp sáng tạo. Người dân Đà Nẵng có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Quang cảnh thành phố Đà Nẵng dọc sông Hàn.
Một số dự án được ưu tiên đầu tư tại Đà Nẵng gồm: Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Bắc). Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của Âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng; đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm (metro), tàu điện (tramway). Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trường học đảm bảo phục vụ công tác dạy và học; Khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái khu vực Khe Răm; Bệnh viện Đà Nẵng (cơ sở 2, Hòa Quý); mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (quy mô 1.000 giường); Chợ đầu mối Hòa Phước; Trung tâm thương mại chợ Cồn; Khu du lịch Làng Vân; Công viên văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn; Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và hạ tầng kỹ thuật Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn; Dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ; mở rộng Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. Đầu tư mới nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1, giai đoạn 2; Mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 và các dự án nâng cấp nhà máy nước cầu Đỏ, đầu tư mới Nhà máy nước Hòa Trung.

Để chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020) và Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án của thành phố đang tập trung quyết liệt triển khai nhiều dự án như: Vườn tượng APEC mở rộng; Tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành; Xử lý ngập úng khu vực lân cận hạ lưu tuyến cống Khe Cạn - ngã Ba Huế; Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (giai đoạn 2);  Nâng cấp, cải tạo Hệ thống xử lý nước rỉ rác tại Bãi rác Khánh Sơn (giai đoạn 2); Cải tạo 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng; Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1); Trung tâm y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1), Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (giai đoạn 2); Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 1); Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (giai đoạn 2); Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn.

Kinh nghiệm cho thấy, tiến độ, chất lượng dự án, công trình trọng điểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên khi triển khai dự án cần quan tâm giải quyết 6 vấn đề cụ thể sau đây:

- Tính cấp thiết, khả thi của kế hoạch, danh mục công trình trọng điểm: Việc đề xuất danh mục, kế hoạch triển khai cần được nghiên cứu, đề xuất, xem xét, phê duyệt một cách khoa học, cẩn trọng, nghiêm túc, vừa tổng thể và cụ thể, kết hợp trước mắt và lâu dài. Xác định rõ nguồn vốn, phân kỳ hợp lý, đảm bảo kinh phí thực hiện dự án; có như vậy thì kế hoạch triển khai mới khả thi trong thực tế.

- Năng lực của các chủ thể liên quan: chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị…: Xem xét, lựa chọn các đơn vị có uy tín, năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án là rất quan trọng. Trong đó cần đặc biệt lưu ý việc lựa chọn Ban quản lý dự án, tiến độ chất lượng dự án phụ thuộc vào khả năng, năng lực của Ban quản lý đối với việc điều hòa, điều hành, điều phối các chủ thể liên quan trực tiếp đến dự án: Cơ quan chuyên môn ở địa phương - Đơn vị Thiết kế - Đơn vị Thi công - Đơn vị cung ứng khác… Thực tế cho thấy, các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ, chất lượng đều có sự đóng góp to lớn của các ban quản lý dự án có năng lực, uy tín.

- Công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư: Đây là điểm nghẽn hiện nay xảy ra các công trình trọng điểm chậm tiến độ. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cần tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để có các phương án khả thi, hiệu quả hơn. Hệ thống chính trị thành phố cần tập trung nghiên cứu, bàn bạc tháo gỡ. Công tác dân vận cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm trong thời gian qua nhưng cần bám sát các phát sinh thực tiễn đặt ra liên quan lợi ích, quyền lợi hợp pháp của nhân dân về đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư.

- Tiến độ, chất lượng các khâu, giai đoạn triển khai dự án (lập quy hoạch, lập dự án, thiết kế, thi công…): Để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án công trình trọng điểm cần tập trung triển khai và hoàn thành từng khâu, giai đoạn đảm bảo yêu cầu đã đặt ra.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

- Sự phối kết hợp giữa các bộ phận/ phòng ban trong một đơn vị, giữa các đơn vị khác nhau: Quy trình, thủ tục đầu tư hiện nay phải qua nhiều khâu, nhiều bước, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư. Điển hình như khâu quy hoạch cần lấy ý kiến cá nhân, cơ quan tổ chức, cộng đồng dân cư trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt các đồ án quy hoạch; khâu phê duyệt gồm nhiều bước như chủ trương, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, lựa chọn nhà thầu... Cần phát hiện, nhận diện các vấn đề cần giải quyết, rút ngắn thời gian phối hợp với những phương thức mới sáng tạo, hiệu quả hơn.

- Quản lý luồng thông tin từ khi bắt đầu đến khi kết thúc dự án, đòi hỏi việc phân tích, xử lý, đánh giá và lựa chọn thông tin đầy đủ, đa chiều, chính xác và kịp thời: Thực tế cho thấy quản lý dự án nói chung và quản lý thông tin dự án nói riêng, luôn phức tạp, khó lường. Việc nắm bắt các điều chỉnh, bổ sung các nội dung, nhiệm vụ, công việc phát sinh trong quá trình triển khai dự án là hết sức khó khăn, tiêu tốn nhiều nguồn lực. Nếu không quản lý tốt sẽ gây ra thất thoát, lãng phí thời gian, kinh phí và ảnh hưởng lớn tiến độ, chất lượng dự án, công trình.

Để giải quyết tốt các vấn đề nêu trên góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả các công trình trọng điểm của thành phố trong thời gian tới; thiết nghĩ các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung, nghiên cứu và triển khai một số giải pháp, nội dung sau:

Triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển nguồn nhân lực, Đề án thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung khắc phục việc dữ liệu rời rạc, cát cứ, chưa được chia sẻ giữa các ngành để tạo ra các giá trị mới phục vụ các ứng dụng thông minh và công khai cho người dân... Hoàn thiện cơ chế, chính sách và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thành phố hiện đại, đồng bộ, bảo đảm năng lực và an toàn, an ninh thông tin nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo…; góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, hiện đại và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nâng cao chất lượng công tác tư vấn quy hoạch, lập dự án, thiết kế: Tiếp tục phát huy hiệu quả đem lại từ các cuộc thi ý tưởng phương án quy hoạch, kiến trúc: Cảnh quan ven sông Hàn, Công viên APEC, Công viên 29 tháng 3, Bảo tàng Đà Nẵng… Nghiên cứu lựa chọn, đẩy mạnh hợp tác với các tư vấn trong và nước ngoài có năng lực thực sự. Áp dụng hình thức đầu tư xây dựng EPC đối với các hạng mục, công trình, dự án có quy mô lớn/phức tạp/đặc thù.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, hiệu quả trong công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án, công trình xây dựng, cụ thể như: Ảnh viễn thám; Công nghệ GIS (Hệ thống thông tin địa lý), Máy quét ảnh 3D cho hạng mục, công trình; Công nghệ lắp ghép với cấu kiện tính năng cao; Công nghệ khoan ngầm đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Công nghệ BIM (Quản lý thông tin xây dựng).

Rà soát, cải tiến quy trình, phương pháp phối hợp, làm việc ngày càng hiệu quả hơn. Nghiên cứu rút ngắn thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất công việc là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay. Ngay từ đầu năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu các ngành, các địa phương phải có sáng kiến mang lại hiệu quả trong công việc; đồng thời đã yêu cầu mỗi sở ngành, quận huyện trong năm 2020 phải có 10 sáng kiến trong ngành, lĩnh vực của mình và 10 sáng kiến cho các ngành, lĩnh vực liên quan đến đơn vị mình. Có thể xem đây vừa là giải pháp, vừa là động lực để cán bộ, công chức, viên chức tìm tòi, sáng tạo, đổi mới quy trình, phương pháp, lề lối làm việc nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.

Tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải tỏa đền bù, đầu tư xây dựng, ngân sách và đẩy mạnh phân cấp, cải cách thủ tục hành chính.

Triển khai mạnh mẽ việc số hóa tài liệu hồ sơ, bản vẽ dự án công trình xây dựng; việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành Xây dựng và toàn thành phố là cấp thiết, quan trọng. Đề án thành phố thông minh đã nêu rõ: Cần hoàn thiện Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến năm 2020 có 50% hồ sơ nộp trực tuyến, năm 2025 là 65%, năm 2030 là 80%; xây dựng kho dữ liệu mở thành phố phục vụ dùng chung cho các cơ quan của thành phố.

Mô hình hóa sinh động (3D), Trực quan hóa, Công khai hóa Đồ án quy hoạch, phương án thiết kế để tạo điều kiện cho các chủ thể liên quan tiếp cận, nghiên cứu, trao đổi, tham gia, phối hợp trong tiến trình triển khai dự án. Công tác vận động, thuyết phục nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng sẽ dễ dàng hơn khi người dân Thấy - Biết - Hiểu một cách đầy đủ các phương án, chính sách tái định cư.

Để tạo niềm tin sự đồng thuận của nhân dân, cần giải quyết các vướng mắc, tồn tại các dự án cũ chậm triển khai như việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép có thời hạn cho các trường hợp có nhu cầu thực sự…Đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách giải tỏa đền bù, tái định cư phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của thành phố nói chung và ngành xây dựng nói riêng (cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật) đủ phẩm chất, bản lĩnh, năng lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cầu Rồng - một trong những điểm nhấn về kiến trúc của thành phố Đà Nẵng.

Công trình trọng điểm luôn là thử thách to lớn, nhiệm vụ chính trị nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung, quyết tâm cao độ, cống hiến tâm huyết, trí tuệ và sức lực để vượt qua khó khăn, thách thức triển khai dự án đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong giai đoạn hiện nay với xu thế cách mạng 4.0, cần có cách tiếp cận mới và triển khai thực hiện dự án, công trình trọng điểm  với tư duy, cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị (năm 2019) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã nêu rõ: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức. Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng…”. Với quan điểm, tinh thần đó, hy vọng trong thời gian đến với cách tiếp cận mới, quyết tâm cao độ, các dự án, công trình trọng điểm của thành phố sẽ được triển khai, hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả; góp phần xây dựng Đà Nẵng trờ thành một đô thị lớn, thông minh, sinh thái trong tương lai không xa.

L.T.L