Các hoạt động bổ ích cho học sinh
Nhằm trang bị những kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, bồi đắp phẩm chất, đạo đức cho học sinh (HS), trong thời gian qua, các trường học trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam đã tích cực tổ chức hoạt động giáo dục hết sức bổ ích, mang ý nghĩa nhân văn thiết thực.
Công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống cho học sinh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. |
Phong phú, đa dạng các hoạt động
Là một trong những trường học dẫn đầu thành tích của TP Đà Nẵng, thời gian qua, Trường Mầm non – Tiểu học và THCS Đức Trí (Q. Hải Châu) đã có nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS hết sức bổ ích, thông qua các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm, khám phá khoa học. Trong đó, có nhiều hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Không dừng lại ở việc giới thiệu, trang bị kiến thức cho học sinh, giáo viên, HS cùng tham gia tái hiện lại những hoạt động văn hóa, lễ hội đặc trưng của mọi miền đất nước. Tham gia hoạt động, HS được trải nghiệm, được sống trong không gian, không khí lễ hội văn hóa cổ truyền như gói, nấu bánh chưng, làm mứt tết, viết câu đối, làm bưu thiếp và tham gia các trò chơi đậm chất dân gian, ngộ nghĩnh, vui tươi của ngày xuân – Tết cổ truyền Việt Nam. Trong vai “hướng dẫn viên du lịch”, các em được thể hiện lòng tự hào, tình yêu đối với quê hương đất nước thông qua việc giới thiệu vẻ đẹp, những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc, vùng quê Việt Nam.
Theo Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Mầm non – Tiểu học và THCS Đức Trí, việc tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ nhằm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn giúp HS phát triển được năng lực, phẩm chất, đạo đức; đội ngũ giáo viên hoàn thiện được kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học. “Xác định được điều đó nên nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho HS tham gia các hoạt động, cuộc thi thể hiện kiến thức, tài năng, sáng tạo nhằm phát triển tri thức, thể chất, kỹ năng, đạo đức, cảm xúc thẩm mỹ của mình. Qua đây cũng nhìn lại và đánh giá kết quả hoạt động giảng dạy của nhà trường, từ đó đề ra các chủ trương, giải pháp trong thực hiện đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá dạy học theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, cô Nga chia sẻ.
Các hoạt động giáo dục nhân cách, phẩm chất HS được nhiều trường học linh hoạt triển khai tổ chức mang lại hiệu quả tích cực. |
Hoàn thiện môi trường giáo dục
Với đặc điểm của một trường miền núi có điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, trong những năm vừa qua, với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa cho HS dân tộc thiểu số, Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, biên giới H. Tây Giang, Quảng Nam) đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS thông qua các trò chơi dân gian, lễ hội mang đậm chất văn hóa địa phương.
Cô Hồ Thị Tâm - Hiệu trưởng PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, nói lý, hát lý, trình diễn trang phục truyền thống... đã trở thành những sinh hoạt truyền thống tại trường trong nhiều năm học qua. Đây là những hoạt động nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, đồng thời cũng là dịp để HS dân tộc thiểu số gìn giữ phong tục tập quán. Điều đặc biệt, các hoạt động này ngoài sự tham gia đông đảo của thầy cô giáo, học sinh, còn nhận được sự hưởng ứng của các già làng, trưởng bản am hiểu nghệ thuật đến tham dự.
“Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, việc HS đam mê trò chơi điện tử mà quên đi những trò chơi dân gian là điều không thể tránh khỏi. Ngày hội nhằm giáo dục và tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân gian qua các trò chơi. Ngoài ra, qua đó còn giúp nhà trường thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế, rèn luyện kỹ năng sống và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS”, cô Tâm bày tỏ.
Không dừng lại ở việc đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy, năm học này, Trường PTDTBT Trà Don (H. Nam Trà My, Quảng Nam) còn mời các nghệ nhân truyền dạy những điệu múa cồng chiêng cho HS. Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng trường PTDTBT Trà Don, cho hay: Việc mời các nghệ nhân của địa phương, các cựu chiến binh tham gia vào công tác giáo dục truyền thống cho HS là một nét mới trong hoạt động giáo dục đạo đức, nhân cách HS của nhà trường. Cách làm này không những giúp các em có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của dân tộc, khuyến khích các em tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc dân tộc thiểu số, góp phần khơi dậy và phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; mà còn góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống cho HS. Chính vì ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc đó mà trong thời gian qua các hoạt động giáo dục của nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nghệ nhân, phụ huynh, HS.
Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của ngành GD-ĐT các địa phương, cùng sự chủ động, sáng tạo của các đơn vị trường học, sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống cho HS ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Các hoạt động giáo dục đã thực sự tạo không khí vui tươi, sân chơi lành mạnh trong các trường học; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho HS. Các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối đổi mới hoạt động dạy học, đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội, xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh.
KHẢI MINH