Các trạm trung chuyển xe buýt đã tối giản hết mức
Đà Nẵng có chủ trương di dời 5 tuyến xe buýt liền kề từ Quảng Nam ra khỏi Trung tâm TP từ rất lâu, song lần lữa mãi vẫn chưa thực hiện được, lý do vì chưa xây xong các Trạm trung chuyển xe buýt tại 6 điểm như dự kiến.
Khu nhà làm việc 220 m2 tại Trạm trung chuyển xe buýt trước Trung tâm hành chính H. Hòa Vang. |
Đà Nẵng đã có tuyến xe buýt trợ giá phủ khắp TP, đảm bảo chất lượng, mỹ quan. Vì vậy, các tuyến xe buýt liền kề từ Quảng Nam đi thẳng vào trung tâm TP trong tình trạng nhếch nhác, mất an toàn, xuống cấp vẫn tồn tại khiến người dân TP rất bức xúc. Để điều chỉnh không cho các tuyến buýt liền kề này vào trung tâm, đòi hỏi TP Đà Nẵng phải xây dựng các Trạm buýt trung chuyển như ở Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn... Nhưng tiến độ các Trạm trung chuyển này rất chậm, một số ý kiến cho rằng do thiết kế công năng rườm rà, đồ sộ dẫn tới kéo dài thời gian. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Thuận- Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải TP Đà Nẵng cho biết, các Trạm trung chuyển xe buýt này đã được thiết kế tối giản hết mức song vẫn phải đảm bảo các công năng cơ bản.
Trước khi xây dựng, các trạm trung chuyển buýt này đã được nghiên cứu, thiết kế dựa trên mô hình nhiều nước tiên tiến đã triển khai. Ông Thuận nói, đây không chỉ là khu vực nối tuyến xe buýt giữa các tuyến buýt liền kề từ Quảng Nam với tuyến buýt trợ giá vào nội thành mà còn là điểm đầu, điểm cuối các tuyến buýt nói trên. Cụ thể, trạm sẽ là nơi các tuyến buýt đậu lại để phục vụ giờ cao điểm buổi trưa và chiều (xe dự phòng đậu lại). Tương tự, nhiều xe buýt phải đậu lại qua đêm để sáng hôm sau chạy phiên sớm nhất của các tuyến có điểm đầu, điểm cuối nhằm tránh lãng phí xe chạy rỗng huy động từ trung tâm TP ra. Mặt khác, các Trạm trung chuyển xe bus cũng chính là trạm bảo dưỡng sửa chữa nhanh (cầu rửa xe, thay lốp, bơm dầu mỡ...).
Tại Trạm trung chuyển xe buýt trước Trung tâm hành chính H. Hòa Vang, bãi đậu xe buýt được thiết kế đảm bảo cho khoảng 12 xe buýt đậu qua đêm để sáng hôm sau chạy phiên nhất, phiên nhì của các tuyến có điểm đầu, điểm cuối tại đây. Mỗi chuyến chỉ cách 15 phút, nếu không có bãi đậu, chuyến sớm nhất phải đánh xe rỗng từ trung tâm TP lên sẽ rất lãng phí. Mà có bãi đậu xe buýt qua đêm, điểm dừng trung chuyển xe buýt thì phải có khu vực bảo trì, bảo dưỡng nhanh, rửa xe. Ngoài ra, cũng cần xây dựng bãi đậu xe máy để người dân khu vực các xã lân cận như Hòa Phong, Hòa Khương... muốn đi xe buýt xuống trung tâm TP thì phải đi xe máy tới Trạm trung chuyển. "Một khi xe buýt lưu lại qua đêm, xe máy gửi lại, trạm bảo dưỡng nhanh hoạt động thì bắt buộc phải xây tường rào, cổng kiểm soát để bảo vệ tài sản đó", ông Thuận giải thích.
Bên cạnh bãi đậu thì Trạm trung chuyển phải có khu nhà làm việc phục vụ những việc thiết yếu. Chẳng hạn ở Trạm trung chuyển xe buýt Hòa Vang, khu nhà làm việc được xây dựng 2 tầng với diện tích 220m2. Trong đó, tầng trệt gồm nhà bảo vệ, khu nhà chờ cho hành khách đi xe buýt, phòng bán vé, nhà vệ sinh chung. Tầng 2 là nhà quản lý, phòng chốt lệnh và giám sát hoạt động xe buýt trên tuyến, nhân viên điều hành trạm xe buýt, phòng tổng hợp (dành cho họp nhanh, nghỉ kỹ thuật cho lái xe, nhân viên khi giờ thấp điểm). Ông Thuận cho biết, TP chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, việc tổ chức và các chi phí vận hành hoạt động các điểm đầu cuối này do đơn vị vận hành đã đấu thầu xe buýt và các doanh nghiệp tự chi trả.
Để khuyến khích người dân dùng xe buýt, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì phải có mạng lưới xe buýt chất lượng, phủ khắp, thuận tiện. Mỗi năm TP hỗ trợ hơn 80 tỷ đồng cho các tuyến xe buýt trợ giá, đồng thời bỏ chi phí đầu tư hạ tầng các trạm trung chuyển xe buýt khu vực ngoại vi để điều chỉnh không cho các tuyến buýt liền kề chất lượng thấp vào trung tâm TP. Hiện TP đang xây dựng 2 Trạm trong kế hoạch 6 Trạm, tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, dự kiến tới quý III- 2020 sẽ điều chỉnh không để các tuyến buýt liền kề từ Quảng Nam vào Trung tâm TP.
HẢI QUỲNH
>> Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Đừng kéo dài nỗi đau khổ của công nhân
>> Đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình