Các trường THPT tư thục thoi thóp
(Cadn.com.vn) - Trong khi hàng loạt các trường THPT công lập trên địa bàn TP Đà Nẵng nô nức bước vào năm học mới thì 3 trường THPT tư thục chỉ tuyển sinh được hơn 150 học sinh lớp 10 cho năm học 2013-2014, thấp kỷ lục nhất trong những năm qua. Với việc chỉ còn tuyển được khoảng 1% tổng số học sinh tốt nghiệp cấp 2 theo học, nhiều người đã tiên lượng về nguy cơ “xóa sổ” loại hình trường này trong nay mai.
“Rất bi đát”
Đây là câu nói của ông Phạm Sỹ Liêm–Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Quang Trung khi được chúng tôi hỏi về tình hình tuyển sinh của nhà trường cho năm học mới. Ông Liêm cho hay, năm học 2010-2011 cả 3 trường THPT tư thục là Quang Trung, Diên Hồng và Khai Trí tuyển sinh được 6% tổng số học sinh vào cấp 3 của toàn thành phố. Con số đó năm 2011-2012 là 4%, năm 2012-2013 là 2% và năm học này chỉ là 1%. Riêng trường Quang Trung dù đã gồng mình cũng chỉ tuyển được gần 100 học sinh trên chỉ tiêu ảo là 900 (tương đương với 20 lớp). Theo phân tích của ông Liêm, có khoảng 4,8% trong tổng số hơn 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS sẽ theo học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường tư thục, trường nghề và TCCN, ở nhà học nghề cùng gia đình và bỏ học sau khi xong chương trình cấp 2. Với con số này, 3 trường THPT tư thục của Đà Nẵng sẽ phải ngồi chờ “lọt sàng xuống nia”. “Năm kia chúng tôi tuyển được 6 lớp, năm ngoái chỉ còn 4 lớp và năm nay chật vật lắm mới được 2 lớp. Đây là hiện tượng bi đát chưa từng thấy từ trước tới nay. Cứ đà này, năm sau không biết sẽ như thế nào”, ông Liêm nói.
Trường THPT tư thục Khai Trí cũng thê thảm khi được giao chỉ tiêu là 135 nhưng chỉ tuyển được 33 học sinh. Ông Trương Văn Hùng–Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết, 1.030 học sinh thi trượt các trường công lập được chia cho 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, còn lại bao nhiêu mới đến lượt 3 trường ngoài công lập. “Không phải lọt sàng xuống nia nữa, mà lọt qua nhiều sàng, toàn là sàng lưới dày rồi mới đến nia”, ông Hùng ví. Cùng cảnh ngộ này, năm nay trường Diên Hồng tuyển sinh èo uột nhất tính từ ngày thành lập đến nay. Đã từng có thời gian, mỗi năm học mới trường tuyển sinh được hơn 10 lớp.
Chính vì tuyển sinh èo uột nên rất nhiều giáo viên lâu nay gắn bó với trường cũng buộc phải chia tay. Thậm chí không chờ đến lúc tinh giảm nhân sự, nhiều người đã phải chủ động “tháo chạy” để sớm tìm cho mình công việc khác. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nhiều giáo viên quay trở về với việc đi dạy kèm, dạy tại các trung tâm luyện thi, nhiều người có bằng thạc sỹ, có kinh nghiệm giảng dạy THPT hàng chục năm cũng phải về thi tuyển công chức vào dạy tiểu học.
Dù được cho chỉ tiêu 135 nhưng năm học này Trường THPT Tư thục Khai Trí chỉ tuyển được 33 học sinh vào lớp 10. |
Vì đâu nên nỗi?
Một trong những lý do mà lãnh đạo một số trường THPT tư thục đưa ra lý giải cho cơn khốn khó của hệ thống trường tư đó là nhiều trường công lập được thành lập. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường ngoài công lập được phân bổ về ngày càng ít. Lãnh đạo trường Quang Trung còn viện dẫn một số văn bản của ngành chức năng TP Đà Nẵng, các thông tư của Bộ GD-ĐT và cho rằng việc xây dựng trường công trong thời gian gần đây còn thiếu tính quy hoạch, số lớp được phân bố cho một số trường là quá lớn nên các trường tư chịu thiệt là lẽ đương nhiên.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Trương Văn Hùng–Chủ tịch HĐQT trường Khai Trí thẳng thắn nhìn nhận rằng, đầu vào của các trường tư chất lượng rất thấp nên khó đưa học lực của các em tốt lên được. Mà chất lượng đào tạo chưa cao thì việc thu hút học sinh khó khăn là tất yếu. “Không còn con đường nào khác là phải đầu tư trang thiết bị, chất lượng đào tạo và cả những chính sách ưu đãi cho người học. Như một số thành phố lớn, dạy tốt thì ắt sẽ có học sinh tìm đến. Chúng tôi đang quyết tâm cải tổ, không mong thu hút được trong ngày một ngày hai nhưng sẽ chọn hướng đi bền và vững chắc ngay từ bây giờ”, ông Hùng cho biết.
* Do tỉ lệ huy động ngoài công lập thực tế các năm qua vẫn duy trì ở mức thấp, nên trong Đề án quy hoạch phát triển, ngành GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt đến năm 2020 có tỉ lệ học sinh THPT ngoài công lập khoảng 15%. |
Theo ông Nguyễn Anh Quân-Phó trưởng phòng Kế hoạch-tài chính, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, năm học 2006- 2007, toàn thành phố có 19 trường THPT. Trong 7 trường THPT ngoài công lập thì các trường THPT dân lập, tư thục có 3.645 học sinh (chiếm 10,7%). Cho đến năm học 2012-2013, toàn thành phố chỉ còn 2.634 học sinh theo học các trường THPT dân lập, tư thục (chiếm 7,6%). “Chỉ tiêu huy động vào THPT ngoài công lập đạt thấp là do quy mô học sinh lớp 9 các năm qua giảm nhanh từ gần 15.000 học sinh xuống còn hơn 10.600 học sinh. Mặt khác do mức thu học phí của các trường ngoài công lập cao hơn 7-10 lần so với học phí của các trường công lập trong khi chất lượng đào tạo chưa được nâng cao nên phần lớn học sinh đều cố gắng vào trường công lập để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình“, ông Quân cho biết.
Năm học 2013 - 2014, để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tuyển sinh, Sở GD-ĐT đã tham mưu với UBND thành phố cho phép các trường này được xét tuyển trước các trường công lập, thời gian xét tuyển bắt đầu từ ngày 31-5 năm 2013 đến ngày 20-8. Đồng thời, giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tối đa theo đề xuất của các trường ngoài công lập là 1.665 HS/37 lớp, chiếm 15,7% so với tổng số học sinh lớp 9. Khách quan mà nói, xét về chất lượng đầu vào thì trường THPT tư thục là trường thiệt thòi nhất khi tiếp nhận đối tượng học sinh chủ yếu là học sinh yếu kém, không chỉ về học lực mà còn cả về hạnh kiểm. Dù có nhiều lý do khách quan tác động khiến các trường phải chật vật tuyển sinh để duy trì sự tồn tại thì các trường tư thục cũng không nên lãng quên trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi nói như ông Trương Văn Hùng: nếu dạy tốt thì ắt sẽ có học sinh tìm đến. Các trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), Trương Vĩnh Ký (TP Hồ Chí Minh)... là những ví dụ điển hình. Có lẽ trong cơn khốn khó này là lúc để họ nhìn lại chất lượng giáo dục của mình và tìm hướng tồn tại.
Công Khanh