Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Các tư lệnh ngành trả lời hàng loạt chủ đề nóng

Thứ năm, 21/11/2013 11:50

(Cadn.com.vn) - Ngày 20-11, QH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.

Phục hồi đà tăng trưởng của nông nghiệp

Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tiếp tục trả lời chất vấn. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã tham gia giải trình thêm một số nội dung ngành ngân hàng đã triển khai để hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển. Thống đốc khẳng định ngành ngân hàng đang tập trung sửa đổi lại các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng để phục vụ hiệu quả phát triển nông nghiệp.

Trả lời chất vấn của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề tạm trữ lúa gạo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đã cung cấp đầy đủ, kịp thời vốn cho công tác này. Các lĩnh vực khác, ngành cũng cung cấp một lượng vốn rất lớn cho các sản phẩm chủ lực của thủy sản như cá tra, cá basa, cà-phê... Thống đốc cho biết đến nay tổng dư nợ cho vay đối với người nghèo lên đến 118 nghìn tỷ. Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, thấu đáo tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong hai năm 2014-2015, cần tập trung phục hồi đà tăng trưởng GDP trong ngành nông nghiệp; phối hợp với các ngành và địa phương tập trung cho công tác xây dựng nông thôn mới.

Bổ nhiệm theo “tình” là một thực tế

Ngay sau phần chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH, xoay quanh các vấn đề nóng như: tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách chế độ công chức công vụ; chính sách tiền lương, phụ cấp; việc đào tạo, sử dụng và bố trí công tác với cán bộ là người dân tộc thiểu số...

Trả lời các câu hỏi về tiêu cực trong tuyển dụng công chức, viên chức, như chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền..., Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết nội dung thi tuyển đang được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu chuyên đề. Gần đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đổi mới cách thi tuyển công chức, với 4 môn, 5 bài thi, có 3 bài thi được thực hiện trên máy vi tính đó là tin học, ngoại ngữ, trách nhiệm về chuyên môn, 2 bài thi viết. Đề án đã được thí điểm ở Bộ Nội vụ, một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ Nội vụ đang tiếp tục bổ sung ngân hàng đề thi, hoàn thiện phần mềm thi trực tuyến trên máy vi tính, đảm bảo công tác tổ chức thi chuyên nghiệp hơn, tăng cường trật tự, kỷ luật, kỷ cương, đạt chất lượng tốt.

Trả lời câu hỏi của ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) về việc có hay không việc bổ nhiệm cán bộ theo tình nhiều hơn theo lý, một số cán bộ làm không tốt ở đơn vị này được điều sang đơn vị khác thuận lợi hơn? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận đây là một thực tế. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề cập việc đánh giá một số trường hợp cán bộ công chức chưa công tâm, khách quan. Quan điểm của Bộ Nội vụ là nếu quan hệ “tình – lý” trong sáng và hợp lý có thể chấp nhận nhưng nếu quan hệ “tình” mang tính ê – kíp, bè phái cần phản đối và có biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tuy bộ trưởng không khẳng định có tiêu cực nhưng việc bộ trưởng dẫn nghị quyết ra đọc, tức là thừa nhận là có tiêu cực, có tham nhũng trong bộ máy cán bộ công chức”.

ĐB Huỳnh Nghĩa: “Đến ngày 31-12-2012 cả nước có khoảng 1,7 triệu viên chức và 525.481 cán bộ, công chức. Trong đó về trình độ chuyên môn có hơn 64.000 CBCC chưa qua đào tạo. Đây là điều rất đáng buồn.

Vậy đề nghị Bộ trưởng đánh giá việc triển khai tổ chức thực hiện Luật CBCC như thế nào? Trong khi đó Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến nay có 30% CBCC không làm được việc, con số này thực hư ra làm sao? Với trách nhiệm là Bộ trưởng, tham mưu giúp cho Chính phủ trong việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ CBCCVC trong cả nước, có thấy điều bất hợp lý này hay không? Tại sao để kéo dài như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và Bộ trưởng làm gì để sớm giải quyết tình trạng nêu trên”.
 

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: con số 30% không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà là Phó Thủ tướng chỉ dẫn ý kiến dư luận.

Tại cuộc họp tổng kết ngành Nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập có ý kiến cho rằng có 30% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu ngành xem xét.

Theo Bộ trưởng, đây là những phản ánh, những kiến nghị, mong muốn chính đáng của cử tri, đòi hỏi chúng ta cần đổi mới cải cách công vụ, công chức nhiều hơn. Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức phải có các biện pháp toàn diện, đồng bộ.

Tăng cước 3G là chủ trương chung

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, thời gian qua người dân quan tâm đến việc tăng giá cước 3G, nhiều người cho rằng tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại giảm, theo bộ trưởng việc tăng như vậy có hợp lý không? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Chúng ta có tăng giá cước viễn thông, có thể nói đây là chủ trương chung của Nhà nước dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, và phù hợp với quy định hiện hành, phù hợp với các thông tư, nghị định và cam kết quốc tế của Việt Nam, vì vậy chúng ta không thể bán dưới giá thành.

Thời gian vừa qua, giá của chúng ta đã thấp hơn giá thế giới nhiều lần. Đợt nâng giá vừa qua cũng chưa tới giá thành. Chúng ta cũng chỉ nâng gói cước 3G data (vùng truyền số liệu và Internet), còn cước 3G thoại vẫn giữ nguyên, chưa tăng. Trong gói cước thì có gói tăng, gói giảm. Như vậy có thể nói việc tăng gói cước 3G là việc làm bình thường trong cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Hầu hết các nhà mạng đều trực thuộc Nhà nước, việc tăng gói cước 3G có thể nói cũng góp phần đóng góp cho Nhà nước. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đóng góp nhiều cho đất nước. Năm 2012, VNPT đóng góp khoảng 7.300 tỷ đồng, Viettel đóng góp 11.300 tỷ đồng cho đất nước...

“Lúa tốt sẽ không còn cỏ dại”

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Trả lời chất vấn của ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM về tình trạng quá nhiều trang mạng theo xu hướng “lá cải”, mô tả chi tiết những câu chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục, mô tả tỉ mỉ tội ác, vụ án để thu hút lượng người đọc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói trách nhiệm quản lý các trang tin đó thuộc nhiều ngành. Riêng trong trách nhiệm của Bộ thì Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trang tin vi phạm như áp dụng chế tài xử phạt, thu hồi giấy phép. Bộ trưởng cũng nói các cơ quan quản lý báo điện tử, trang mạng cũng cần phải tăng cường hơn nữa trong việc kiểm tra, định hướng báo đi đúng tôn chỉ, mục đích.

Nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng về thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí hiện nay được thực hiện chưa nghiêm túc. Nhiều vụ việc đã xảy ra nhưng báo chí chính thống chưa đăng tải trong khi các trang mạng đã đăng khiến dư luận bàn tán. Hơn nữa, thông tin của các trang mạng đôi khi không đúng, gây hậu quả rất tai hại trong khi báo chí chính thống lại quá chậm thông tin. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, cơ quan báo chí cần thực hiện đúng quy chế phát ngôn, kiểm chứng nguồn tin nên thông tin đôi lúc chậm hơn các trang mạng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, khi cung cấp thông tin chính thức, nếu thấy các trang mạng trước đó có thông tin sai thì các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải thông qua các báo chính thống để nói lại các thông tin sai đó, tránh tình trạng thông tin sai tiếp tục được lan truyền. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần làm tốt vai trò thông tin, định hướng của mình. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải tạo được niềm tin cho người đọc. Khi báo chí làm tốt vai trò thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, chính xác, đảm bảo không sa đà vào việc mô tả chi tiết, tỉ mỉ các hành vi bạo lực, xâm phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục thì sẽ đẩy lùi các thông tin, dư luận sai sự thật về các sự kiện xã hội. “Lúa tốt sẽ không còn cỏ dại” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

B.T – TTXVN